Có những tình bạn tưởng chừng như rất bền chặt, lại bỗng chốc tan vỡ; người bạn từng rất thân thiết, bỗng trở nên xa lạ. Vậy rốt cục nguyên nhân nào khiến tình bạn rạn nứt?

Đời người trải qua mấy chục năm, nhìn thấy đủ mọi thứ, gặp gỡ đủ loại người. Đôi khi, có những người từng rất gắn bó với ta; cứ thế rời đi theo năm tháng, thậm chí đến giờ dường như không còn liên hệ gì tới nhau. Mỗi người mỗi ngày đều đang không ngừng rời đi. Trên con đường trưởng thành, chính là không ngừng có được rồi lại mất đi. 

Ngoài nguyên nhân khách quan, khi tình bạn rạn nứt, có thể có 4 nguyên nhân chủ quan sau:

1. Xem sự giúp đỡ của bạn bè như một điều hiển nhiên

Nếu muốn nhờ bạn bè làm một việc gì đó, bạn sẽ dùng lý do gì?

Rất nhiều người cho rằng: “Tình bạn giữa chúng ta đã thân thiết đến như vậy, bạn giúp tôi một chút chẳng phải là điều hiển nhiên sao?”

Tôi từng gặp một chuyện thế này. Một người bạn thân có việc nhờ tôi giúp, nhưng việc đó lại vượt ngoài phạm vi năng lực của tôi, nên tôi đã từ chối. 

Anh ấy có chút không vui, và nói rằng: “Mối quan hệ của chúng ta tốt như vậy, sao bạn lại không giúp tôi?”

sứt mẻ tình bạn; tình bạn tan vỡ; tình cảm phai nhạt
Chúng ta thân nhau nhưng không có nghĩa là tôi có nghĩa vụ phải làm bất cứ điều gì bạn muốn (ảnh minh họa: Palabra)

Câu nói này khiến tôi lúc đó không cách nào phản bác được. Nhưng lẽ nào vì quan hệ của chúng ta rất tốt, mà bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với tôi sao? Giữa bạn bè, quan hệ tốt thì không sai. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự cống hiến của tôi dành cho bạn là điều hiển nhiên. 

Giúp đỡ người khác là sự tự nguyện, là lòng thiện chí chứ không phải là bổn phận. Việc giúp đỡ và tình nghĩa bạn bè là hai chuyện khác nhau. 

Lúc này, tình bạn được định nghĩa rằng nếu bạn không giúp tôi thì bạn thiếu tình nghĩa với tôi; nhưng nếu cố giúp thì bản thân lại thấy khó chịu. Điều này chắc chắn sẽ khiến tình bạn có vết nứt.

2. Bất tín, nói mà không giữ lời

Tôi có một người bạn tạm gọi là A, chữ tín và ý thức về sự trung thực của anh ấy khá kém. Khi người khác nhờ A làm việc gì đó, ban đầu anh ta hứa hẹn rất nhiều. Nhưng kết quả là chẳng bao giờ A thực hiện được những gì đã hứa.

Khi đi ăn, đã hẹn là giờ đó nhưng A luôn khiến mọi người phải đợi hơn nửa tiếng. Lúc mượn tiền, A hứa sẽ trả sau nửa năm, nhưng khi đến hạn thì lại trì hoãn, dùng đủ loại cớ để trốn tránh việc trả tiền.

sứt mẻ tình bạn; tình bạn tan vỡ; tình cảm phai nhạt
Anh ấy luôn trễ hẹn khiến người khác phải chờ đợi trong thất vọng (ảnh minh họa: Misa)

Cách cư xử của A đã làm mất lòng tất cả những người xung quanh, gần như tất cả bạn bè, bao gồm cả tôi, đều dần xa lánh anh ấy.

Một lần, khi ăn tối cùng vài người bạn và họ nhắc về anh ấy. Có người đã nói: “Nghe A nói chuyện, mười câu thì chín câu không thể tin được, một câu còn lại cũng chỉ có thể tin một nửa”.

Rõ ràng, hình ảnh của A trong mắt bạn bè đã vô cùng xấu xí. Trong khi đó, nền tảng của tình bạn là gì? Chẳng phải lòng tin và sự thành tín là quan trọng nhất sao?  Khi bạn không còn tin tưởng một người bạn, không tin những gì họ nói và luôn tỏ ra nghi ngờ, thì tình bạn giữa hai người thực sự đã đến hồi kết. 

3. Đòi hỏi quá nhiều khiến tình bạn rạn nứt

T được cho là một người tử tế, nhưng gia cảnh hơi khó khăn. May mắn là quen được vài người bạn, trong cuộc sống đã giúp đỡ T không ít. Tuy nhiên, giúp được một lúc, không giúp được cả đời.

Vì T thường xuyên nhờ bạn bè giúp đỡ, nay việc này, mai việc khác, lâu dần khiến bạn bè cảm thấy rất phiền phức. Mặc dù những việc đó không phải chuyện lớn, tiền cũng không nhiều. Nhưng rồi ai cũng cũng thấy khó chịu và họ dần xa lánh T. 

Thực ra, tổn thất về mặt tâm lý còn lớn hơn tổn thất về vật chất. Hãy thử nghĩ xem, bạn bè của bạn thường xuyên đến nhờ bạn giúp đỡ, nhưng bạn lại chưa từng nhờ họ giúp gì, bạn sẽ có cảm giác như thế nào? Đa số mọi người sẽ có cảm giác không công bằng, đặc biệt là tình trạng này cứ kéo dài mãi. 

Một khi giữa bạn bè mất đi sự bình đẳng và công bằng, sẽ chỉ còn là sự ban ơn và đòi hỏi. 

Mối quan hệ như vậy, còn có thể là bạn bè sao? Vậy nên trong tình bạn, cần tránh đòi hỏi quá nhiều.

4. Tính toán mưu mô, chơi chiêu trò

B là người rất thông minh và lắm tâm cơ. Nhưng việc anh ấy dùng mánh khóe với bạn bè thật khiến người ta khinh thường. Có lần, B muốn mượn tiền tôi, nhưng ban đầu không nói thẳng. Thay vào đó, anh ấy nói lan man đủ thứ, hỏi tôi rất nhiều chuyện. Tôi nghĩ chỉ là nói chuyện phiếm nên không giấu diếm gì.

Đột nhiên, B nói: “Gần tôi đây hơi khó khăn về tiền bạc, tôi thấy anh không có chỗ nào cần dùng tiền, có thể cho tôi mượn chút được không?”

Lúc đó tôi sững sờ một chút, thảo nào vừa rồi anh ấy hỏi tôi có đầu tư tài chính không, có chi tiêu gì khác không? Hóa ra là muốn dò xem tiền của tôi có chỗ dùng chưa, để khi hỏi mượn, tôi khó kiếm lời từ chối. Thực lòng tôi không muốn cho mượn, nhưng sau đó đành phải cắn răng mà cho mượn.

Giữa bạn bè, hãy đối xử chân thành. Đừng mưu mô, đừng thủ đoạn. Có chuyện gì thì nói thẳng, đừng vòng vo. Mưu mô và thủ đoạn chỉ càng khiến bạn bè thêm khinh thường.

Trong cuộc đời mỗi người, có được vài người bạn tốt thật không dễ dàng. Để vun đắp một tình bạn, cần vài năm thậm chí hàng chục năm, nhưng để một tình bạn rạn nứt có khi chỉ cần vài câu nói là đủ. 

Theo Aboluowang