Chỉ là chút cá kho, thịt kho, rau nấu “canh thuyền chài”(*)… nhưng sao với tôi thì mâm cơm mẹ nấu luôn ngon hơn bất kể món ăn nào trên đời?

Đi khắp bốn phương trời, ăn bao nhiêu món, sơn hào hải vị có, bình dân vỉa hè có… đều thua những món của mẹ.

Tôi vẫn luôn thắc mắc, không biết mẹ cho gia vị gì vào những món ăn? Tại sao nó cứ lặp đi lặp lại như thế, vậy mà chưa bao giờ tôi thấy chán? Nhất là những khi xa nhà bôn ba xứ người, mùi vị thân quen ấy… cứ sống dậy mãnh liệt. Thèm được ăn cơm mẹ nấu. Khao khát được quây quần. 

Ngày tôi còn nhỏ, xã hội còn nghèo khó nên chưa có nồi điện, bếp điện như bây giờ. Mẹ nấu cơm nồi gang, vần tro bếp. Gạo chín đều và nhừ, hạt cơm tơi và mềm. Còn được tro bếp ủ quanh nên có cả cháy vàng giòn, thơm lừng. 

Cơm lúa mới, rơm mới đượm lửa quẩn mùi khói nồng nàn, mênh mang… Có cả mùi mồ hôi của mẹ, cả những giọt nước mắt cay xè lúc vần cơm bị khói quyện vào mắt. Nấu được nồi cơm cho chồng con nào đâu dễ dàng… 

Tôi lớn lên với rau dệu, rau dền mẹ nấu canh; với rau sam, rau muống đỏ mẹ luộc chấm mắm cáy. Lớn lên chân trần trên cỏ cùng mẹ bắt châu chấu về rang. Rồi cùng mẹ hì hụi tối tối soi từng ổ trứng gà, quả nào ung thì đem tráng hoặc bắc cà chua mà quệt ăn cùng cơm trắng. 

Còn nồi cá kho của mẹ nữa, thật khó ai bì được. Vừa đủ đậm đà, vừa đủ chua cay…

Cả tuổi thơ tôi lớn lên nhờ những giọt mồ hôi tần tảo, nhờ mâm cơm chỉ đếm trên đầu ngón tay vài món quẩn quanh ấy. Nhưng vẫn ngon đến lạ!

(ảnh minh họa: bantranh.com)

Mãi sau này tôi mới dừng lại tự hỏi vì sao cơm của mẹ nấu luôn là ngon hơn?

Có lẽ với mỗi người con đều cảm thấy như vậy. Bởi vì trong đó, còn chứa cả tình mẫu tử bao la. Ai đi xa chắc càng trân trọng hơn nữa, thấm tháp hơn nữa mâm cơm của mẹ từ những ngày nảo ngày nào. 

Ai còn mẹ, ai đã không còn mẹ, cũng sẽ đều có lúc bất giác giật mình nhớ hương vị của “những bữa cơm” mà bàn tay mẹ tất tả chuẩn bị ấy….

Thế mới thấy, thứ tình mà mẹ ấp ủ trải dài ngày… tháng… năm… cho chúng ta lớn đến nhường nào. Đến độ thành gia vị, thành nét riêng không thể pha lẫn, chẳng thể nhạt nhoà. 

Sẽ không bao giờ tìm đâu ra đúng vị như thế, mùi như thế, sự thân quen như thế dù bạn ăn ở nhà hàng năm sao với sự chế biến từ những đầu bếp thượng hạng nhất. Sẽ không thể tìm đâu và thay thế được cả bầu trời kí ức, kỉ niệm trong mỗi món ăn bình dị xưa. 

Thời gian cứ trôi đi, tôi rồi cũng đã làm mẹ và thật sự mới bắt đầu có những phút ăn năn.

Mâm cơm mẹ nấu mỗi ngày một thưa vì thời gian bên mẹ mỗi ngày một ít. Bận bịu công việc, con cái, ràng buộc… chẳng thể hàng ngày bên cha mẹ mình mà làm nũng rằng con thấy thèm món này, món kia. 

Đôi khi xa mẹ đến bạt ngàn cây số, bạt ngàn mênh mông, thèm lắm mà chỉ có thể nhìn mâm cơm tự nấu cho con của mình mà khóc ròng nhớ mẹ… Rất nhớ mẹ! 

Thường thì khi còn nhỏ, hoặc khi còn có thể ở bên mẹ, còn có mẹ… chúng ta đều vô tình không trân trọng… Mâm cơm của mẹ nấu, nhiều lúc cũng vì lí do nào đó mà vô tình chẳng buồn ăn…

Ai rồi cũng có những lúc miên man khi nghĩ đến mẹ đã già rồi. Và nỗi lo sợ thường trực rằng một mai trở thành kẻ mồ côi. Cho nên nếu có thể, thì chúng ta nên dành thời gian nhiều nhất cho cha mẹ của mình. Cùng về lại nhà với mẹ mà nấu những bữa cơm.

Mâm cơm mẹ nấu đong đầy gia vị của yêu thương
(ảnh minh họa: Facebook)

Bếp lửa của mẹ vẫn luôn thơm. Thơm mùi nồng hậu của tình mẫu tử; thơm mùi mồ hôi của mẹ; mùi của tuổi thơ đong đầy sự ân cần yêu thương… 

Mâm cơm của mẹ vẫn luôn đầy những món con thích, và chờ đợi con về cùng ăn. Mẹ sẽ gắp cho thật nhiều, ép ăn cho no, vì lúc nào cũng nghĩ và lo con mình còn đói. Trong mắt mẹ, mãi mãi mỗi đứa con đều chỉ như một đứa trẻ. Tình thương yêu dù ở tuổi nào mẹ dành cho, cũng là đong đầy không đếm được. Như sao trên trời, như lá trên rừng, như nước ngoài biển khơi…

Khi ta đang mải rong chơi, hay còn tất tả ngoài kia với bao khát khao tham vọng; hoặc đang mải miết kiếm tìm thành công, tiền bạc, danh vọng… Thì mẹ của chúng ta vẫn ở nhà lủi thủi, cần mẫn nấu những bữa cơm. Và ngày ngày mong mỏi chờ chúng ta tranh thủ về ăn “cơm mẹ nấu”…

Bao nhiêu phấn đấu, bao nhiêu của cải, cũng chẳng thể đổi lại mẹ, hay đổi lại những phút giây yên bình đó được.

Lại sắp Tết rồi! 
Về bên mẹ đi thôi! 
Về nghe mẹ à ơi, nghe mẹ kể chuyện, nghe mẹ than phiền…
Và về gắp cho nhau những thương yêu đong đầy trên mâm cơm mẹ nấu… 

===========================

Chú thích:

(*) Canh thuyền chài: Một loại canh cá nấu chua, lõng bõng nhiều nước, đơn giản, dân dã. Mỗi gia đình sẽ nấu một kiểu. Người nấu chua mẻ, người chua khế, người trái thơm (dứa), người dùng chay hoặc lá tầm bỏi.