Đức Phật lấy loài chim để ví với 4 loại người tu hành
Vẻ bề ngoài và tâm tính của người tu hành được Đức Phật ví như tiếng kêu và hình dáng của loài chim, và nó được chia làm 4 loại.
- Những dấu hiệu chứng tỏ bạn đã từng tu hành trong kiếp trước
- Không đi đường tắt, người tu hành quý ở hai chữ ‘ngay chính’
Thế gian có 4 loài chim
Trong quyển 17 của “Tăng nhất a hàm kinh” có một điển cố kể rằng, vào một ngày nọ, Đức Phật khai thị cho các tỳ kheo trong vườn Cấp Cô Độc của nước Xá Vệ: “Này các tỳ kheo, các con nên biết rằng, trên thế gian có 4 loài chim. Có loài chim tiếng kêu tuyệt hay, dáng vẻ xấu xí; có loài chim vẻ ngoài xuất sắc, tiếng kêu khó nghe; có loài chim âm thanh chói tai, hình thể cũng xấu xí; có loài chim hình thể đẹp mắt, tiếng kêu cũng dễ nghe”.
“Loài chim gì mà tiếng kêu tuyệt diệu, nhưng vẻ ngoài xấu xí? Giống như con chim Cuckoo, loại chim này tiếng hót rất hay, nhưng ngoại hình lại xấu xí; loài chim nào mà bên ngoài xuất sắc mà tiếng kêu lại khó nghe? Giống như con diều hâu, loài chim này bên ngoài rất đẹp, nhưng tiếng kêu lại không chịu nổi;
Loài chim nào mà chẳng những tiếng kêu khó nghe mà bề ngoài cũng xấu xí? Giống như con chim cú, loài chim này không những tiếng kêu khó nghe mà bề ngoài cũng xấu xí; loài chim nào không những tiếng kêu êm tai mà vẻ ngoài cũng rất đẹp mắt? Giống như chim khổng tước, loài chim này không những âm thanh uyển chuyển dễ nghe, hơn nữa lại có vẻ ngoài trang nghiêm. Này các tỳ kheo! Thế gian có 4 loài chim, các con nên biết”.
4 loại người tu hành
“Trên thế gian cũng có 4 loại người tu hành giống như loài chim vậy, các con nên biết. Là 4 loại nào? Có tỳ kheo vẻ ngoài đoan chính, lúc lui tới ra vào, mặc y phục, cầm bình bát, giơ tay nhấc chân, đều có uy nghi. Tuy nhiên lại không tụng đọc Phật Pháp, đối với các pháp lý về sơ thiện, trung thiện, cánh thiện, không những không lý giải được, dựa vào mà thực hành, cũng không có chăm chỉ tụng đọc và tìm hiểu. Loại người tu hành này vẻ ngoài thì tốt mà âm thanh không tốt”.
“Loại người tu hành nào tiếng thì hay mà vẻ ngoài xấu xí? Có tỳ kheo lúc ra vào lui tới, đi ở ngồi nằm, mặc y phục, cầm bình bát, tuy không uy nghi, nhưng giỏi diễn thuyết Phật Pháp; họ tinh tấn trì giới, có thể ôn tập lại những pháp đã nghe. Hơn nữa nghe và hiểu được nhiều pháp lý, có thể hiểu được sơ thiện, trung thiện, cánh thiện, lại có thể tu trì thanh tịnh; đồng thời giỏi duy trì, tụng đọc kinh sách. Loại người tu hành này tiếng hay mà hình thể xấu”.
“Loại người tu hành nào tiếng dở mà ngoại hình cũng xấu? Có tỳ kheo vi phạm giới cấm, không tinh tấn, không tìm hiểu sâu về Phật Pháp. Cho dù nghe pháp cũng rất nhanh quên mất. Tuy biết nên tu trì thanh tịnh, nhưng lại không chịu dựa theo Pháp mà tu hành. Loại người tu hành này tiếng xấu mà hình cũng xấu”.
Lấy người có tiếng hay và hình đẹp làm tấm gương
“Loại người tu hành nào mà tiếng hay mà hình thể cũng đẹp? Có tỳ kheo uy nghi đoan chính, lúc ra vào lui tới, mặc y phục, cầm bình bát, sẽ không nhìn xung quanh; họ tinh tấn tu hành hiểu pháp lý, giữ đủ giới, sợ hãi từng sai lầm nhỏ, huống chi là những sai lầm lớn? Đồng thời học rộng biết nhiều, thường xuyên trì tụng không quên. Đối với sơ thiện, trung thiện, cánh thiện, các pháp trong kinh điển mà nói, đều có thể tuân theo để tu hành; cũng thường xuyên niệm đọc. Loại người này tiếng hay mà hình cũng đẹp”.
“Này các tỳ kheo! Các con nên biết rằng trên thế gian có 4 loại người tu hành. Vì vậy, các tỳ kheo! Các con nên học tập người tu hành có hình đẹp mà tiếng cũng hay, lấy họ làm gương, muốn được như vậy thì phải dụng công!” Sau khi các tỳ kheo nghe Đức Phật khai thị, tất cả đều hoan hỉ, tin tưởng phụng hành.
Người tu hành nếu như có thể tinh tấn tu luyện thì dần dần nội tâm bên trong và vẻ bề ngoài cũng có thể đồng nhất với nhau.
Theo Vision Times