Sử sách Trung Hoa ghi rằng, vua Khang Hy nổi tiếng là vị minh quân hiếm thấy. Ông coi trọng việc chiêu mộ hiền tài, có tấm lòng bao dung. Ông hết lòng vì việc nước và luôn lấy dân làm gốc. Bởi thế, dưới thời ông trị vì, xứ sở Trung Hoa có lãnh thổ lớn nhất, dân cư đông nhất, kinh tế giàu có nhất, văn hóa phồn thịnh nhất trên thế giới. Ông lập lên trang sử hào hùng gọi là  “Khang Càn thịnh thế” và là một vị minh quân vĩ đại trong lòng dân chúng.

Vua Khang Hy tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp (1654 – 1722) là vị vua thứ 4 của nhà Thanh. Lên ngôi khi vừa 8 tuổi, ông cai trị toàn cõi Trung Quốc từ năm 1662 đến khi qua đời.

Để tìm hiểu những khó khăn của bách tính, ông thường cải trang đi thị sát dân tình. Cuộc đời vua Khang Hy đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim. Họ viết lên câu chuyện truyền kỳ “Khang Hy vi hành”.

Khang Hy – vị vua lấy dân làm gốc

Vua Khang Hy có tấm lòng thiên tử rộng lớn. Thời tại vị, ông luôn mở lòng lắng nghe, chăm sóc cho cuộc sống của dân chúng. Ông khôi phục và phát triển sản xuất giúp đời sống kinh tế của người dân ấm no hơn. Ông hạ lệnh bãi bỏ thuế ruộng hơn 545 lượt. Ông ban chiếu: “Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thêm thuế“ giúp giảm gánh nặng cho nông dân. Ông tự mình giám sát việc trị thủy sông Hoàng Hà suốt hơn 10 năm để giảm tổn thất cho dân vì nạn lũ lụt.

Lúc ấy, cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún nhiều, công bộ và nha môn đề xuất tu bổ lại. Khang Hy nói với chư thần: “Việc Đế vương trị vì thiên hạ đều là có nguyên lý của nó. Trường Thành hư hại, các triều Hán, Đường, Tống cũng thường sửa chữa, tai họa biên cương hết chăng? Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, tỏa đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng đạo lý giữ nước, chỉ có tu đức an dân. Hợp lòng dân mới chắc chắn giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc. Đây gọi là mọi người đồng tâm hiệp lực thì sức mạnh sẽ như bức tường đồng không thể phá.”

Khang Hy đã kiến lập được một lãnh thổ rất rộng lớn, mở ra thời kỳ “Khang Càn thịnh thế”.
Khang Hy đã kiến lập nên một lãnh thổ rất hưng thịnh (Ảnh: Pixabay)

Khang Hy – vị vua giàu lòng nhân ái

Một lần, Khang Hy đang thị sát ở khu vực phía Bắc Trường Thành, ông phát hiện thấy một người nằm bất động bên đường. Ông tiến đến hỏi thăm, biết người này tên là Vương Tứ Hải. Anh là một người làm thuê, trên đường về nhà bị đói quỵ xuống không dậy nổi. Vua lập tức sai người cho anh ta ăn chút cháo nóng. Khi Vương Tứ Hải tỉnh dậy, nhà vua cho anh tiền lộ phí và phái người đưa anh ta về tận nhà.

Vua Khang Hy thường hay ban chiếu loại bỏ hoặc giảm bớt hình phạt. Năm thứ 22 thời Khang Hy, tổng số phạm nhân bị phán quyết án tử hình trong cả nước chưa đến 40 người.

Lấy đức làm gốc để chiêu mộ hiền tài

Vua Khang Hy yêu cầu quần thần, quan lại phải thương dân như con. Ông không hạn chế việc tuyển chọn nhân tài, nhưng tiêu chuẩn lại hết sức nghiêm ngặt. Ông dùng người trước sau đều giữ vững một tiêu chuẩn. Đó là: “Quốc gia dùng người, lấy đức làm gốc, tài nghệ là thứ yếu. Tài đức đều cao thì tốt, người có tài mà không có đức sẽ không bằng người có đức mà không có tài”.

Để trấn an dân tộc Mãn, Khang Hy đã nhiều lần lặp đi lặp lại “Mãn hay Hán đều là bề tôi của trẫm”. Ông nói: “Quan lại lớn nhỏ trong triều đều là những người mà trẫm tín nhiệm. Các quan đều cần phải khuyên can, dâng sớ, không được thoái thác trách nhiệm”. Cảm mến tài đức của vua, một số trí thức ẩn cư trong rừng núi đã ra làm quan. Sự ngăn cách giữa các dân tộc dần dần tan biến, cuối cùng dung hợp với nhau.

Xây dựng nếp sống thanh liêm

Để tôn vinh nếp sống cao đẹp, Khang Hy nhiều lần hạ chiếu để cho các quan lại triều đình tiến cử quan thanh liêm. Ông cũng nhiều lần đích thân tuyên dương những vị quan lại thanh liêm. Dưới triều đại Khang Hy, số lượng quan thanh liêm rất nhiều, như: Lý Quang Địa, Trương Bá Hành… Họ nhậm chức ở nơi đâu, thì dân chúng ở nơi ấy được hưởng ân huệ, lợi ích.

Trong lịch sử triều Thanh, Khang Hi Đế được đánh giá là vị Hoàng đế tài ba lỗi lạc bậc nhất, là người đã thiết lập sự thịnh trị dài trên 130 năm của nhà Thanh sau một loạt chiến tranh và những chính sách tích cực khiến dòng họ Ái Tân Giác La ngồi vững vị trí Hoàng đế ở Trung nguyên.
Chân dung vua Khang Hy vĩ đại. (Ảnh: commons.wikimedia)

Có vị quan tướng soái ở Sơn Tây là Vu Thành Long nổi tiếng thanh liêm. Mỗi ngày ông chỉ ăn 2 bữa với cơm thô và rau xanh nên được gọi là “Vu rau xanh”. Ông tự mình làm gương, cấm quan lại nhận hối lộ, dân chúng trong vùng rất yêu mến. Khi ông qua đời các vị tướng quân và quan lại dưới quyền ông đều đến phúng viếng. Họ thấy có một cái hòm bằng trúc để trong nhà ông. Khi mở ra chỉ có một chiếc áo dài, đầu giường của ông chỉ có một ít muối ăn, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt. Dân chúng nhà nhà đều treo bức họa chân dung của ông và tưởng nhớ về ông. Vua Khang Hy cũng ca ngợi ông là “Đệ nhất thanh quan đương thời”.

Khang Hy- vị vua nghiêm trị tham quan

Khang Hy luôn trừng trị thích đáng với tham quan. Ông nói, quan tham cần phải nghiêm trị không tha, mới có tác dụng răn đe. Trong một lần thẩm tra, ông giáng tội một loạt các phạm nhân tham ô lớn. Đối với các quan lại vùng biên giới, ông giám sát càng nghiêm khắc hơn. Ví dụ Tuần phủ Thiểm Tây là Mục Nhĩ Thái ăn hối lộ và làm trái pháp luật. Vua Khang Hy nói: Đối với trọng phạm như thế này, không trừng phạt nặng thì không được, liền lập tức xử tử. Từ năm 1681 – 1706, chính sách này đã ngăn chặn một loạt các hành vi tham ô hối lộ.

Hoàng đế Khang Hy được người đời ca ngợi là một vị minh quân vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa. Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ông luôn một lòng vì dân, lo cho lợi ích của dân, không lúc nào hưởng thụ cho riêng mình. Ông là tấm gương sáng mà người đời sau thường nhắc tới để học tập.

Video xem thêm: Đại biểu Quốc hội Thụy Điển: “Chân – Thiện – Nhẫn, đó chính là điều mà thế giới cần có vào lúc này”