Từ xưa đến nay, ôn dịch hoành hành vẫn là nỗi ám ảnh của con người trên khắp thế giới; nó có thể cướp đi mạng sống của một lượng lớn người và vật chỉ trong một thời gian ngắn. Đứng trước những trận đại dịch như vậy thì các biện pháp bảo vệ hay phong tỏa cũng chỉ là thứ yếu; mà lá bùa hộ mệnh thực sự dành cho con người chính là giữ sự thiện lương trong tâm và làm một bậc chính nhân quân tử thực sự.

Một người trang nghiêm, cung kính, luôn giữ lễ tiết

Chu Huy, tự là Văn Quý, người huyện Uyển, thành phố Nam Dương, làm quan triều đại Đông Hán, gia thế hiển đạt. Cha của ông là Chu Sầm, trong lúc đi học ở Trường An đã kết thân với Lưu Tú (người sau này là Quang Vũ Đế). Lúc Lưu Tú lên ngôi vua, Chu Sầm đã qua đời; vì vậy mới gọi con của ông là Chu Huy đến để ban cho chức quan. 

Chu Huy tính cách trang nghiêm, cung kính; có yêu cầu rất nghiêm khắc với bản thân; tiến thoái đều có lễ tiết. Sau đó ông từ quan và đến trường Thái Học để bổ túc cho đến khi hoàn thành việc học của mình. Phẩm hạnh cao thượng của ông đã được các nho sinh khen ngợi.

Chu Huy rất coi trọng lễ tiết, nhưng không tỏ ra yếu ớt; là người quyết đoán và cực kỳ dũng cảm. Thuở thiếu thời đã tỏ ra hơn người. Năm ông 13 tuổi thì Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán lập ra nhà Tân, thời cuộc đại loạn; thiên hạ bất an. Nạn trộm cướp ở quê của Chu Huy cũng nổi lên rất nhiều. 

Dũng cảm đối diện với đám cướp

Cha ông mất sớm, ông theo gia đình mẹ đẻ từ nông thôn đến huyện Uyển để lánh nạn. Trên đường đi họ bị một đám cướp bao vây. Bọn cướp tay lăm lăm dao găm sắc bén, chuyên tìm phụ nữ để ra tay; cướp đoạt quần áo và tài vật. 

Những người đi cùng với Chu Huy đều rất sợ hãi; nằm rạp trên mặt đất không dám động đậy. Lúc này Chu Huy lại dũng cảm ra mặt. Ông rút kiếm xông lên phía trước khiêu chiến với đám cướp, cất giọng nói: “Tài vật thì có thể lấy, nhưng quần áo của các vị trưởng bối đây thì nhất định không được động vào. Hôm nay, Chu Huy ta đây quyết một phen sống chết với các ngươi!” Đám cướp thấy ông chỉ là một thư sinh mà chí khí lại cao ngút trời, mới nói rằng: “Tiểu tử cất đao đi!”, nói xong cũng thả cho họ đi.

Lúc Chu Huy làm quan ở quê của mình, thái thú Nguyễn Huống đã để ý tới một tỳ nữ của ông và muốn mua lại; nhưng Chu Huy không đồng ý. Về sau Nguyễn Huống mất rồi, Chu Huy mới mang lễ rất trọng đến nhà ông ta. Có người mỉa mai Chu Huy, ông mới nói rằng: “Lúc trước Nguyễn Phủ Quân (ý chỉ thái thú) có nhờ tôi, tôi không dám nghe lệnh; vì e rằng tiền tài sẽ làm ô nhục ông ấy. Bây giờ ông ấy đã mất rồi, tôi dùng lễ để đưa tiễn; để cho tỏ rõ được tấm lòng của tôi”. 

Bậc chính nhân quân tử luôn dùng nhân lễ nghĩa trí tín để đối đãi với người khác
Bậc chính nhân quân tử luôn dùng nhân lễ nghĩa trí tín để đối đãi với người khác (ảnh Secretchina)

Ôn dịch tránh xa bậc chính nhân quân tử

Chu Huy làm quan vô cùng chính trực, chấp pháp lúc nào cũng đặt lợi ích của người dân và quốc gia lên hàng đầu; lấy đạo đức tiết tháo làm quy tắc. Khi bổ nhiệm nhân tài làm quan, ông cũng đề bạt những người trung thực, siêng năng, nghiêm chính. Khi đó Hoàng đế muốn chỉnh đốn nghiêm khắc việc canh gác trong cung nên đã bổ nhiệm Chu Huy làm Vệ sĩ lệnh. Lần thứ hai thăng chức ông được làm thái thú Lâm Hoài. Thủ hạ của Chu Huy đều rất kính nể uy đức của ông; trong khi người dân ở quê lại rất nhớ ơn ông. 

Năm Kiến Vũ thứ 16 thời Quang Vũ Đế triều đại Đông Hán, dịch bệnh trên gia súc xảy ra ở nhiều nơi xung quanh quận Lâm Hoài. Nhưng chỉ riêng quận Lâm Hoài, nơi mà Chu Huy đảm nhiệm chức thái thú là không có dịch bệnh. Vào thời điểm đó, nhiều người dân ở các quận lân cận đã dắt gia súc của họ đến quận Lâm Hoài để tránh dịch.

Sau khi thôi chức thái thú quận Lâm Hoài, Chu Huy sống ẩn cư ở trong núi, không tiếp khách khứa. Lúc này, ông thích nhất là mặc áo bình dân và ăn rau dưa; ông không qua lại với người dân địa phương. Có người còn chế giễu là ông cao ngạo. 

Gặp chuyện mới thấy rõ được tấm lòng quân tử

Chính khí của bậc quân tử chiếu rọi cả trời đất
Chính khí của bậc quân tử chiếu rọi cả trời đất (ảnh Secretchina)

Có một năm ở Nam Dương phát sinh nạn đói và giá gạo tăng lên rất cao. Chu Huy mang hết tài sản của gia đình ra phân phát cho những người nghèo khó, ốm yếu, những người cùng quê và những người bạn cũ. 

Trương Kham, người ở cùng huyện với Chu Huy, cũng là một người đức độ; mỗi lần gặp Chu Huy thì đều đối đãi với nhau như là bạn bè. Trương Kham rất coi trọng Chu Huy, ông từng nói với Chu Huy rằng: “Sau khi tôi chết, tôi muốn phó thác vợ con cho ông”, Chu Huy nghe xong thì giơ tay lên nhưng không nói gì. 

Về sau, Trương Kham ra làm thái thú Ngư Dương, còn Chu Huy làm thái thú Lâm Hoài. Vào lúc Nam Dương phát sinh nạn đói thì Trương Kham đã qua đời. Vợ của Trương Kham thật sự đã lâm vào cảnh đường cùng. Chu Huy tự mình đi tìm vợ của Trương. Khi thấy nàng lâm vào cảnh túng quẫn như vậy, Chu Huy đã lấy tất cả những thứ ông có mà đưa cho nàng. Về sau cứ mỗi năm lại gửi cho nàng 50 hộc gạo (1 hộc = 0,1 lít), 5 cuộn tơ lụa, giúp nàng sinh sống cho đến hết đời.

Hết lòng giúp đỡ bạn bè

Ở trong quận còn có một người tên là Trần Ấp, cũng là bạn thân của Chu Huy. Trần Ấp chết sớm, để lại một đứa con còn trong bụng mẹ tên là Trần Hữu. Chu Huy thường xuyên tìm cách chăm sóc cho đứa con mồ côi này. Khi Tư Đồ Hoàn Ngu làm thái thú Nam Dương, đã chiêu mộ con trai của Chu Huy là Chu Biền làm quan. Tuy nhiên Chu Huy đã từ chối và tiến cử con trai của Trần Ấp là Trần Hữu. Tư Đồ Hoàn Ngu vô cùng cảm phục nên cuối cùng đã chiêu mộ Trần Hữu.

Chu Huy, một con người chính trực, đầy khí khái, cả đời không cầu danh lợi; lấy nhân lễ nghĩa trí tín mà đối đãi với mọi người xung quanh. Năng lượng chính nghĩa do khí phách của ông phát ra đã chiếu sáng cả trời đất; cho nên ngay cả dịch bệnh lây nhiễm động vật cũng tránh xa khu vực mà ông sinh sống.

Theo Epoch Times