Các mối quan hệ đều có lúc thăng lúc trầm. Hôn nhân cũng như vậy, vợ chồng tranh cãi nhau không phải chuyện hiếm gặp.

Khi bất đồng nảy sinh, tất sẽ có tranh cãi. Tuy nhiên, có một số điều bạn cần nhớ trong lúc vợ chồng tranh cãi nhau.

10 điều ghi nhớ khi mâu thuẫn với vợ/chồng của bạn

1. Ngừng tranh cãi trước mặt người lạ

Không thể tránh khỏi những bất đồng trong hôn nhân, nhưng hãy cố gắng đừng cãi vã nơi công cộng. Tranh luận trước mặt người ngoài sẽ không giải quyết được vấn đề và có thể đổ thêm dầu vào lửa. Kết quả cuối cùng sẽ không tốt đẹp nếu không có ai ủng hộ.

Thể hiện sự tôn trọng với vợ/chồng của bạn trước mặt bạn bè và gia đình. Thái độ của bạn đối với người bạn đời ảnh hưởng đến cách nhìn của người khác về họ. Nếu bạn không quan tâm đến vợ/chồng của mình, thì những người khác cũng vậy.

Một điệu nhảy tango cần cả hai người phối hợp. Cũng như vậy, một mối quan hệ tốt đẹp cần có sự bao dung, tha thứ và sẵn sàng thừa nhận sai lầm.

2. Tránh tranh cãi trước mặt bọn trẻ

Giữa vợ và chồng luôn tồn tại những mâu thuẫn trong hôn nhân, nhưng những đứa trẻ thì vô tội. Chứng kiến ​​cảnh cha mẹ tranh cãi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ và thậm chí có thể hình thành thái độ của chúng đối với hôn nhân khi chúng lớn lên.

Vợ chồng tranh cãi ảnh hưởng đến con cái
Những đứa con sẽ cảm thấy buồn bã và mất niềm tin vào hôn nhân khi chúng chứng kiến cha mẹ cãi nhau (ảnh: Dreamstime).

Mối quan hệ giữa cha và mẹ mang đến cảm giác an toàn cho trẻ và không thể thay thế bằng vật chất. Một đứa trẻ không thể cảm nhận được tình yêu thương nếu cha mẹ thể hiện những hành vi không tốt đối với nhau. Cha mẹ là tấm gương cho con cái.

3. Kiềm chế cãi vã trong lúc ốm đau

Bạn có thể chọn thời điểm để tranh cãi. Không phải khi người vợ/chồng của bạn bị ốm, cảm thấy chán nản hoặc gặp khó khăn trong công việc. Việc phân minh trong những trường hợp như vậy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Yêu người bạn đời của bạn là yêu chính bản thân bạn.

4. Ngừng mở lại vết thương cũ

Một số cặp vợ chồng thích kể lại những điều trong quá khứ – lỗi lầm hoặc người yêu cũ. Điều này sẽ chỉ làm tăng cường độ của những bất đồng và làm sâu sắc thêm xung đột. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một cách làm khiến xôi hỏng bỏng không.

Hãy để mọi thứ đã qua cho qua, và học cách bao dung, yêu thương, ân cần và nhượng bộ khi cần thiết.

5. Không kéo theo các thành viên khác trong gia đình

Cãi nhau về các thành viên trong gia đình của vợ/chồng bạn, đặc biệt là cha mẹ là một ý kiến ​​tồi. Tránh xúc phạm bằng mọi giá. Thay vào đó, hãy học cách tôn trọng gia đình và cha mẹ vợ/chồng của bạn. Vợ/chồng của bạn sẽ đánh giá cao bạn và yêu bạn nhiều hơn khi bạn đối xử tử tế với họ.

Vợ chồng chắc chắn sẽ xảy ra cãi vã, vì vậy đừng quá coi trọng chuyện đó và không cần thiết phải nói cho bố mẹ biết về những việc này. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải giao tiếp và hiểu được quan điểm của người kia. Một mẹo hữu ích là hãy nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của vợ/chồng bạn khi bạn khó chịu.

6. Vợ chồng tranh cãi, đập vỡ mọi thứ sẽ không giúp ích gì

Mọi người có xu hướng lớn tiếng bằng lời nói gay gắt, vì vậy việc đập phá đồ đạc sẽ gây thêm tiếng ồn, có thể gây khó chịu cho hàng xóm hoặc khiến bọn trẻ sợ hãi. Hơn nữa, bạn chỉ đang phá hủy các mặt hàng mà bạn đã mua. Nếu bạn phải ném thứ gì đó, hãy ném một cái gối.

Vợ chồng tranh cãi nhau tránh đập vỡ đồ vật
Đập vỡ đồ vật có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong lúc này, nhưng nếu bạn phải ném thứ gì đó, hãy ném một cái gối. (Hình ảnh: Viacheslav Iacobchuk qua Dreamstime).

Giận dữ có thể là con dao hai lưỡi, làm tổn thương cả hai bên. Chiến thắng trong một cuộc tranh cãi không quan trọng. Thay vào đó, lùi lại một bước là điều khôn ngoan nhất nên làm.

7. Lời nói tổn thương càng làm sâu thêm vết thương

Việc hạ thấp người bạn đời của bạn và so sánh họ với vợ/chồng của người khác có thể hủy hoại sự tự tin và hình ảnh của cô ấy/anh ấy. Hãy cẩn thận với ngôn từ của bạn. Bởi vì những lời nói gây tổn thương có tác động lâu dài khó quên, như người xưa đã răn dạy “thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.

8. Tránh đưa ra những lời đe dọa tử vong trong khi vợ chồng tranh cãi

Một số người thản nhiên đưa ra “lời đe dọa chết chóc” trong lúc nóng nảy hoặc nói những điều như: “Tôi không muốn sống nữa!”. Hãy kiêng nói những lời đó trong cơn tức giận. Đó là một thái độ mà bạn sẽ hối tiếc khi bình tĩnh lại.

9. Đừng bao giờ đánh vợ/chồng của bạn

Để ý xem tay bạn để ở đâu khi bạn tức giận, và kiểm soát ý muốn đánh hoặc tát vợ/chồng của bạn. Một cái tát vào mặt có thể phá hủy tình cảm tốt đẹp được xây dựng trong nhiều năm. 

Mặc dù bạn đang đánh vào da thịt, nhưng trái tim bị tổn thương sâu sắc. Vết thương thể xác rồi sẽ hết, trong khi vết thương lòng rất khó lành.

10. Đừng dùng ly hôn như một mối đe dọa

Hôn nhân có những thăng trầm của nó. Hãy suy nghĩ trước khi nói từ “ly hôn”, vì đó là một từ nhạy cảm. Nói như vậy là đang đưa cho người bạn đời của mình một thông điệp sai lầm, khiến mối quan hệ đi đến kết quả mà bạn có thể hối tiếc.

Đề cập đến hai chữ “ly hôn” một cách tùy tiện sẽ gây bất lợi cho cuộc hôn nhân và có thể hủy hoại tình cảm vợ chồng.

Người xưa dạy “Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ”. Khi vợ chồng tranh cãi nhau, “Nhẫn” chính là đừng vượt quá những giới hạn nhất định.

Nguồn: Nspirement

Xem thêm: