Chuyên gia tâm lý mách bạn 5 bước để đối phó với lo âu
Trong xã hội hiện đại, con người thường xuyên phải đối mặt với những lo âu, muộn phiền; khiến cuộc sống càng thêm căng thẳng, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để đối phó với lo âu?
Khi lo âu xuất hiện trong tâm trí, nó thường hiện diện một cách dai dẳng, nếu bạn càng cố gắng loại bỏ nó thì có khi nó lại càng khiến bạn mệt mỏi, buồn phiền hơn.
Seth J.Gillihan, nhà tâm lý học người Mỹ đã chia sẻ trên Psychology Today rằng: “Sự lo âu thường giống như một vị khách bất lịch sự không mời mà đến; đuổi mãi không đi, thậm chí cố ý ở lại thật lâu. Bất kể nó xuất hiện dưới hình thức nào, nó có thể khiến bạn kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Gillihan nói rằng, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra một vài phương pháp giúp vượt qua lo âu, thậm chí có thể hữu ích; nhưng trên thực tế chúng có thể không hiệu quả với tất cả mọi người, và ngay cả khi có hiệu quả, thì không phải lúc nào nó cũng thành công.
Vì vậy, ông đưa ra 5 bước để đối phó với lo âu và thiết lập các mối quan hệ khác nhau với nó để mọi người tham khảo.
Nội dung chính
1. Khi lo âu xuất hiện, hãy bình tĩnh quan sát nó
Gillihan cho biết, sự lo lắng thường len lỏi vào đầu bạn, khiến tâm trí bạn dường như mất kết nối với cơ thể. Ý thức của bạn dần bị nó dẫn dắt kéo đi, mải mê theo nó mà suy tính, lo toan, buồn phiền. Cứ như vậy, càng ngày nó càng nắm chặt tâm trí của bạn, thậm chí ăn mòn năng lượng cơ thể bạn.
Lúc này, điều bạn cần làm là hãy bình tĩnh và xem điều gì đang diễn ra trong cơ thể bạn. Khi bạn cảm thụ bất kỳ cảm giác nào từ bên ngoài đang tác động đến thân thể và tâm trí, hãy cố gắng bình tĩnh, quan sát nó. Quan sát ở mức trung lập nhất có thể, không phán xét hay phân tích là nó “tốt” hay “xấu”. Hãy xem sự lo âu kia trong cơ thể bạn trông như thế nào.
2. Cứ mặc kệ sự lo âu bước vào thế giới của bạn
Chiến lược này có vẻ buồn cười. Việc chống lại sự lo lắng của bạn không nhất thiết sẽ giúp bạn thoát khỏi nó mà thậm chí có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Hãy để nó yên một thời gian và xem điều gì sẽ xảy ra.
Hãy cho nó biết rằng, nó có thể ở lại bao lâu tùy thích, trong lúc đó bạn có thể lo việc khác. Dẫu nó không đi thì bạn cũng không cần phải cố sức xua đuổi nó đi làm gì.
3. Cứ tiếp tục làm những việc mình cần làm
Hãy tự hỏi bản thân xem hiện tại cần phải làm gì? Đừng tập trung vào nó, đừng san sẻ sự chú ý cho nó hoặc tìm cách giải quyết nó. Hãy điều hướng bản thân sang những công việc thực tế mình cần phải làm ở hiện tại, và tập trung vào đó.
Cứ nhẹ nhàng thay đổi sự chú ý, cũng không cần phải chỉ trích hay nói gì đó nghiêm trọng, chỉ cần bình tĩnh tự hỏi bản thân “cần phải làm gì”.
4. Hãy nhìn vào bên trong và lắng nghe chính mình
Lo lắng là hồi chuông cảnh báo nhằm mục đích thu hút sự chú ý của bạn. Hãy dừng lại một chút và nhìn vào bên trong nội tâm của mình. Lắng nghe những gì cơ thể và tâm trí của bạn có thể đang cố nói với bạn.
Bạn không cần phải suy nghĩ hay giải quyết, hãy lắng nghe bằng trái tim chứ không phải bằng đôi tai, và dựa nhiều vào trực giác hơn là phán đoán.
Hãy cho bản thân một chút thời gian và không gian để lắng nghe những gì ẩn giấu bên trong những suy nghĩ và cảm xúc rắc rối. Ngay cả khi bạn không thể tìm ra câu trả lời, thì việc dừng lại và nhìn vào bên trong cũng rất hữu ích.
5. Không cần phải nghĩ cách đối phó với lo âu, hãy làm bạn với nó
Có một nguyên tắc hướng dẫn đằng sau những chiến lược này, đó là thay đổi mối quan hệ của bạn với sự lo lắng.
Mọi người có xu hướng giải quyết những lo âu bằng cách tìm phương pháp thoát khỏi nó. Bạn nên bắt đầu thay đổi suy nghĩ này.
Khi bạn muốn có thể bình tĩnh trước những lo lắng, thì bạn cần phải làm hòa với nó trước. Khi bạn thắc mắc tại sao sự lo lắng của mình không biến mất, hãy nhớ nhắc nhở bản thân rằng, không có chân lý nào cho rằng nhất định phải làm như vậy.
Có thể việc đối phó với sự lo lắng không phải là việc của bạn, cảm giác lo lắng của con người cũng chỉ là một điều bình thường. Điều quan trọng chính là đừng để tâm trí mình chạy theo nó, dùi vào nó, rồi khổ sở vì nó.
Mặc dù cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống nhưng chúng không phải là thước đo cuối cùng của cuộc sống. Bạn nên dành năng lượng của mình để hoàn thành những điều mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống của bạn.
Theo Epochtimes