Có người cứ hễ mở miệng ra là nói những lời chê bai hay làm tổn thương người khác, nhưng lại bao biện rằng bản thân ‘thẳng thắn’, thực ra đó là thể hiện của sự thiếu tu dưỡng.

“Tôi là người thẳng tính, đừng để ý nha”

Câu này nghe rất quen phải không? Có nhiều người dựa vào câu nói này để hợp thức hóa những lời lẽ làm tổn thương người khác.

Vừa mới bắt đầu đã nói: “Tôi là người thẳng thắn, không thích vòng vo, bạn đừng để bụng nhé”. Nhưng nếu bạn nghe kỹ, cái gọi là “thẳng” mà họ nói, tám chín phần là lời cay độc. 

Người ta hơi mập lên thì họ chọc: “Ôi, thân hình này chắc sắp ngồi không vừa ghế sofa nữa rồi!” Con người ta thi tốt thì không khen, lại buông lời chê bai: “Tôi thấy cũng thường thôi, đừng đắc ý quá!”

Bạn mà tỏ thái độ, họ còn nói: “Cậu nhỏ mọn quá. Tớ làm vậy là vì muốn tốt cho cậu thôi!”

Tốt cho bạn à? Thực ra là không chịu nổi khi thấy bạn tốt hơn họ!

Miệng thì nói “tôi thẳng tính”, nhưng thực chất là thiếu giáo dưỡng, không biết chừng mực, chỉ đang mượn cớ “thẳng tính” để che giấu sự cay nghiệt của mình.

Đáng giận hơn là họ luôn cho rằng người khác “làm quá lên”, chứ chẳng bao giờ tự nhìn lại xem mình có biết giữ mồm giữ miệng hay không.

Những người như vậy rất thích bôi nhọ trước mặt và gây chia rẽ sau lưng. Bạn kết bạn với người như vậy, ban đầu có thể thấy họ thật thà, nhưng càng về sau càng thấy khó chịu và thường xuyên bị tổn thương.

Người xưa có câu: “Miệng sắc như dao, thường thì tâm cũng lạnh như dao.”

Người thực sự lương thiện và đáng tin cậy nói năng sẽ có chừng mực. Nhân phẩm tốt thì trên miệng có đức, trong tâm có giới.

“Anh ta cũng thường thôi”

Ghen tị là một trong những dấu hiệu của người có nhân phẩm kém.

“Anh ta cũng thường thôi “, nghe là biết ngay câu cửa miệng của những người hay ganh ghét, không chịu nổi khi thấy người khác tốt hơn mình. Bạn bảo: “Con nhà ông Trương đỗ đại học trọng điểm rồi.”

Anh ta bĩu môi: “Cũng thường thôi, giờ đại học thì có giá trị gì.”

Bạn nói hàng xóm mới sửa nhà, anh ta nói ngay: “Tiêu tiền hoang phí như thế để làm gì, có ở đó cả đời đâu.”

Bạn khen ai đó nấu ăn giỏi, hiếu thảo, anh ta liền nói:  “Chẳng phải làm màu cho thiên hạ xem thôi sao?”

Những người như thế, cả đời chẳng khen một ai thật lòng. Ai sống tốt hơn anh ta một chút, anh ta liền buông vài câu mỉa mai, nói vài lời hạ bệ.

Ngay cả khi người khác đã đạt được mục tiêu của họ bằng tất cả nỗ lực, anh ta cũng phải tìm cách “dìm” xuống. Khi bạn nỗ lực để tiến lên, anh ta sẽ kéo bạn xuống; khi bạn đi đúng đường, anh ta sẽ dẫn bạn đi đường vòng.

“Làm vậy chẳng ích gì đâu”

Câu này nghe có vẻ thật lòng, nhưng thực ra lại dễ làm người khác tổn thương nhất. Trong các mối quan hệ giữa người với người, luôn có một số kẻ thích dội gáo nước lạnh vào nỗ lực của người khác.

4 câu người thiếu tu dưỡng hay nói ra và viện cớ là “thẳng thắn”
Họ không quan tâm đến nỗ lực của người khác, chỉ cố hạ thấp người khác (ảnh minh họa: Udemy)

Dù bạn có nghiêm túc và tận tâm đến đâu, họ cũng chỉ mở miệng ra là bảo “vô ích thôi”. Cứ như thể cả thế giới này đều phải vận hành theo ý họ.

Những người như vậy có một điểm chung: luôn phủ định tất cả. Họ không quan tâm bạn cố gắng vì điều gì, cũng chẳng hỏi bạn muốn đạt đến đâu; chỉ biết hạ thấp, làm nhụt chí người khác.

Mà những kẻ chuyên “đả kích” người khác ấy, bản thân họ thường chẳng có thành tựu gì đáng kể, chỉ đơn giản là không chịu nổi khi thấy người khác hành động và tiến bộ.

Phủ định người khác trở thành cái cớ để che giấu sự bất tài của chính họ. Người có giáo dưỡng, sẽ không dễ dàng phủ nhận nỗ lực của người khác. Bởi họ hiểu rằng, mỗi bước tiến của một người, đều bắt đầu từ những điều chẳng được ai kỳ vọng.

“Đừng quá nghiêm túc, tôi chỉ nói thế thôi”

Câu nói “Đừng coi trọng quá, tôi chỉ nói chơi thôi” tưởng nhẹ nhàng, nhưng lại dễ gây tổn thương nhất.

Anh ta nói một câu khó nghe với bạn, sau đó lại phủi tay: “Ôi, đừng để tâm, tôi chỉ buột miệng nói vậy thôi.”

Nếu bạn nghe theo lời khuyên của anh ta mà chịu thiệt, anh ta lập tức chối bỏ: “Tôi đã bảo đừng coi trọng rồi mà, là bạn cứ khăng khăng tin đấy chứ!”

Miệng tuy không kiểm soát, nhưng trong lòng lại đầy toan tính. Khi nói thì vỗ ngực bảo đảm, nhưng đến lúc xảy ra chuyện thì trốn tránh, một câu “tôi chỉ nói thế thôi” là đẩy hết trách nhiệm cho người khác.

Nếu bạn không tin, anh ta bảo bạn không coi anh ta là bạn; nếu bạn tin, khi xảy ra rắc rối anh ta lại bảo chỉ nói đùa. 

Người như vậy, lời nói không có chừng mực, làm việc không có trách nhiệm, thời gian lâu dần, đến cả làm bạn cũng chẳng thể.

Theo Aboluowang