Khi con đã biết nhận lỗi, người mẹ có EQ cao sẽ làm 3 điều này

Khi con làm sai và dùng hết can đảm để nhận lỗi: “Mẹ ơi! Con sai rồi”, bạn sẽ làm gì? Hãy cùng khám phá cách ứng xử đầy tinh tế của những người mẹ có trí tuệ cảm xúc cao nhé!
Một bà mẹ đã chia sẻ một câu chuyện như sau:
Con trai cô đang chơi cùng với các bạn nhỏ khác. Đột nhiên, cô nghe thấy tiếng khóc. Cô chạy đến xem thì thấy con trai mình đã đẩy một bạn khác, bạn nhỏ đó đang ngã trên đất và khóc òa lên.
Ngay lúc cô sắp nổi giận thì con trai đã lên tiếng trước: “Mẹ ơi, bạn ấy làm mãi không được, con nôn nóng nên đã đẩy bạn ấy. Con xin lỗi, con không nên làm vậy.”
Vào khoảnh khắc đó, cơn giận trong lòng cô đã nguôi đi phần lớn. Vì con đã nhận ra lỗi của mình, nên nếu cô vẫn tiếp tục trách mắng, thì có lẽ câu “Mẹ ơi, con sai rồi” có thể sẽ không còn được nghe thấy trong tương lai nữa.
Chúng ta cũng thường trải qua những tình huống như thế này:
Khi con làm sai và gom hết can đảm để nhận lỗi, thì chúng ta lại bị cảm xúc nhất thời lấn át, biến cơ hội nhận lỗi thành thời điểm “giáo huấn”, rồi xả một tràng trách mắng vào con. Kết quả là, con có thể không còn muốn nhận lỗi nữa, mà thay vào đó là né tránh, chối bỏ, thậm chí là nói dối.
Khi con mắc lỗi, một người mẹ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ làm 3 điều sau đây:
1. Chấp nhận lỗi lầm của con
Trong tâm lý học, có một khái niệm rất quan trọng gọi là “cảm giác an toàn tâm lý”. Đó là khi một người làm sai, bị chất vấn hoặc gặp rắc rối, họ không cảm thấy sợ bị chỉ trích hay sỉ nhục, mà vẫn có thể can đảm thản đãng thừa nhận lỗi lầm.
Ví dụ, nếu con dám nói với bạn rằng mình đã mắc lỗi, điều đó cho thấy con thực sự tin tưởng, dựa dẫm vào bạn và tin rằng nhận lỗi trước mặt bạn là điều an toàn, không có gì đáng sợ cả.
Đáng tiếc là, với tư cách là cha mẹ, nhiều khi chúng ta lại không kìm được mà “buột miệng” thốt ra những câu như: “Mẹ đã nói rồi mà cứ không chịu nghe!”; “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, sao lại cứ phạm sai lầm vậy?”; “Chỉ biết nhận sai thì có ích gì? Rồi lần sau vẫn cứ phạm lỗi tiếp”.
Cha mẹ có thể nghĩ rằng mấy câu này sẽ khiến con ghi nhớ, nhưng thực tế lại vô tình phát ra một tín hiệu đặc biệt đau lòng: “Việc con nhận lỗi cũng vô ích, nên bị mắng thì vẫn phải mắng!”
Trong lòng đứa trẻ chợt lạnh đi, và lần sau con rút kinh nghiệm, không nói sự thật với bạn nữa. Bởi vì con phát hiện rằng, thừa nhận lỗi lầm mang tới không phải là sự cảm thông, mà là trách mắng và thất vọng, thậm chí còn bị mắng nặng hơn.
Vì thế con bắt đầu né tránh, nói dối. Lâu dần, cảm giác an toàn tâm lý cũng từng chút một biến mất.
Nhưng người có EQ cao, sẽ hiểu được cách nắm bắt khoảnh khắc vàng khi con nhận lỗi.
Ví dụ:
Cho bản thân vài giây để bình tĩnh lại
Khoảnh khắc con nhận lỗi, bạn có thể rất thất vọng, rất tức giận, thậm chí trong lòng còn như muốn phát điên.
Nhưng bạn đừng vội lên tiếng, trước hết hãy hít thở sâu, gác lại cơn giận dữ, lo lắng và thất vọng sang một bên, để lý trí quay lại.
Hành động có sức mạnh hơn lời nói
Đừng vội giảng đạo lý, mà là làm những hành động sau đây: Cho con một cái ôm ấm áp; nhẹ nhàng vỗ nhẹ vai con; ngồi xuống ngang tầm với con, dịu dàng nhìn con.
Bạn biết không? Những hành động đơn giản này còn hiệu quả hơn cả nói 100 câu đạo lý. Bởi vì, chúng nói với con rằng: “Dù con đã sai, nhưng mẹ vẫn rất yêu con.” Sự bất an trong lòng con sẽ nhanh chóng tan biến nhờ hành động nhỏ đó của bạn.
Dùng một câu nói ấm lòng để mở cánh cửa giao tiếp
Bạn nói: “Cảm ơn con đã sẵn lòng nói với mẹ. Bây giờ chúng ta cùng nghĩ xem nên làm gì tiếp, được không?” Dùng cách này để đáp lại con, thì tâm hồn đứa trẻ liền có được một cảm giác an toàn chưa từng có.
2. Sau khi con biết nhận lỗi, hãy hướng dẫn con “suy ngẫm” lại
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, con mắc lỗi thì phải lập tức bị phạt, vậy mới nhớ được bài học. Nhưng có một hiện tượng thường thấy, gọi là “dùng hình phạt thay vì dẫn dắt suy ngẫm”. Khi hình phạt trở thành phương pháp chính, điều con học được thường không phải là “vì sao sai”, mà là “làm sao để không bị phát hiện”.
Con vô ý làm vỡ cái bát, mẹ biết rồi, mắng một trận và còn đánh vào lòng bàn tay. Vậy thì lần sau, nếu lại làm vỡ bát, con chắc chắn sẽ chạy thật xa, hoặc vội vàng nhặt mảnh vỡ rồi vứt đi, để đảm bảo bạn không phát hiện.

Tại sao lại thành ra như vậy? Vì con không được hướng dẫn để suy ngẫm, mà là trong vòng luẩn quẩn tiêu cực “mắc lỗi – bị phạt”, con học được cách phản kháng và nói dối.
Bà mẹ có EQ cao, khi con mắc lỗi, sẽ không mắng hay trách ngay, mà biết cách dẫn dắt con tìm hiểu nguyên nhân đằng sau.
Ví dụ, bạn có thể sẽ hỏi con 3 câu hỏi:
“Đã xảy ra chuyện gì vậy?” — Dẫn dắt con mô tả tình huống lúc đó.
“Nếu làm lại lần nữa, con sẽ làm thế nào?” — Khuyến khích con suy nghĩ phương án tốt hơn.
“Con nghĩ người khác sẽ nghĩ gì khi con làm sai?” — Nuôi dưỡng sự đồng cảm và tinh thần trách nhiệm.
Những câu hỏi này không phải để tra hỏi, mà là giúp con xây dựng mối liên hệ giữa “nhân quả” và “trách nhiệm”, giúp con suy ngẫm từ trong lỗi lầm.
3. Dạy con cách sửa chữa lỗi lầm
Rất nhiều đứa trẻ sau khi mắc lỗi sẽ dùng cách trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ như: làm hỏng đồ thì giả vờ không biết; làm tổn thương người khác thì lập tức bỏ chạy; đã nói dối thì tiếp tục nói dối nữa.
Thực ra, động cơ tâm lý phía sau rất đơn giản — các con không biết nên làm gì, và cũng sợ phải gánh chịu hậu quả.

Nếu chúng ta có thể vào lúc đó dạy con cách hàn gắn quan hệ, bù đắp tổn thất và chịu trách nhiệm, thì đó mới là giáo dục đúng nghĩa.
Ví dụ: Làm hỏng đồ chơi thì cùng con bàn xem nên bồi thường hay sửa lại như thế nào; nói lời không nên nói thì khuyến khích con viết một phong thư xin lỗi gửi cho người ta, hoặc đợi họ bình tĩnh rồi xin lỗi; bỏ sót bài tập thì cùng con lập kế hoạch khắc phục.
Một người bạn đã chia sẻ về một trải nghiệm của con trai cô ấy:
Con trai xảy ra xung đột với bạn cùng bàn ở trường, trong cơn tức giận đã ném cây bút của bạn kia.
Sau khi về nhà, mẹ không mắng con ngay mà cùng con làm một tấm thiệp xin lỗi cho người bạn đó, còn để thêm một cây bút mới vào trong thiệp.
Hôm sau, con mang tấm thiệp đến trường. Chiều hôm đó sau khi tan học, con cười nói với mẹ: “Con và bạn ấy làm hòa rồi!”
Sau chuyện này, dù con có mâu thuẫn với người khác, con vẫn có thể nhanh chóng tự mình hàn gắn lại mối quan hệ. Bởi vì, từ trong sai lầm, con đã học được cách trưởng thành.
Là một người mẹ có trí tuệ cảm xúc cao, chắc chắn bạn sẽ biết cách trao cho con những quyền thích đáng – quyền được nhận lỗi và cơ hội để sửa sai.
Theo Aboluowang