“Thiện hữu thiện báo” – lòng tốt vô tư trao đi, phúc báo tự nhiên tìm đến

“Thiện hữu thiện báo”, lòng tốt trao đi rồi sẽ quay trở lại với bạn theo một cách nào đó, những hành động tử tế đều sẽ được đền đáp xứng đáng.
Mặc dù ngày nay rất ít người nhớ đến câu ngạn ngữ cổ xưa “One good turn deserves another” – “Thiện hữu thiện báo”, nhưng nếu chúng ta sẵn lòng tìm hiểu và suy ngẫm thêm về ý nghĩa của nó, rồi áp dụng vào cuộc sống, thì có lẽ giá trị của câu nói ấy sẽ tiếp tục được lan tỏa. Câu ngạn ngữ này đã tồn tại trong tiếng Anh suốt khoảng 500 năm.
Câu “thiện hữu thiện báo” có ghi chép bằng văn tự sớm nhất trong một bản thảo tiếng Latin từ đầu thế kỷ 15. Tuy nhiên, bản ghi bằng tiếng Anh đầu tiên xuất hiện trong cuốn Proverbs (Tục ngữ) của John Heywood vào năm 1546, với cách diễn đạt: “One good turne asketh another.” Đến năm 1622, Giám mục Joseph Hall đã viết trong tác phẩm Contemplations rằng, một việc tốt “cần dùng” một việc tốt khác để đáp lại.
Câu nói này thể hiện một thông điệp đẹp đẽ: Những hành động tử tế nên được lan tỏa. Đôi khi, nó cũng được hiểu là làm việc thiện sẽ được đền đáp. Lòng tốt, một khi được trao đi, sẽ quay trở lại với ta qua sự sắp đặt của đấng bề trên.
Một câu chuyện thiếu nhi về thiện hữu thiện báo
Có một câu chuyện mà nhiều người trong chúng ta đều quen thuộc, minh họa rõ nét cho thông điệp thiện hữu thiện báo và có lẽ chính nó cũng góp phần củng cố quan niệm này trong tư duy văn hóa phương Tây. Đó chính là câu chuyện đầy cảm động “Sư tử và Chuột” trong tuyển tập truyện ngụ ngôn của Aesop.
Dù cái tên “Truyện ngụ ngôn Aesop” đã quá quen thuộc với hầu hết trẻ em phương Tây, dưới đây là vài thông tin nền tảng về tuyển tập này, trích từ Bách khoa toàn thư Lịch sử Thế giới:
“Truyện ngụ ngôn Aesop, do một cựu nô lệ người Hy Lạp sáng tác vào khoảng giữa đến cuối thế kỷ VI trước Công nguyên, là bộ sưu tập truyện giáo dục đạo đức nổi tiếng nhất thế giới. Gồm 725 truyện, các truyện ngụ ngôn này ban đầu được truyền miệng từ người này sang người khác để giải trí, nhưng chủ yếu là nhằm truyền đạt và giáo huấn những bài học đạo đức”.
Đối với những ai chưa từng nghe hoặc đã lãng quên, truyện ngụ ngôn “Sư tử và Chuột” có thể được tóm tắt đơn giản như sau:
Một ngày nọ, một con sư tử to lớn đang ngủ trong rừng thì có một con chuột chạy vụt qua. Nó chạy lướt qua chiếc mũi của sư tử, tiếng sột soạt của nó khiến sư tử tỉnh giấc và nổi giận.
Con chuột cố gắng bỏ chạy, nhưng con sư tử hùng mạnh đã tóm được nó dưới bàn chân to lớn của mình. Con chuột tha thiết van xin sư tử tha mạng và hứa rằng, nếu được tha, một ngày nào đó nó sẽ báo đáp lại. Sư tử nghe vậy thì bật cười, vì nó nghi ngờ một sinh vật bé nhỏ như vậy có thể giúp gì được cho một kẻ mạnh mẽ như mình. Tuy vậy, nó vẫn thả con chuột đi.

Không lâu sau, con chuột nghe thấy một tiếng gầm vang dội trong rừng và nhận ra sư tử đang gặp nạn. Hóa ra, sư tử đã bị dính bẫy của thợ săn và mắc kẹt trong một tấm lưới khổng lồ. Nhưng chú chuột nhỏ thông minh biết mình phải làm gì, nó chậm rãi và kiên nhẫn cắn từng sợi dây của tấm lưới, hết sợi này đến sợi khác, cho đến khi sư tử được tự do.
Sư tử vô cùng biết ơn, và chúng ta thấy rằng lòng tốt của nó đã được đền đáp bởi chú chuột nhỏ kiên định.
“Ông già Noel” giữa thời hiện đại
Hiếm ai thể hiện trọn vẹn câu “Thiện hữu thiện báo” như Larry Stewart. Câu chuyện đời ông là nguồn cảm hứng sâu sắc trên nhiều phương diện. Có thể nói rằng nhà từ thiện này ban đầu không phải là người giàu có.
Khi Stewart 20 tuổi, ông từng rơi vào cảnh tuyệt vọng khi đi khắp nơi tìm việc. Trong một lần lang thang đến một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Mississippi, xe ông bị hết xăng giữa đường. Lúc đó ông hoàn toàn không có một xu dính túi, phải ngủ lại trong xe và nhịn ăn suốt hai ngày trời.
Nhưng rồi tới lúc không thể chịu đựng nổi nữa, ông bước vào một quán ăn và gọi một bữa sáng thịnh soạn, dù biết rõ mình không có tiền để trả. Hôm đó, quán chỉ có một người làm việc, và đó chính là chủ tiệm. Khi ông chủ đưa hóa đơn, ông Stewart giả vờ rằng mình đã làm mất ví. Trong cơn tuyệt vọng, ông không biết phải làm gì khác.
Rồi người chủ tiến đến bàn và nửa đùa nửa thật giả vờ nhặt thứ gì đó từ dưới đất. Ông cầm trong tay tờ 20 đô và nói với ông Stewart: “Chắc ông đánh rơi cái này rồi.” Ông Stewart vô cùng biết ơn, mặc dù lúc đó ông chỉ giả vờ, nhưng ngay khoảnh khắc ấy, ông đã thề với Chúa rằng sẽ đền đáp hành động tử tế này.
Sau này, Stewart bắt đầu kinh doanh truyền hình cáp và trở nên rất giàu có. Vì vậy, khoảng 10 năm sau trải nghiệm ở Mississippi, ông bắt đầu “đáp lại lòng tốt” của người chủ nhà hàng bằng cách tặng tiền mặt cho những người ông tình cờ gặp đang lâm vào cảnh khó khăn.
Sau này, ông quay lại nhà hàng ở Mississippi và đưa cho người chủ một phong bì có 10.000 đô tiền mặt bên trong. Ban đầu, người chủ tốt bụng không muốn nhận, nhưng ông Stewart đã nài nỉ.
Theo thời gian, ông Stewart trở thành một “ông già Noel bí mật”, đi khắp đất nước, mặc đồ giống ông già Noel và trao tiền cho những người có vẻ đang cần giúp đỡ. Ông từng đến New York sau sự kiện 11/9, đến Gulfport, Mississippi, sau cơn bão Katrina, và còn nhiều nơi khác nữa. Ông ước tính rằng mình đã tặng tổng cộng khoảng 1,3 triệu đô – tất cả chỉ vì một hành động tử tế và một lời cầu nguyện.
Mặc dù thời thế đã thay đổi, các tệ nạn lan tràn cùng nhiều vấn đề khiến người ta ngần ngại khi giúp đỡ nhau bằng tiền. Nhưng tinh thần thiện nguyện của Stewart vẫn là điều đáng được kế thừa.
Chúng ta có thể tiếp nối và lan tỏa lòng tốt mà người khác từng dành cho mình, và hãy tin rằng những hành động tử tế của ta sẽ không bao giờ bị ông trời lãng quên, người tốt chắc chắn sẽ nhận được thiện báo.
Theo The Epoch Times