Tôn sư trọng đạo là mỹ đức truyền thống của nhiều dân tộc ở phương Đông. Cổ nhân có câu “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”.

Thầy giáo là người truyền thụ luân lý đạo đức, tri thức, giá trị quan niệm, dạy cho con người quy phạm hành vi trong đối nhân xử thế và cũng là biểu tượng của đạo đức. Cũng bởi vậy, cổ nhân mới có câu “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”.

Người xưa rất chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh, học đức hạnh của thầy, tạ ân nghĩa của thầy, từ đó lưu lại rất nhiều câu chuyện cảm động. Dưới đây xin kể lại 3 câu chuyện về tôn sư trọng đạo của người xưa.

Chu Vương nghe theo lời thầy Khương Tử Nha 

Câu chuyện tôn sư trọng đạo đầu tiên đáng chú ý đó là Văn Vương. Câu chuyện Vũ Vương nghe theo hiền tài Khương Tử Nha. 

Vào cuối thời nhà Thương, trong các nước chư hầu ở phía tây, Chu Văn Vương là người lấy đức giáo hóa dân, thúc đẩy nền chính trị nhân từ. Ông biết rằng muốn trị quốc được tốt phải bổ nhiệm trọng dụng những người hiền tài.

Ông suy nghĩ rất nhiều, luôn mong muốn cầu tìm được người tài như khát nước. Ông nghe nói Khương Tử Nha là người đạo đức cao thượng, hiểu biết rộng, là bậc đại hiền triết trong thiên hạ, nên rất muốn đi mời ra giúp đỡ xây dựng cơ nghiệp. 

Khi đó, Khương Tử Nha xin cáo lão không làm quan của Trụ Vương, một mình đến Tây Kỳ. Ông đã đến bên bờ sông Vị, là một khu vực thuộc tỉnh Thiểm Tây, cũng là nơi mà Cơ Xương (tức Chu Văn Vương) cai quản, để sống một cuộc đời ẩn cư. Hàng ngày đi câu ở ven sông. Tuy nhiên, cách câu của ông khác với người bình thường, cần câu của ông không có lưỡi.

Người thầy Khương Tử Nha
Khương Tử Nha câu cá rất kỳ lạ, cần câu không có lưỡi (ảnh minh họa: Kknews.cc).

Bối cảnh Chu Văn Vương gặp Khương Tử Nha

Ngày ngày trôi qua, một hôm, Chu Văn Vương tình cờ có việc đi qua bờ sông Vị. Thấy bộ dạng kỳ lạ của Khương Thượng, ông lệnh cho binh lính theo hầu đến hỏi thăm. Nào ngờ, Khương Tử Nha chẳng buồn để ý cứ thản nhiên ngồi câu mà còn nói thêm rằng cá thì không cắn câu mà tôm tép đã đến quấy rối.

Chu Văn Vương nghe kể lại liền sai một viên quan lớn đến hỏi chuyện. Khương Tử Nha vẫn không thèm để ý còn nói cá nhỏ đừng đến làm gì. Viên quan không hỏi được đành quay về. Chu Văn Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi ngộ ra. Có thể kẻ lạ đời này chính là người mình cần đích thân đến hỏi thì mới đáp lời. Sau khi biết chuyện, Văn Vương mới biết ông chính là Khương Tử Nha, một bậc kỳ tài binh pháp.

Chu Văn Vương mừng lắm, ông nói: “Năm xưa, tổ phụ từng nói với ta về việc rồi sẽ có ngày một bậc hiền tài đến giúp cho Chu tộc lên hương. Hóa ra chính là Khương Tử Nha đây, chúng ta đã mong ngài từ lâu lắm rồi”. Văn Vương lập tức mời Khương Thượng cùng mình hồi cung.

Cũng từ đó, Khương Tử Nha được gọi là Thái Công Vọng, hay còn gọi là Khương Thái Công. Bởi vì ông là người mà tổ phụ của Chu Văn Vương vẫn luôn chờ mong từ lâu. Sau này Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương tiêu diệt nhà Thương và lập quốc; thống nhất thiên hạ; mở ra con đường chính đạo trị quốc hưng thịnh cho hậu thế. 

Câu chuyện về Tử Cống và Khổng Tử

Tử Cống là một trong những học trò nổi tiếng của Khổng Tử thời Xuân Thu. Ông là người thông minh hiếu học, có tính giác ngộ kỷ luật cao, đối với thầy luôn lễ độ cung kính. Không chỉ là người truyền bá các tư tưởng Nho gia của Khổng Tử; mà còn luôn kiên định bảo vệ thầy, coi chí nguyện của thầy như của mình. Tử Cống dốc lòng hoằng dương đạo đức, nhân nghĩa; thời thời khắc khắc đều luôn cố gắng bảo vệ, gìn giữ tôn nghiêm và danh dự của thầy.

Những người học trò của Khổng Tử đều cung kính đối xử với ông như đối đãi với một người cha, coi ý chí của thầy cũng là ý chí của mình. Đó chính là biểu hiện của "Tôn sư trọng Đạo".
Những người học trò của Khổng Tử đều cung kính đối xử với ông như đối đãi với một người cha, coi ý chí của thầy cũng là ý chí của mình (ảnh: Kknews).

Lần nọ, Trần Tử Cầm hỏi Tử Cống: “Học vấn của Khổng Tử từ đâu mà có được? Ông ta đi chu du khắp thiên hạ, hiểu rõ chính sự các nước, là bởi thỉnh cầu người khác nói cho, hay là người ta chủ động kể ra?”.

Tử Cống bảo vệ thầy

Tử Cống nghiêm túc trả lời: “Chính sách trị quốc nhân từ của [Chu] Văn Vương, [Chu] Vũ Vương nổi tiếng, lưu truyền thế gian. Người có phẩm đức có thể hiểu được hàm ý trong đó. Thiếu đức hạnh thì chỉ nhìn được lớp da lông bên ngoài. Đạo đức, chính nghĩa không nơi nào không có mặt. Phu tử từ đâu mà chả có thể luôn học tập. Ngay cả phương thức hỏi thăm so với người thường cũng khác nhau, Phu tử dựa vào thái độ ôn hòa, thiện lương, kính cẩn, khiêm nhường mà đạt được”.

Khi Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống về phẩm đức, tài năng của Khổng Tử. Tử Cống trả lời ngay: “Phu tử vốn là Thánh nhân, há lại chẳng phải là bậc hiền đức?”.

Đại phu nước Lỗ, Thúc Tôn Vũ có lần nói lời phỉ báng Khổng Tử, Tử Cống dùng lời lẽ đanh thép nói: “Làm như vậy không có tác dụng gì đâu. Phu tử vốn không phải người có thể nói lời phỉ báng được. Người hiền đức vẫn còn có người hiền đức hơn, nhưng Khổng Phu tử tựa như vầng nhật nguyệt, không cách nào vượt qua. Mặc dù có người muốn từ chối nhật nguyệt, đối với nhật nguyệt mà nói có gì tổn hại đây? Chẳng qua sẽ chỉ khiến người khác cảm thấy hắn không biết tự lượng sức mình mà thôi”.

Tử Cống có lòng như vậy với Khổng Tử là bởi ông đã lý giải được sâu sắc đạo học của Khổng Tử. Vì vậy, ông hiểu rằng theo đuổi chân lýgìn giữ đạo đức là chuyện mà ai cũng nên làm.

Tôn sư trọng đạo là mỹ đức truyền thống.
“Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” (ảnh: ĐKN).

Nhạc Phi không quên ân sư

Đây là câu chuyện kể về đại anh hùng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa; đối với ân nghĩa của thầy, cả đời không dám quên. Nhạc Phi thuở nhỏ mất cha, gia cảnh bần hàn, không thể đi học. Nhưng vốn là đứa bé ham học, thông minh lại chăm chỉ, Nhạc Phi luôn đứng ngoài cửa sổ nghe thầy giảng bài. Không có tiền mua sách bút liền lấy cành cây làm bút, lấy đất làm sách viết.

Vị thầy dạy trường tư thục tại đây là Chu Đồng vô cùng yêu thích đứa trẻ ngoan ngoãn lại chịu khó này. Vì vậy, ông đã nhận làm học trò và dạy học miễn phí. Ông dạy cậu cách làm người, ôm hoài bão lớn xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo dựng sự nghiệp. Không những vậy, mỗi ngày còn dạy văn, luyện võ một cách vô cùng nghiêm khắc. Ông dạy Nhạc Phi tuyệt kỹ bắn cung. Sau này nhờ đó mà trở nên nổi tiếng bởi tài thiện xạ bách phát bách trúng của mình.

Nhạc Phi không phụ sự chỉ dạy của thầy, chăm học khổ luyện, trở thành một người văn võ song toàn. Sau đó, ông dẫn binh thu phục lại những vùng đất của Đại Tống bị chiếm mất; liên tiếp lập được đại công, trở thành một vị anh hùng lỗi lạc khiến quân Kim chỉ nghe tiếng đã kinh hồn khiếp đảm.

Người thầy tốt khiến trò cung kính và trọng đạo.
Người thầy tốt khiến trò cung kính và trọng Đạo (ảnh minh họa: Internet).

Hiếu lễ với thầy như cha

Sau khi Chu Đồng qua đời, Nhạc Phi mặc áo gai, kéo xe tang, thực hiện hiếu lễ của người con, đối Chu Đồng như một người cha. Sau này vào ngày mồng một và ngày rằm, dù là đang ở bên ngoài hành quân hay đang ở quân doanh, đều không quên tế bái lão sư; mỗi lần đều ngậm ngùi khóc lóc, sau đó nhất định cầm lên “Thần cung” nặng 300 cân (150kg) thầy tặng cho mà bắn ba mũi lên trời.

Nhạc Phi từng nói: “Thầy dạy ta đạo nghĩa đối nhân xử thế, đạo lý tinh trung báo quốc; còn đem tuyệt kỹ bắn cung cùng võ nghệ cả đời đều truyền lại cho ta. Ơn thầy lớn như trời, như biển, cả đời cũng không được phép quên”.

Cổ nhân có câu “Tam giáo Thánh nhân, ai không có sư; thiên cổ đế vương, ai không có sư”; ý nói kể cả những bậc Thánh nhân trong tam giáo (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo) hay đế vương tài đức cũng đều phải có thầy. Người bất kính với thầy là người vong ân bội nghĩa, sao có thể thành đạo?

Từ xưa tới nay, các vị Thánh hiền đều lấy mình là gương, rất mực khiêm tốn. Họ tôn sư trọng đạo khiến hậu thế noi gương làm theo.

Theo Vision times

Xem thêm: