Nhạy cảm đúng mức là một lợi thế, nhưng nhạy cảm quá mức lại thành gánh nặng, bản thân cứ tự chìm đắm trong những suy nghĩ của chính mình.

Không biết bạn có từng trải qua chuyện như thế này chưa: Khi nói chuyện với mọi người, nếu đối phương trả lời chậm, hay thậm chí chỉ một biểu cảm nào đó hơi lạ cũng đủ cho bạn suy nghĩ miên man; khi cùng đồng nghiệp ăn cơm, bạn luôn đoán ý đồng nghiệp qua lời nói và sắc mặt, chỉ đùa một chút cũng sợ đối phương không hiểu mà nghĩ sai về mình; khi có mâu thuẫn với bạn bè, thì trong đầu không ngừng diễn hóa ra các tình huống, thậm chí còn bị mất ngủ…          

Nếu đúng như vậy thì bạn chính là người quá nhạy cảm, và thường sẽ sống rất mệt mỏi, dễ bị tổn thương. Nhưng cũng không phải nói rằng bạn phải trở nên khô cứng và mạnh mẽ, mà ở đây chúng ta phải kiểm soát tốt sự nhạy cảm của mình; nếu có thể cân bằng giữa cảm xúc và lý trí thì bạn sẽ trở thành một người rất sâu sắc.

Vậy nên, nhạy cảm đúng mức là một lợi thế, nhưng nhạy cảm quá mức lại là một gánh nặng.

Nhạy cảm đúng mức là một lợi thế

Trong tiếng Nhật có một từ gọi là “Đọc không khí”, đơn giản mà nói thì ý tứ chính là “tùy mặt gửi lời”. Một số người rất nhạy bén đối với sự thay đổi tâm trạng của người khác và cảm nhận được bầu không khí xung quanh họ. Những người nhạy cảm này có xu hướng quan sát tỉ mỉ và suy nghĩ thấu đáo.  

Naoto Fukasawa, nhà thiết kế của MUJI, đã sử dụng khả năng “đọc không khí” này trong công việc thiết kế của mình và đạt được thành công lớn.

Người quá nhạy cảm thường tự làm khổ chính mình
Nhà thiết kế Naoto Fukasawa (ảnh: Andersnoren)

Ông nói: “Ngay cả khi đối phương không nói gì thì trong lòng dường như cũng muốn biểu đạt một điều gì đó. Điều này thì bạn cần phải quan sát và suy đoán. Quan sát cảm xúc của đối phương thì mới có thể biết được đối phương cần gì”.

Chính bằng khả năng thiên phú này, mà ông có thể tìm ra được mong muốn thực sự của khách hàng, từ đó cho ra đời các tác phẩm được nhiều người yêu thích.

Có thể thấy, sự nhạy cảm đúng mức sẽ trở nên rất có ích, và nó góp phần không nhỏ cho thành công của một người. Nhưng cái gì quá đi đều sẽ không tốt, và sự nhạy cảm cũng vậy.

Quá nhạy cảm là tự làm khổ chính mình

Có một người rất nhạy cảm đã chia sẻ lại câu chuyện về một lần đi taxi của mình. Cô kể rằng, khi lên xe và đóng cửa, cô đã vô tình dùng lực quá mạnh, làm phát ra một âm thanh rất lớn. Mặc dù đã xin lỗi tài xế, nhưng cô vẫn cảm thấy lo lắng bất an suốt cả chặng đường.

Vì vậy trong chuyến đi này, cứ khi xe cua gấp hoặc tăng tốc, cô đều sẽ nghĩ rằng tài xế làm vậy vì lúc nãy cô đã đóng cửa quá mạnh, và tài xế thực sự đã khó chịu.

Người quá nhạy cảm thường tự làm khổ chính mình
Cô gái tự giày vò mình suốt quãng đường đi (ảnh minh họa Adobestock)

Vậy nên cô quyết định là tí nữa xuống xe sẽ xin lỗi tài xế một lần nữa. Nhưng ngay khi cô chuẩn bị mở miệng, tài xế tự nhiên gật đầu thân thiện với cô và chúc cô đi đường cẩn thận. Lúc đó cô mới phát hiện ra, những lo lắng không yên của cô suốt quãng đường đi thì ra chỉ là do cô suy nghĩ quá nhiều mà thôi.

Có thể thấy, những suy đoán và tưởng tượng không đâu sẽ chỉ làm cho sự tình ngày càng rời xa sự thật. Trong quá trình này, không những bạn rất dễ hiểu lầm người khác, mà còn khiến bản thân bị tổn thương.

Cân bằng cảm xúc và lý trí

Những người thực sự lợi hại đều có thể khống chế sự nhạy cảm của bản thân, họ sẽ nhạy bén khi cần thiết, và không để bản thân bị vướng vào những điều vô nghĩa.

Có người nói rằng: “Những người nhạy cảm đều có một trái tim thủy tinh, nhìn thì kiên cố, gió thổi không xuyên qua được, nhưng thực ra thì đụng nhẹ một cái là sẽ vỡ ngay”. 

Những người quá nhạy cảm thường tự làm khổ chính mình. Những điều mà người khác cười một tiếng là xong, còn họ phải suy tính rất lâu; những việc mà người khác chưa từng để ý đến, nhưng họ lại nhớ mãi không quên. Nếu việc gì cũng để trong lòng thì đến một lúc nào đó cái tâm này sẽ không còn chứa đựng nổi nữa, nó sẽ vỡ vụn và sụp đổ.

Một người quá nhạy cảm chính là thiên về cảm tính. Nếu có thể lý trí hơn thì sẽ biết việc gì nên bỏ qua ngay lập tức, việc gì nên suy nghĩ thêm một chút, như vậy thì cuộc sống mới cân bằng và hài hòa. 

Theo 360doc