Rùa cứu ân nhân, chó vì chủ nhân báo thù
Người xưa nói “Vạn vật đều có linh”, dù là động vật thì cũng có cảm tình, biết suy nghĩ, thậm chí còn biết báo thù cho chủ nhân của mình.
- Con gái hiếu thảo, thay cha báo ân không lời oán trách
- Động vật cũng có linh tính: Câu chuyện hươu núi báo ơn
Thiện hữu thiện báo, rùa trắng đền ơn
Chuyện này xảy ra trong quân đội của Mao Bảo, một vị tướng nhà Tấn và được ghi chép lại trong “Tấn thư”. Khi Mao Bảo và Thái thú của Tây Dương là Phàn Tuấn trấn giữ Chu Thành (gần huyện Hoàng Cương, Hồ Bắc ngày nay). Sau đó, Triệu Vũ Đế Thạch Hổ (tự Quý Long), đã dẫn hàng vạn quân bao vây Chu Thành. Quân đội của Mao Bảo đã bị đánh bại trong trận chiến, cuối cùng Chu Thành bị chiếm giữ.
Mao Bảo dẫn 6.000 quân thoát khỏi vòng vây. Kết quả dưới sự truy đuổi của kẻ thù, họ buộc phải gieo mình xuống sông, cả đoàn quân bị tiêu diệt, chỉ có một người lính duy nhất sang được bờ bên kia an toàn và sống sót một cách thần kỳ.
Trước đó, khi Mao Bảo đóng quân ở Vũ Xương, người lính này tình cờ nhìn thấy một ngư dân đang nhốt một con rùa trắng dài 4-5 tấc trong lồng ngoài chợ. Người lính thấy con rùa trắng đáng thương, nên đã bỏ tiền mua và nuôi nấng cẩn thận, đợi nó lớn lên và có thể di chuyển tự do thì thả xuống sông.
Sau đó, khi Chu Thành bị đánh bại, người lính mặc áo giáp và cầm một thanh kiếm nhảy xuống sông cùng đồng đội của mình, anh cảm thấy như thể mình đã rơi vào một tảng đá lớn, nhìn kỹ thì anh kinh ngạc phát hiện ra đó là một con rùa màu trắng, dài 5-6 thước. Hóa ra là con rùa trắng mà trước đây anh đã thả về tự nhiên. Con rùa trắng lớn đã đỡ người lính và đưa anh sang bờ bên kia an toàn, nhờ đó mà đã cứu anh khỏi chết đuối và tránh được sự truy đuổi của kẻ thù.
Ác hữu ác báo, chó vì chủ nhân báo thù
Câu chuyện này xảy ra với một môn sinh của Thượng thư lệnh Viên Xán – tướng quân nhà Lưu Tống. Cha của Viên Xán mất sớm, cuộc sống nghèo khó, nên bà nội đặt tên ông là Mẫn Tôn, sau khi phục vụ Hoàng đế Tống Minh thì đổi tên thành Xán. Viên Xán tài hoa vẹn toàn, không thích nói nhiều, tuy quyền cao chức trọng, nhưng ông vẫn thường một mình ngắm hoa thưởng nguyệt, ngâm thơ uống rượu, tận hưởng thú vui theo cách riêng của mình.
Sau khi Minh Đế qua đời, Viên Xán và Chử Uyên được Minh Đế giao phó trong thời khắc lâm chung và trở thành Cố mệnh đại thần, phò tá cho vị hoàng đế bị phế truất lên ngôi sau này. Trong thời kỳ này, Quế dương vương Lưu Hưu Phạm phát động phản loạn. Viên Xán dẫn quân dẹp loạn, sau đó được lệnh trấn thủ Thạch Đầu Thành.
Lúc này, Tề vương Tiêu Đạo Thành đã khởi binh tạo phản, lén lút bái kiến Viên Xán, nhưng Viên Xán lại quyết tâm một lòng không thờ hai chủ. Lấy lý do bị ốm và từ chối gặp mặt, nhưng mặt khác lập kế hoạch chống lại Tiêu Đạo Thành.
Khi Tề vương phái quân tấn công Thạch Đầu Thành, con trai cả 17 tuổi của Viên Xán tên là Viên Tối vì bảo vệ cha mà bị thương nặng. Viên Xán trước khi chết nói với con trai mình:“Ta vẫn có thể coi là trung thần, con vẫn có thể coi là hiếu tử”. Sau đó cả hai cha con đều thiệt mạng, dân chúng cảm thấy vô cùng thương xót.
Vào thời điểm đó, con trai út của Viên Xán mới vài tuổi, và được người nhũ mẫu dẫn đi chạy trốn đến chỗ môn sinh tên là Địch Linh Khánh, người đã từng được Viên Xán bảo hộ, để xin giúp đỡ. Không ngờ, Địch Linh Khánh nói với người nhũ mẫu: “Nghe nói khai ra con trai của Viên Xán sẽ được thưởng lớn. Bây giờ Viên Xán đã chết, bà giấu đứa trẻ này để làm gì?” Thế là anh ta liền bế đứa trẻ chạy đi, giao lại cho Tiêu Đạo Thành để được khen thưởng.
Người nhũ mẫu khóc lóc thảm thiết kêu lên: “Trời ơi! Năm xưa Viên Xán có ơn với ngươi, nên ta mới mạo hiểm liều mạng đến chỗ ngươi nương tựa. Thế mà ngươi lại làm trái lương tâm, vì tư lợi mà giết hại con của ân nhân. Nếu như trời đất quỷ thần biết, ta nhất định sẽ nhìn ngươi bị trừng phạt”.
Kể từ khi con trai út của Viên Xán qua đời, Địch Linh Khánh thường hoảng hốt mà thấy đứa trẻ này cưỡi trên một con chó lớn chơi đùa. Sau hơn 1 năm, một ngày nọ, bỗng nhiên có một con chó lớn đột nhiên xông vào sân nhà của Địch Linh Khánh, vừa gặp Địch Linh Khánh, nó lao tới cắn chết anh ta. Không lâu sau, vợ và con trai anh ta cũng lần lượt qua đời.
Điều người nhũ mẫu nói quả nhiên đã thành sự thật. Chú chó này được Viên Xán nuôi khi ông còn sống và thường được cậu con trai út cưỡi trên lưng. Con chó này phải chăng đến báo thù cho chủ? Dù thế nào đi chăng nữa, nhân quả báo ứng, người làm việc ác tất có ác báo.
Vào năm Vĩnh Minh đầu tiên của triều đại Nam Tề, Tề Vũ Đế (con trai của Tề Cao Đế) đã ban hành một sắc lệnh ca ngợi Viên Xán vì lòng trung thành của ông với nhà Lưu Tống.
“Cứu vật vật trả ơn”, nhiều con vật rất có linh tính, có thể trả ơn cho ân nhân, hoặc vì chủ nhân mà báo thù, những câu chuyện như thế này cũng không phải là hiếm.
Theo Epoch Times