‘Được mất đời người đều về không, hà cớ chi đâu mãi phiền lòng’, nếu ai cũng làm được như ‘Tái Ông thất mã’ (Tái Ông bị mất ngựa) ở dưới đây thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng biết bao. 

Tái Ông thất mã

Sách Hoài Nam Tử có chép một câu chuyện như sau: Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ; vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ lân cận và mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.

Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi”.

Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về và dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.

Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.

Ông lão không có vẻ gì vui mừng. Ông nói: “Biết đâu việc được ngựa Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi thì sao”.

tái ông thất mã; câu chuyện tái ông thất mã; chuyện ngụ ngôn tái ông thất mã
Họa phúc khôn lường (ảnh Zhihu)

Họa phúc khôn lường

Con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa; thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cưỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi; khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.

Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão; thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua này lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.

Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi. Con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc”.

Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ; các trai tráng đều tử trận; riêng con trai ông lão vì bị què chân nên được miễn đi lính; nhờ vậy mà được sống sót.

tái ông thất mã yên tri phi phúc; tái ông mất ngựa; trong họa có phúc
Họa phúc đời người như gió bay (ảnh tamtinhlang)

Trong họa có phúc, trong phúc có họa

Câu chuyện “Tái ông thất mã” này là minh họa cho một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp; hay vẫn thường nói là trong họa có phúc, trong phúc có họa.

Cũng như vậy, khi được thì cái mầm mất đã nảy sinh; khi mất thì cái mầm được cũng liền có. Khi hiểu được rõ đạo lý này thì chúng ta sẽ thuận theo đạo lý mà hành xử; thuận theo tự nhiên mà sống; không phải bận tâm lo lắng được mất trong cuộc đời.

Phật gia giảng, mọi việc xảy ra đều không phải ngẫu nhiên, đều có duyên cớ; đều do nghiệp và đức dẫn động đem đến. Những gì bất hạnh, bất đắc ý mà mình gặp phải đời này, chính là trả nợ nghiệp mình đã tạo trong các đời trước. Còn những phúc báo, hạnh phúc mình đắc được trong kiếp này, chính là đức mình đã tích từ các đời trước.

Người hiểu được luật nhân quả, nghiệp lực luân báo sẽ thản nhiên đón nhận bất hạnh; bình thản nhận phúc báo. Họ sẽ không vì bất hạnh mà đau buồn bi lụy; cũng không vì có phúc báo mà dương dương tự đắc.

phúc và họa; Lộc tận mạng vong; Phúc bất tận hưởng là gì
Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển (ảnh Afamily)

Hai chữ ‘thế à’ thể hiện cảnh giới nhân sinh

Có một câu chuyện nổi tiếng về một vị thiền sư ở Nhật Bản tên là Hakuin Ekaku (1686 – 1769); người ta hay gọi ông là Bạch Ẩn Thiền sư. Chuyện kể rằng, có một thiếu nữ sống trong ngôi làng gần chùa nơi Bạch Ẩn Thiền sư đang tu tập bỗng chửa hoang. ‘Tác giả’ thực sự của bào thai chính là anh chàng bán cá ngoài chợ. Tuy nhiên, vì không môn đăng hộ đối; cô gái sợ khi tiết lộ danh tính bạn trai thì cha mình sẽ đánh chết chàng. Cứ thế, cô không hé nửa lời.

Ấy vậy mà sau những trận đòn của cha, cô gái chịu hết nổi nên đã buột miệng vu oan; bảo với cha rằng chính Bạch Ẩn Thiền sư là người làm cho mình có thai. Quá sốc trước lời thú nhận này, gia đình cô gái kéo nhau đến chùa và ra sức chỉ trích Bạch Ẩn Thiền sư. Họ gọi Ngài là “sư hổ mang”; “ác tăng”; “kẻ làm ô danh chốn Phật môn”; “nhà sư phá giới”…

Tin tức từ đó lan đi làm chấn động cả một vùng quê Nhật Bản. Chưa kể, vì quá thất vọng trước người mà mình tin tưởng sùng bái bao lâu nay, cư dân trong vùng chẳng thèm đến chùa của Bạch Ẩn Thiền sư cúng dường lạy Phật nữa.

Biết là thầy bị oan, không ít đệ tử của Bạch Ẩn Thiền sư khi ấy thắc mắc hỏi tại sao thầy không đứng ra thanh minh. Trước loạt câu hỏi của đệ tử, Bạch Ẩn Thiền sư thản nhiên đáp: “Thế à?”. Xong rồi Ngài im lặng và tiếp tục tu tập.

trong phúc có họa; họa phúc khôn lường; học phúc khó lường
Được mất tùy duyên, an nhiên tự tại (ảnh Afamily)

Tái Ông thất mã, bình thản trước được mất thế gian

Dù bị chỉ trích cỡ nào cỡ nào đi chăng nữa, Bạch Ẩn Thiền sư vẫn điềm tĩnh giữ nguyên câu trả lời “Thế à?” của mình cho tất cả. Ngài tĩnh tại như mặt hồ mùa thu và điềm nhiên sống như không có gì xảy ra. 

Mấy tháng sau, khi cô gái hạ sinh một bé trai, cha của cô ấy đã đem đứa trẻ đến chùa đặt trước mặt Bạch Ẩn Thiền sư và nói: “Đây là con của ông, nghiệt chủng của ông; ông tự mà nuôi lấy”, Bạch Ẩn Thiền sư lại đáp: “Thế à?”, rồi sau đó nhận đứa trẻ.

Từ đó, ngày ngày Bạch Ẩn Thiền sư đều bồng đứa bé đi khắp vùng xin sữa; bất chấp việc đi tới đâu người ta mắng chửi Ngài tới đó. Tuy nhiên, vài người phụ nữ đang có con nhỏ vì quá tội nghiệp đứa trẻ cũng đành cho bú nhờ. Mọi chuyện cứ thế trôi đi…

Vài năm sau, cảm thấy lương tâm cắn rứt, cô gái năm nào vu oan cho Bạch Ẩn Thiền sư mới bắt đầu hối lỗi và kể hết sự thật cho cha mình. Gia đình cô vô cùng hoảng hốt, liền chạy đến chùa nhận tội với Bạch Ẩn Thiền sư; họ dập đầu sám hối và xin nhận lại cháu về. Thiền sư mỉm cười trao trả đứa trẻ và khẽ đáp: “Thế à?”.

Họa phúc đời người như gió bay, thản nhiên đón nhận mới là bậc trí huệ. Ai vui mừng khi được thì cũng sẽ đau buồn khi mất. Giữ tâm an nhiên tự tại như Tái Ông, được không cho là may, mất không cho là xui; thực ra đây cũng là một cảnh giới vô cùng thâm sâu của đời người.