Vật báu vô giá ở đâu?
Mỗi người chúng ta đều có những vật báu vô giá. Nhưng có người cả đời chưa bao giờ phát hiện vật báu vô giá của mình ở đâu?
- Hãy thiện lương với người ngay cạnh mình
- Giá trị của lời nói tốt lành
- Thân thể của bạn là một con thuyền quý báu vô giá
Nếu bạn có thể biết được mình có bao nhiêu báu vật vô giá, cuộc sống của chính mình có giá bấy nhiêu.
Ngày nọ, vị tiểu hòa thượng chạy tới thỉnh giáo thiền sư: “Thưa sư phụ, giá trị lớn nhất trong cuộc đời con là gì?”. Vị thiền sư nói: “Con ra vườn sau lấy một tảng đá lớn, mang ra chợ bán. Nếu có ai hỏi giá, con không cần nói gì, chỉ cần giơ hai ngón tay ra. Nếu họ trả giá, con đừng bán, hãy mang về đây, sư phụ sẽ nói cho con giá trị lớn nhất cuộc đời con là gì?”.
Nội dung chính
Khi vật báu được mang ra chợ
Sáng sớm hôm sau, tiểu hòa thượng mang một tảng đá to ra chợ bán. Trong chợ, người ra người vào tấp nập, mọi người đều vô cùng tò mò nhìn tiểu hòa thượng. Có một người phụ nữ đi tới và hỏi: “Tảng đá này bao nhiêu tiền vậy?”. Tiểu hòa thượng giơ hai ngón tay ra, người phụ nữ lại hỏi: “Hai đồng hả?”. Tiểu hòa thượng lắc lắc đầu, người phụ nữ hỏi tiếp: “Vậy 20 đồng nhé” Được rồi, được rồi. Vừa lúc tôi cần mua để nén dưa cải”.
Tiểu hòa thượng nghe thấy vậy nhủ thầm: “Ôi mẹ ơi, một tảng đá không có giá trị gì lại có người dám bỏ 20 đồng để mua. Trên núi của mình nhiều vô số kể”.
Vì vậy, tiểu hòa thượng không bán nó, vui vẻ quay về gặp Sư phụ: “Sư phụ, hôm nay có một bà nội trợ sẵn sàng trả ’20 đồng” để mua tảng đá của con. Sư phụ, xin thầy hãy nói cho con biết, giá trị lớn nhất trong cuộc đời của con là gì?”.
Thiền sư nói: “Ừm, đừng vội vàng, sáng mai con hãy mang hòn đá này đến bảo tàng, nếu có người hỏi giá, con vẫn giơ hai ngón tay ra; nếu họ hỏi giá, con không bán và hãy quay về đây, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện”.
Khi vật báu được mang đến bảo tàng
Sáng hôm sau, trong viện bảo tàng, một nhóm người hiếu kỳ đứng xem, xì xào bàn tán: “Một tảng đá bình thường, có giá trị gì mà bày trong bảo tàng nhỉ?”. “Nếu viên đá này ở trong viện bảo tàng thì chắc chắn nó phải có giá trị, chỉ là chúng ta chưa biết mà thôi”.
Vị tiểu hòa thượng lại như lần trước, không nói lời nào và dơ hai ngón tay ra, người đàn ông hỏi giá nói: “200 đồng à?”. Tiểu hòa thượng lắc lắc đầu. Người đàn ông lại nói: “2000 đồng thì 2000 đồng vậy. Vừa vặn tôi muốn mua nó để tạc một bức tượng Phật”. Tiểu hòa thượng nghe thấy vậy, lùi lại một bước và cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.
Cậu vẫn làm theo lời dặn dò của sư phụ, mang hòn đá trở về núi và đến gặp sư phụ: “Sư phụ, hôm nay có người trả 2.000 đồng để mua hòn đá của con. Lần này xin thầy hãy nói cho con biết, giá trị lớn nhất của cuộc đời con là gì?”.
Thiền sư mỉm cười và nói: “Ngày mai con lại mang tảng đá này đến tiệm đồ cổ, theo lệ thường, nếu có người trả giá hãy mang về đây. Lần này, sư phụ nhất định sẽ cho con biết giá trị lớn nhất của cuộc đời con là gì”.
Khi vật báu được mang đến tiệm đồ cổ
Sáng ngày thứ ba, tiểu hòa thượng lại cầm cục đá lớn đến cửa hàng đồ cổ. Vẫn có nhiều người vây quanh ngó xem, có người đang bàn tán xem đây là loại đá gì? Nó được khai quật ở đâu? Đó là triều đại nào? Nó dùng để làm gì?
Cuối cùng, có một người đến hỏi giá: “Tiểu hòa thượng, viên đá của cậu bán giá bao nhiêu?”. Tiểu hòa thượng im lặng dơ hai ngón tay. “20.000 đồng à?”. Tiểu hòa thượng mở to hai mắt, miệng há to kinh ngạc thốt lên lên một tiếng: “A?!”. Vị khách cho rằng giá mình đưa ra quá thấp, tới trêu tức tiểu hòa thượng nên liền đính chính nói: “Không ! Không! Không! Tôi nói nhầm, tôi định trả giá ‘200.000 đồng”.
“200.000 đồng”. Nghe vậy, tiểu hòa thượng lập tức ôm tảng đá chạy như bay về núi gặp sư phụ vừa thở hổn hển vừa nói: “Sư phụ, sư phụ, chúng ta phát tài rồi. Hôm nay có thí chủ trả giá 200.000 đồng cho tảng đá của chúng ta. Bây giờ thầy có thể nói với con, giá trị lớn nhất cuộc đời con là gì rồi phải không ạ?”.
Giá trị nhân sinh cuộc đời con người ở đâu
Vị thiền sư xoa xoa đầu chú tiểu và âu yếm nói: “Con ơi, giá trị lớn nhất trong cuộc đời của con giống như hòn đá này. Nếu con đặt mình ở chợ, con chỉ đáng giá 20 đồng; nếu con đặt mình ở trong viện bảo tàng, con đáng giá 2.000 đồng; nếu đặt mình vào một cửa hàng đồ cổ, con đáng giá 200.000 đồng! Nền tảng khác nhau và vị trí khác nhau sẽ làm cho giá trị nhân sinh của cuộc đời khác nhau”.
Câu chuyện này có truyền cảm hứng để bạn suy nghĩ về cuộc sống không? Bạn chuẩn bị đặt kiếp nhân sinh của mình bán ở đâu? Bạn đang muốn tìm kiếm nền tảng cuộc sống như thế nào cho mình?
Không phải sợ người khác coi thường, chỉ sợ chính chúng ta coi thường chúng ta mà thôi. Ai nói rằng bạn vô dụng? Trừ khi bạn đặt mình xuống bùn coi như một hòn đá vỡ, không ai có thể đưa ra định nghĩa cho cuộc sống của mình. Con đường bạn chọn ra sao sẽ quyết định kiếp nhân sinh của bạn như thế.
Sau khi đọc câu chuyện, theo bạn rốt cuộc giá trị của viên đá này là bao nhiêu?
Dưới đây là tiếp theo của tôi về câu chuyện này:
1. Tiểu hòa thượng trả hòn đá về chỗ cũ. Giá trị của hòn đá này là “0” đồng, là vô giá trị; vì để ở vườn sau cũng vô dụng, không ai sử dụng.
2. Sau đó, tiểu hòa thượng quay lại cửa hàng đồ cổ và bán viên đá với giá “200.000”đồng. Người mua viên đá với giá 200.000 đồng; sau khi về nhà mài bỏ lớp vỏ bên ngoài của viên đá. Bên trong là viên sapphire lớn nhất ở thế giới, giá trị “2000000000000000000000000000 ……”. Vâng, là vô giá. Thử hỏi nếu không phân biệt hàng tốt xấu, sao có thể dùng “200.000” đồng để mua một hòn đá bình thường?
Ước tính giá trị cuộc sống của bạn
Giá trị thực của viên đá nằm ở chỗ người mua đã trả tiền: bà nội trợ (20), thợ điêu khắc (2.000), khách hàng trước cửa hàng đồ cổ (200.000); tức là “mức giá họ sẵn sàng trả”, không phải người bán “tiểu hòa thượng, thiền sư”.
Trong tình yêu, đây là đạo vợ chồng; vì trong tâm đối phương, người kia là vật báu vô giá. Trong cuộc đời, những người làm cha, làm mẹ sẽ dùng cả đời để yêu thương chăm sóc con cái; vì con cái là báu vật vô giá trong trái tim của những người cha và các bà mẹ. Trong tín ngưỡng, Chúa Giê-xu sẵn sàng cứu chuộc bạn (thế giới) bằng mạng sống của Ngài; bởi vì bạn (thế giới) là vật báu vô giá trong tâm trí Ngài.
Bảo vật vô giá thực sự chính là tồn tại trong tình yêu
Vì vậy, có người cả đời chưa bao giờ phát hiện vật báu vô giá của mình. Vì họ chỉ yêu bản thân mình, vì vậy, có người sở hữu vô số báu vật vô giá bởi vì trong lòng họ có tình yêu thương, yêu mọi người như yêu chính mình. Do đó, chúng ta có thể suy nghĩ xem; mình có bao nhiêu báu vật vô giá, cuộc sống của chính mình có giá bao nhiêu?
Ghi chú: Công cụ để đào được một vật báu vô giá
Nhẫn nại và thiện lương đối đãi với người khác. Không ghen tị, không kiêu ngạo. Không làm điều trái với lương tâm, không chiếm lợi ích của người khác. Đừng nên dễ nổi nóng và đừng tính toán so sánh sự ích kỷ của người khác.
Những công cụ bình dị gần gũi này, bạn càng sử dụng chúng, sẽ càng thấy tốt đẹp. Khi bạn sử dụng chúng trong nhà, văn phòng, trường học và đoàn thể xã hội, bạn sẽ tìm thấy nhiều kho báu hơn!
Theo The Epoch times