Nuôi dạy một cậu bé trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thật ra, khi nuôi dạy con trai, điều người mẹ cần không phải là trở nên cứng rắn hơn, mà là biết mềm mỏng đúng lúc.

Bạn có từng trải qua những khoảnh khắc như thế này không? Bạn chỉ vừa góp ý vài câu, con lập tức cãi lại; bạn mới cao giọng chút, con liền dứt khoát đóng cửa và mặc kệ bạn; bạn cố giảng đạo lý, con trợn mắt rồi tiện thể ném cho bạn một câu: “Mẹ phiền quá!”

Bạn tức đến mức chỉ muốn đập bàn hét lên: “Mẹ là mẹ con, sao lại có thể nói chuyện với mẹ như thế?!”

Không ít bà mẹ từng bối rối: Vì sao càng muốn nói chuyện đàng hoàng thì con trai lại càng tỏ ra chống đối?

Thật ra, khi nuôi con trai, điều người mẹ cần học không phải là trở nên cứng rắn hơn, mà chính là biết mềm mỏng đúng lúc.

Tại sao càng cứng rắn với con trai thì bạn càng thua?

“Mẹ nói thì con phải nghe!”, “Con dám cãi lại mẹ à?!” 

Đây có lẽ là những câu quát mắng quen thuộc của vô số bà mẹ. Nhưng vấn đề là: bạn quát rồi, con có nghe không? Không hề. Hoặc nó tiếp tục cãi lại, hoặc im lặng lạnh lùng, tệ hơn thì đập cửa bỏ đi mà chẳng thèm nhìn lấy một cái. 

nuôi con trai; dạy con trai; dạy con học
Bạn càng cứng rắn, cậu bé sẽ càng biểu hiện chống đối (ảnh minh họa: Afamily)

Thật ra, không phải bạn nói sai, mà là não bộ của con trai không “tiếp thu” nổi kiểu dạy dỗ đó.

Nghiên cứu cho thấy: ngay từ nhỏ, các bé trai đã có xu hướng thách thức quyền uy, đặc biệt thích biểu lộ ngôn ngữ cơ thể, nhạy cảm nhưng khả năng diễn đạt lại kém. Các em ghét bị ra lệnh, nhưng lại rất khao khát được thấu hiểu.

Một khi bạn dùng cách áp đặt, con trai sẽ chỉ phản kháng mạnh hơn. Bạn càng cố kiểm soát, con lại càng muốn vùng thoát. Nói cho cùng, mẹ càng cứng rắn thì con lại càng phản kháng. Bạn ra chiêu, con đáp chiêu. Bạn càng muốn kiểm soát, con lại càng nổi loạn.

Kết cục là cả hai đều tổn thương, gia đình biến thành chiến trường, và mối quan hệ mẹ con cũng vì thế mà trở nên căng thẳng.

Có một người mẹ từng thở dài bất lực: “Con trai tôi 14 tuổi rồi, nói gì cũng phải cãi lại vài câu. Tôi vừa trừng mắt, nó đã hét to hơn, chẳng ai chịu nhường ai. Có lúc tôi tự hỏi, chẳng lẽ tôi phải chịu đựng cuộc sống như thế này thêm 5 năm nữa sao?”

Nhưng thật ra, không phải cuộc sống quá khó khăn, mà là cách xử lý đang sai mà thôi.

Mềm mỏng không phải là yếu đuối, mà là mạnh mẽ ở đẳng cấp cao hơn

Hai chữ “mềm mỏng” nghe có vẻ như là nhún nhường, nhưng thật ra không phải vậy. Mềm mỏng thực sự là một cách dẫn dắt cảm xúc, là khi bạn nắm được tình hình nhưng vẫn chọn xử lý khéo léo thay vì đối đầu.

Ví dụ: Con về nhà, quăng cặp xuống với vẻ mặt đầy bực bội. Bạn tiến tới và nói: “Sao không có chút lễ phép gì vậy? Bày cái bộ mặt gì ra đấy?”

Kết quả là con bật lại ngay: “Con vậy đó, mắc gì mẹ quan tâm?” Thế là tình hình lập tức căng thẳng, và trận cãi vã gần như bùng nổ.

Nhưng nếu chúng ta đổi cách tiếp cận, chẳng hạn như nhẹ nhàng nói: “Mẹ thấy sắc mặt con không ổn, ở trường có chuyện gì không vui à? Uống chút nước rồi tâm sự với mẹ nhé?”

Có thể con vẫn im lặng lúc đó, nhưng chỉ mười phút sau, rất có thể con sẽ nói: “Con thi Toán bị điểm kém…”

Khi ta cho con một khoảng lặng để bình tâm, con sẽ tự nhiên mở lời. Bằng thái độ mềm mỏng, bạn đã chủ động mở ra cánh cửa giao tiếp.

Sự mềm mỏng của người mẹ không phải là nhún nhường vô điều kiện, mà là một sự chờ đợi khéo léo; bạn kiên nhẫn chờ con hạ lớp phòng bị và sẵn sàng để bạn bước vào thế giới của nó.

Chúng ta không nên trở thành “kẻ đối đầu”, mà hãy là người đồng minh mà con sẵn sàng mở lòng tâm sự.

Mềm mỏng không có nghĩa là thiếu nguyên tắc

Tất nhiên, mềm mỏng không phải là nuông chiều, càng không phải là không có giới hạn. Người mẹ thật sự khéo léo sẽ “kiên quyết một cách nhẹ nhàng” – không la hét hay gào thét, cũng không chạy theo đám đông, nhưng bà vẫn đi đúng hướng bất chấp cảm xúc của mình.

Ví dụ con nói: “Con không muốn làm bài tập!” Trước tiên, ta có thể đón nhận cảm xúc của con: “Mẹ cảm nhận được là con thật sự không muốn cầm bút. Bây giờ con đang rất mệt đúng không?”

Sau đó hỏi tiếp một cách nhẹ nhàng: “Con thấy mình có thể làm phần nào? Mình làm trước phần dễ nhé. Làm xong rồi mẹ con mình cùng ăn món ngon nhé?”

nuôi con trai; dạy con trai; dạy con học
Đừng vội nói đạo lý, hãy đợi con bình tĩnh lại (ảnh minh họa: Thepaper)

Khi cảm xúc con đã dịu xuống, nếu lúc đó bạn đưa ra nguyên tắc, con sẽ dễ tiếp nhận hơn. Con không phải là không biết lý lẽ, mà là khi đang chìm trong cảm xúc, con không thể lắng nghe lý lẽ. Điều bạn cần làm là chờ cho cơn sóng cảm xúc đi qua, rồi mới nói chuyện đúng – sai.

Nuôi dạy một cậu bé giống như đang cùng con nhảy một điệu nhảy mềm mại nhưng có giới hạn. Bạn không giành phần chủ đạo, cũng không rút lui, nhưng nhất định phải giữ nhịp độ riêng của mình.

Con có thể được phép thể hiện cảm xúc, nhưng không có nghĩa là con được quyền cư xử vô lễ. Bạn có thể chờ đến khi con bình tĩnh lại rồi mới nói chuyện, nhưng điều đó không có nghĩa là nguyên tắc có thể bị phá vỡ.

Sự nhất quán trong cách dạy dỗ quan trọng hơn rất nhiều so với cảm xúc nhất thời. Vì vậy, người mẹ thật sự biết “mềm mỏng” mới là người có nguyên tắc rõ ràng nhất và cũng là người sáng suốt nhất.

Người mẹ mềm mỏng sẽ dưỡng thành những chàng trai mạnh mẽ

Một cậu bé học cấp 2 từng nói: “Hồi trước mẹ tôi hay quát tháo đến mức tôi phát chán. Sau này mẹ bắt đầu lắng nghe tôi nói, và tôi mới nhận ra mẹ thật sự cũng rất vất vả.”

Nội tâm của một cậu bé thực ra mềm yếu hơn chúng ta vẫn tưởng. Khi bạn thay đổi cách tiếp cận, con cũng sẽ dùng một thái độ khác để đáp lại bạn.

Mềm mỏng không phải là yếu đuối, mà là một cách để nói với con: “Mẹ sẵn sàng hiểu con, và mẹ cũng mong con học cách hiểu người khác.” Đó là sự hướng dẫn cảm xúc, là chất xúc tác cho một mối quan hệ, và cũng là hạt giống cho sự trưởng thành.

Đặc biệt là với những bé trai tuổi dậy thì – các em đang tìm kiếm bản sắc và xây dựng lòng tự tôn. Khi mẹ biết lùi một bước, con sẽ tiến lại gần hơn.

Bạn càng hiểu rõ nguyên tắc “xoa dịu cảm xúc trước, đặt quy tằc sau”, thì bạn càng giúp con học cách hòa hợp với thế giới này.

Người mẹ bản lĩnh nhất không phải là người thắng mọi cuộc tranh cãi, mà là người chiếm được trái tim con.

Vì thế, lần tới khi bạn muốn quát mắng, đối đầu hay áp chế cậu con trai của mình, hãy dừng lại một giây, và tự hỏi mình: “Mình thật sự muốn giúp con, hay chỉ muốn chiến thắng?”

Theo 163