Chọn người mà dùng, chọn bạn mà kết giao, nhưng làm sao để chọn lựa cho đúng? Trước tiên phải học cách nhìn người cho đúng.

Có 3 thuật nhìn người khá nổi tiếng của cổ nhân, lần lượt là “Ngũ thị pháp” (hay còn gọi là 5 cách nhìn người) của chính trị gia Lý Khôi, nước Ngụy, thời kỳ Chiến Quốc; “Lục nghiệm pháp” của Lã Bất Vi thời nhà Tần và “Thất quan pháp” của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.

Ngũ thị pháp – 5 cách nhìn người của Lý Khôi

Ngụy Văn Hầu, vua nước Ngụy, từng nhờ Lý Khôi đưa ra ý kiến về 2 ứng cử viên cho chức tể tướng. Lý Khôi nói, tể tướng chủ yếu là trợ thủ của vua, nên Ngụy Văn Hầu phải tự mình lựa chọn. Nhưng ông có thể đề xuất 5 loại ý kiến cho Ngụy Văn Hầu tham khảo. Đây chính là “Ngũ thị độc tâm thức nhân pháp” (5 cách nhìn người) của Lý Khôi.

1. Lúc bình thường xem người thân cận

Nhìn xem lúc bình thường ai hay gần gũi anh ta; bởi vì vật hợp theo loài, người phân theo nhóm.

2. Lúc giàu có xem cách tiêu xài

Xem khi giàu có anh ta tiêu tiền như thế nào? Là ham muốn hưởng thụ cá nhân, rượu chè be bét; hay là rộng rãi hầu bao, chiêu mộ người tài. 

3. Lúc hiển đạt xem người tiến cử

Xem anh ta khi có quyền cao chức trọng thì tiến cử trọng dụng người như thế nào? Là bạn bè rượu thịt, cô bảy dì tám; hay là bất luận thân sơ tiến cử người tài.

Cách nhìn người của gia cát lượng; Cách nhìn người của cổ nhân; Cách nhìn người thông minh
Lý Khôi là nhà tư tưởng và chính trị gia nổi tiếng thời Chiến Quốc (ảnh: Visiontimes)

4. Lúc cùng cực xem việc làm

Xem anh ta lúc gặp vận rủi có thể giữ vững tín niệm hay không? Liệu có giữ được nguyên tắc khi giao dịch hay không?

5. Lúc bần cùng xem hành động

Xem anh ta lúc nghèo khó có thể giữ vững bản thân hay không? Có thể không lấy tiền tài bất nghĩa hay không?

Lục nghiệm pháp – 6 cách nhìn người của nhà Tần

Trong “Lã thị xuân thu” vào thời nhà Tần có ghi chép lại một thuật gọi là “Lục nghiệm độc tâm thức nhân pháp” (6 phép nhìn người).

1. Khi hoan hỷ xem khả năng giữ mình

Xem năng lực tiết chế của anh ta khi vui vẻ; xem hành vi thường ngày có thay đổi hay không? xem có vênh váo tự đắc hay không?

2. Khi vui mừng xem sở thích

Để ý khi anh ta cao hứng, xem anh ta thích làm việc gì? Xem anh ta có đam mê cái gì bất lương hay không? Có mê muội mất cả ý chí hay không?

3. Khi tức giận xem tiết tháo

Xem năng lực khống chế khi tức giận. Xem anh ta có khống chế được cảm xúc của bản thân hay không? Có đánh mất lý trí hay không?

Cách nhìn người qua đôi mắt; Cách nhìn người qua ánh mắt; Cách nhìn người qua khuôn mặt
Lã Bất Vi, tướng quốc nước Tần, người viết bộ sách nổi tiếng ‘Lã thị xuân thu’ (ảnh: Sohu)

4. Khi sợ hãi xem cách xử lý

Xem khi lâm vào tình huống sợ hãi, anh ta có thể duy trì đến cùng hay không? Xem anh ta có dám dũng cảm đương đầu hay không? 

5. Khi buồn thương xem cách phản ứng

Lúc bi ai xem có thể tiết chế được cảm xúc hay không? Xem có vì đau thương mà tuyệt vọng hay không? Có oán trời trách đất không?

6. Khi gian khổ xem chí hướng

Trong hoàn cảnh gian khổ xem anh ta có ôm chí lớn hay không? Xem anh ta có kiên nhẫn giữ vững phong thái hay không? Có thể chịu được vất vả hay không?

Thất quan pháp – 7 cách nhìn người của Gia Cát Lượng

Trong “Tâm thư” của Gia Cát Lượng vào thời Tam Quốc có nói đến việc làm thế nào để nhìn người. Ông đã đưa ra 7 cách nhìn người khác nhau:

1. Hỏi chuyện thị phi để quan sát ý chí

Dựa vào phán đoán của đối phương về một việc thị phi nào đó để quan sát chí hướng; xem có phải là người ôm chí lớn hay không?

2. Vào lúc nguy khốn xem cách ứng biến

Vào lúc xảy ra vấn đề nguy cấp, xem anh ta có thể tùy cơ ứng biến hay không?

3. Lúc thương lượng nhìn mưu kế để xem trí tuệ

Lúc có vấn đề gì đó cần hỏi ý kiến, để xem đối phương đưa ra cách nhìn và đối sách như thế nào? Xem tri thức và kinh nghiệm của anh ta ra sao? Có năng lực phân tích và giải quyết vấn đề hay không?

Cách nhìn người tài; Thuật nhìn người; Thuật nhìn người của cổ nhân
Gia Cát Lượng đề ra 7 cách để nhìn người (ảnh: Daydaynews)

4. Khi hoạn nạn xem dũng khí

Xem biểu hiện của đối phương khi đối mặt với hiểm nguy. Xem anh ta có dũng khí tiến tới khi biết có nguy hiểm hay không?

5. Quan sát tính cách khi uống rượu say

Xem phẩm đức của đối phương khi say như thế nào? Có hai mặt hai lòng, lá mặt lá trái hay không?

6. Nhìn cách đối diện với lợi ích mà xem sự liêm khiết

Xem đối phương đối với tiền tài trước mặt thì biểu hiện như thế nào? Xem trước dụ hoặc của vật chất có thể bảo trì được tâm thái thiện lương hay không?

7. Lấy việc hẹn ước mà xem chữ tín

Giao việc cho đối phương để xem chữ tín; để xem lời hứa có đáng giá ngàn vàng hay chỉ là ăn nói ba hoa?

Cổ nhân đã đúc kết ra nhiều cách nhìn người khác nhau, những phương pháp này vẫn còn rất hữu hiệu cho đến ngày nay.

Theo Vision Times

Xem thêm video: