Bạn có nhận thấy mình thường tích trữ nhiều món đồ hơn mức cần thiết, chỉ vì cảm thấy không thể bỏ lỡ một món hời? Đằng sau “săn hàng giá hời” là một chiến thuật tâm lý mà bạn không thể ngờ tới.

Nào, đừng giả vờ rằng bạn không thích săn những món hời. Con người chúng ta vốn có xu hướng tự nhiên là thích tìm kiếm ưu đãi. Ngay cả khi đủ khả năng chi trả nhiều hơn, ta vẫn muốn trả ít hơn – nhưng tại sao?

Điều này có lý do về mặt tâm lý, và những người bán hàng không ngừng tận dụng nó để “kích hoạt” hành vi mua sắm trong mỗi chúng ta.

Giải mã tâm lý thích săn hàng giá hời

“Ác cảm mất mát” (Loss aversion) là một thuật ngữ do nhà tâm lý học đoạt giải Nobel – Daniel Kahneman đặt ra, nhằm mô tả một hiện tượng tâm lý phổ quát: con người thường cảm nhận sự mất mát mạnh mẽ hơn nhiều so với niềm vui khi đạt được điều gì đó.

Ví dụ, nếu bạn nhận được 100 đô la, mức độ hạnh phúc của bạn có thể là 4 trên thang điểm 10; nhưng nếu bạn bị mất 100 đô la, cảm giác khó chịu có thể lên tới mức 8 trên 10. Chính vì xem mất mát là điều tiêu cực, nên con người có xu hướng tìm mọi cách để tránh nó.

Một món hời giúp giảm thiểu cảm giác mất mát, đồng thời vẫn mang lại niềm vui khi được lợi – và điều này cũng có thể được lý giải từ góc độ tâm lý học.

Theo chuyên gia huấn luyện tài chính Kel Galavan, việc tìm được một món hời có thể kích hoạt trung tâm xử lý khoái cảm trong não bộ chúng ta. Khi đó, dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh gắn liền với cảm giác khoái lạc và khuyến khích – được giải phóng, mang lại cho ta cảm giác thành tựu và sự thỏa mãn.

Cảm giác thỏa mãn này có thể phóng đại hơn nếu chúng ta cảm thấy mình “khôn ngoan” hơn người bán, hoặc nếu món hời ấy khó tìm và đòi hỏi ta phải bỏ ra chút nỗ lực để đạt được.

Thật ra, chính việc phải bỏ công sức tìm kiếm lại là một phần khiến “cuộc săn” các ưu đãi trở nên hưng phấn hơn.

hàng giá rẻ; hàng khuyến mãi; hàng săn sale
Việc săn được một món hàng giá hời khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn và muốn khoe khoang (ảnh minh họa: Visiontimes)

Từ thuở sơ khai, con người luôn phản ứng một cách vội vã khi theo đuổi những thứ thiết yếu mà mình cho là khan hiếm. Việc nhanh tay chộp lấy một món đồ trước khi nó “biến mất” không chỉ khiến ta cảm thấy mình giỏi giang, mà còn là thành tựu khiến ta sẵn sàng kể lại với niềm tự hào.

Các chiến lược tiếp thị hiện đại nắm rất rõ bản năng này và khai thác nó một cách triệt để.

Các chiến thuật kích thích tâm lý mua sắm của người bán hàng

Người bán thường thao túng ham muốn mua sắm đầy tính cạnh tranh của chúng ta bằng nhiều chiêu thức khác nhau.

Việc nhận diện được những chiến thuật tiếp thị tinh vi sẽ giúp bạn giữ được sự sáng suốt mỗi khi đối mặt với chúng.

Hiệu ứng khan hiếm 

Dù là về thời gian hay về số lượng sản phẩm, nguyên tắc giới hạn luôn có sức mạnh thúc đẩy con người hành động.

Những ưu đãi có thời hạn, hàng hóa sắp hết hoặc ưu đãi dành riêng đều được sử dụng để khiến sản phẩm đặc biệt hơn trong mắt người mua. Điều này khiến người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng, vì sợ bỏ lỡ cơ hội.

Black Friday và Cyber Monday là những ví dụ điển hình cho các ưu đãi có thời hạn, giúp tạo ra cảm giác khẩn trương vô cùng hiệu quả.

Hiệu ứng tương phản

Người săn hàng giảm giá tinh ý luôn chú trọng đến chất lượng, và phần lớn chúng ta thường xem giá gốc như một dấu hiệu cho thấy giá trị của món hàng.

Tuy nhiên, kỹ thuật “neo giá” có thể được sử dụng để tạo ra ảo tưởng rằng món hàng có giá trị cao, khiến mức giá sau khi giảm trông như một món hời thật sự.

Một sản phẩm được giảm 50% từ mức giá “trên trời” có thể khiến bạn nghĩ mình đã tìm được món hời lớn – nhưng đừng quên: người bán vốn dĩ chẳng hề có ý định bán món đồ đó với mức giá cao ban đầu.

Định giá mồi nhử

Trong các gói đăng ký trực tuyến, một chiêu thức phổ biến là đưa ra nhiều mức giá khác nhau, trong đó có một lựa chọn được cố ý làm nổi bật như một món hời rõ ràng. Dù ban đầu bạn chỉ định chọn gói cơ bản, nhưng khi thấy có thể nhận được nhiều lợi ích hơn mà chỉ cần bỏ thêm một chút tiền, bạn lại chọn gói cao hơn. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng vì tin rằng mình đã chọn đúng, dù thực chất đã tiêu vượt ngân sách dự kiến.

Những chiến thuật như vậy đều rất dễ thuyết phục. Ảo tưởng về việc tiết kiệm được tiền có thể dễ dàng khiến ta mất tỉnh táo, tưởng là gặp được món hời lớn, nhưng cộng lại thì…hóa ra đã bay mất một khoản không hề nhỏ.

Cách săn hàng giá hời thông minh hơn 

Tư duy săn hàng giá rẻ có thể phát huy tác dụng trong những lúc kinh tế khó khăn, nhưng nếu bạn dễ bị cuốn theo các chương trình khuyến mãi, bạn sẽ rất dễ tích trữ những món đồ không thật sự cần thiết – mà lý do chỉ đơn giản là không muốn để lỡ một “món hời”.

Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn săn ưu đãi một cách thông minh và tỉnh táo hơn:

Cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo

Bên cạnh những kỹ thuật tiếp thị tinh vi, vẫn có những chiêu lừa đảo thật sự mà bạn cần đề phòng.

Đặc biệt trong môi trường mua sắm trực tuyến, không ít người bán đưa ra những lời hứa nghe rất hấp dẫn nhưng không có thật. Vì vậy, hãy luôn đọc kỹ đánh giá từ người mua trước và chỉ mua hàng từ những nơi uy tín.

Đừng vội mua ngay

Hãy chống lại thói quen mua sắm bốc đồng bằng cách rèn luyện tính tự kiểm soát. Chỉ nên quyết định mua khi bạn đã tìm hiểu và cân nhắc kỹ càng – đó là cách giúp bạn tiêu tiền một cách tỉnh táo hơn. 

hàng giá rẻ; hàng khuyến mãi; hàng săn sale
Đừng vội mua ngay, hãy để nó vào giỏ hàng một thời gian (ảnh minh họa: Facebook)

Đặc biệt với mua sắm online, hãy cứ để món hàng đó nằm trong giỏ hàng một vài tuần. Thường thì cảm giác hứng thú sẽ dần biến mất khi chúng ta tạm “rời xa” nó, điều này giúp ta tránh được những khoản chi tiêu đáng tiếc. Còn nếu không nguôi ngoai cảm giác muốn mua thì việc chờ đợi đôi khi lại giúp bạn mua được với mức giá hời hơn.

Ưu tiên chất lượng

Có một sự thật là: nhiều món hàng giá rẻ là vì chúng thật sự được làm ra một cách “rẻ tiền”.

Trước khi nhanh tay mua một món hàng giảm giá, hãy kiểm tra chất liệu, uy tín của nhà sản xuất và các đánh giá từ người dùng khác.

Mua một món đồ bền sẽ tiết kiệm hơn và mang lại sự hài lòng lâu dài, thay vì mua nhiều món rẻ nhưng chóng hỏng. Nếu nó vượt quá ngân sách, hãy kiên nhẫn chờ cho tới khi nó có khuyến mãi.

Nghiên cứu kỹ trước khi mua

Ngày nay, việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về một sản phẩm trước khi mua là điều vô cùng dễ dàng. Do đó trước khi quyết định rút ví, bạn nên cân nhắc các đánh giá từ người dùng, các chương trình khuyến mãi đang diễn ra, bảng so sánh giá và cả những lựa chọn thay thế tương tự.

Mua sắm có chủ đích

Hãy xác định rõ bạn đang cần tìm món gì, và tránh dạo xem những món linh tinh không nằm trong kế hoạch mua sắm.

Luôn có vô số thứ khiến bạn tưởng là mình cần, nhưng thực ra không phải vậy. Vì thế, hãy bắt đầu việc mua sắm với mục tiêu rõ ràng và giữ sự tập trung vào điều bạn thật sự cần.

Giữ chi tiêu trong giới hạn ngân sách

Dựa trên nhu cầu, giá trị và khả năng chi trả, hãy xác định số tiền bạn sẵn sàng bỏ ra cho một món đồ và kiên định với quyết định đó.

Điều này có thể đồng nghĩa với việc bạn phải tìm hiểu nhiều nơi hoặc kiên nhẫn chờ đợi đến đợt giảm giá, nhưng nó sẽ giúp bạn tránh được cảm giác tiếc nuối vì tiêu vượt quá khả năng của mình.

Quả thật không thiếu những món hàng giá hời thật sự, nhưng trong số đó, rất ít thứ là điều bạn thực sự cần. Hãy mua sắm một cách khôn ngoan, bớt mang tâm lý ganh đua, và tận hưởng sự tự do khi không bị ràng buộc bởi quá nhiều đồ đạc.

Theo Vision Times