Quỷ Cốc Tử: “Độ” là biểu hiện của lối sống trí tuệ

Quỷ Cốc Tử là một bậc hiền triết ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng trí tuệ cả đời tích lũy của ông vẫn âm thầm soi rọi, ảnh hưởng đến muôn vàn anh tài hậu thế. Ông nhấn mạnh chữ “Độ”, một lối sống của người trí tuệ.
Quỷ Cốc Tử – hay còn được biết đến với tên gọi Vương Thiền Lão Tổ – là một trong những bậc trí giả kiệt xuất của Trung Hoa cổ đại. Ông không chỉ là nhà tư tưởng và giáo dục lỗi lạc, mà còn là bậc thầy về quân sự và mưu lược. Học thuyết của ông rất uyên thâm, bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như binh pháp, chiến lược, đạo thuật và đặc biệt là việc tu dưỡng bản thân.
Trong kho tàng trí tuệ đồ sộ ấy, nếu phải chắt lọc ra một nguyên tắc sống trí tuệ nhất cho cả đời người, thì không gì vượt qua được một chữ: “Độ”.
Chữ “độ”, nghĩa bề mặt là sự đo lường, là chuẩn mực. Nhưng khi mở rộng ra, nó bao hàm nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc như: sự vừa phải, chừng mực, cân bằng và hài hòa.Trong hệ thống tư tưởng của Quỷ Cốc Tử, “Độ” không chỉ là nguyên tắc để hành xử , mà còn là biểu hiện của một lối sống trí tuệ.
Nội dung chính
Ngôn hành phải có “độ”
Lời nói và hành vi phải có “độ”, không vượt khuôn thước. Quỷ Cốc Tử từng dạy các đồ đệ rằng: lời nói và hành động đều phải có chừng mực, không được buông thả hay hành xử tùy tiện.

Trong giao tiếp hằng ngày, lời nói đúng mực có thể giúp tăng cường sự thấu hiểu, còn lời lẽ quá đà lại dễ gây xung đột. Khi hành động cũng vậy, những bước đi hợp lý sẽ giúp đạt được mục tiêu, còn hành động thái quá lại thường phản tác dụng.
Trong chương Bãi Hạp, ông viết: “Bãi là mở, là lời nói, là dương; Hạp là đóng, là im lặng, là âm. Âm dương tìm nhau, chính là nhờ sự vận hành của Bãi – Hạp.” Nắm được đạo lý Bãi – Hạp chính là tìm được điểm cân bằng giữa nói năng và im lặng, giữa hành động và tiết chế – để từ đó có thể ứng xử linh hoạt, hiệu quả trong các mối quan hệ phức tạp của đời sống.
Nhìn nhận thời thế, biết tiến biết lùi
Quỷ Cốc Tử nhấn mạnh rằng, người trí tuệ phải biết đánh giá thời thế, linh hoạt điều chỉnh chiến lược theo biến động của hoàn cảnh, biết lúc nên tiến, khi cần lùi, và hiểu rõ được – mất.
Trong thời loạn, ông đề cao nguyên tắc “nhân sự vi chế”, tức là phải tùy theo tình huống cụ thể mà lập chiến lược ứng phó – không hấp tấp lao tới, cũng không co mình rút lui một cách tiêu cực. Sự nhạy bén trong nắm bắt thời cơ và khả năng nhìn nhận hình thế sâu sắc chính là một phần cốt lõi trong trí tuệ của Quỷ Cốc Tử.
Trên hành trình nhân sinh, khi đối mặt với cơ hội và thử thách, nếu biết điều chỉnh tâm thế và hành động đúng lúc, ta mới có thể đứng ở thế bất bại.
Khoan nghiêm có độ, coi trọng đức nghiệp
Trong việc tu dưỡng bản thân và phát triển sự nghiệp, Quỷ Cốc Tử đề cao nguyên tắc khoan nghiêm có độ, vừa phải nghiêm khắc kỷ luật, vừa phải có tâm thái khoan dung.
Về mặt quản lý bản thân, ông chủ trương “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nhấn mạnh việc rèn luyện phẩm chất đạo đức làm nền tảng để xây dựng sự nghiệp.
Trong đối nhân xử thế, ông đề cao nguyên tắc “lấy đức phục người”, dùng tấm lòng rộng mở để bao dung người khác, dùng nhân cách cao đẹp để tạo ảnh hưởng tích cực.
Tư tưởng coi trọng đồng thời cả đạo đức và sự nghiệp không chỉ thúc đẩy sự phát triển cá nhân, mà còn góp phần vào sự hài hòa và ổn định của xã hội.
Đạo trung dung, hài hòa cộng sinh
Biểu hiện cao nhất của chữ “độ” có lẽ chính là đạo trung dung. Dù trí tuệ của Quỷ Cốc Tử thường được áp dụng trong quyền mưu sách lược, nhưng cốt lõi vẫn là hướng đến sự hài hòa và cộng sinh.
Trung dung không đơn thuần là sự thỏa hiệp ở giữa, mà là khả năng tìm ra điểm cân bằng tối ưu giữa hai thái cực đối lập – từ đó đạt đến sự hòa hợp giữa con người với bản thân, với xã hội và với tự nhiên. Đây không chỉ là một cảnh giới cao trong tu dưỡng cá nhân, mà còn là trạng thái lý tưởng trong quản trị xã hội.

Chữ “độ” đòi hỏi chúng ta trong hành trình nhân sinh đầy biến động, vừa biết dũng cảm theo đuổi mục tiêu, lại biết tiết chế bản thân; vừa kiên định với nguyên tắc, lại vừa linh hoạt tùy ứng; vừa nỗ lực vươn tới sự xuất sắc, lại luôn giữ được lòng khiêm nhường.
Theo Aboluowang