Bao Chửng (999 – 1062), tự Hy Nhân, hay thường gọi là Bao Công, ông là danh thần thời Bắc Tống. Bao Công nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cũng là một người hiếu thuận và trọng nghĩa. Bao Công còn có một người con dâu hiếu thảo được rất nhiều người biết tới.  

Sau khi đỗ tiến sĩ vào năm 28 tuổi, Bao Công được cử đi làm tri huyện Kiến Xương. Việc này đối với bất cứ người nào mà nói thì đều là một con đường quan lộ rộng mở. Nhưng điều bất ngờ là Bao Chửng đã không đi nhậm chức, mà lại từ quan trở về quê. Bởi vì cha mẹ của ông tuổi tác đã cao. Sức khỏe không còn được tốt nữa, không chịu nổi việc đi lại xa. Vì vậy Bao Chửng trở về nhà để phụng dưỡng cha mẹ. Đợi cho đến khi cha mẹ ông lần lượt tạ thế, đạo hiếu đã làm trọn. Ông lúc này mới mang theo vợ con ra làm quan. 

Người con dâu hiền hậu

Bao Công không những hiếu thuận với cha mẹ, con cháu của ông cũng cẩn thận tuân theo đạo hiếu này. Nhưng sự phồn vinh của gia đình Bao Công, lại không thể không nhắc tới một người phụ nữ tiết hạnh, hiền hậu. Người này chính là con dâu của con trai cả của ông – Hoài Dương Thôi Thị.

Bao Chửng khi 35 tuổi mới có một người con trai, đặt tên là Bao Ức (1033 – 1053). Trong một gia đình dòng dõi nho học, chất phác, nghiêm cẩn. Bao Ức lớn lên đã trở thành một bậc tuấn tài nho nhã. Năm 19 tuổi, Bao Ức lấy Hoài Dương Thôi Thị làm vợ. Thôi Thị cũng là con của một gia đình danh giá. Nàng là cháu ngoại của Lã Mông Chính, một vị tể tướng tam triều, là một người hiểu lễ nghĩa và có tiết hạnh.

Nhưng cuộc sống đầm ấm chỉ vừa mới bắt đầu thì đã vội vụt tan. Vừa mới kết hôn được 1 năm, khi Bao Ức vừa được 20 tuổi thì bị mắc bệnh mà chết. Mới đến nhà của Bao gia thì chồng đã qua đời, thật đúng là chuyện không thể ngờ được. Thôi Thị cũng đau lòng chết đi sống lại. Nhưng may sao Thôi Thị đã có mang với Bao Ức, nàng đành đem hết niềm hy vọng gửi gắm vào đứa con này.

Kiên quyết giữ trọn tiết hạnh

Bao Chửng 54 tuổi thì mất con, cũng là một bi kịch lớn trong cuộc đời. Mỗi lần nhìn thấy con dâu hiền hậu, tuổi còn trẻ mà không có chồng, trong lòng ông càng thêm buồn rầu. Bao Chửng rất thông cảm và thương xót cho người con dâu này, vì vậy mới khuyên nàng tái giá. Thôi Thị sau khi nghe xong, lệ tràn đôi mắt, quỳ xuống mà thưa rằng: “Công công (để gọi ba chồng) là người công chính nổi tiếng thiên hạ. Con có thể được vào làm dâu nhà Bao gia, cũng là một việc quá đỗi vui mừng, con sao có thể làm việc phá hoại danh dự Bao gia được! Sinh ra làm vợ nhà họ Bao, chết cũng sẽ làm ma nhà họ Bao, đây chính là lời thệ nguyện của con!”

Sau khi nghe xong những lời này của Thôi Thị, vợ chồng Bao Chửng cũng bị tấm lòng thiện lương, hiếu nghĩa của nàng làm rung động. Từ đó không bao giờ nhắc đến vấn đề này nữa. Cứ như vậy, thời gian lặng lẽ trôi đi, thoáng chốc mà đã 4 năm.

Bức tranh vẽ Bao Công (ảnh chụp màn hình SOH).

Bi kịch không ngừng xảy đến với người con dâu hiếu thảo của Bao Công

Thật không ngờ họa vô đơn chí, con của Thôi Thị lại bị bệnh mà chết yểu. Thôi Thị vì việc này mà lúc nào lệ cũng thẫm mi. Nhưng vì tấm lòng thiện lương của nàng, cũng biết cha mẹ chồng rất đau khổ vì mất đi cháu trai, cho nên mỗi ngày đều cố tỏ ra tươi tỉnh. Nàng càng chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo hơn. 

Trải qua sóng gió cuộc đời, Bao Công dù sao cũng đã hiểu rõ nhân tình thế thái. Ông cũng không muốn Thôi Thị còn trẻ vậy mà cứ phải ở nhà Bao gia để thủ tiết. Ông lại một lần nữa khuyên nàng tái giá. Lần này không chỉ có mình ông khuyên nàng tái giá, mà còn động viên cả bà thông gia (mẹ ruột của Thôi Thị) là Lã Thị đến để khuyên nhủ nàng.

Bỏ qua những lời khuyên nhủ, quyết giữ trọn đạo làm dâu

Từ khi Thôi Thị đến nhà Bao gia đến nay, Lã Thị cũng liên tiếp chứng kiến những bi kịch của con gái, từ mất chồng rồi đến mất con. Là người làm mẹ, lòng bà cũng đau như dao cắt. Lần này, nhìn thấy Bao Chửng ra mặt nhờ giúp đỡ, vậy nên Lã Thị đã đến Bao gia. Bà nhẹ nhàng khuyên nhủ Thôi Thị: “Con à, thật đáng thương cho con tuổi còn trẻ mà chồng lại mất sớm. Bây giờ con nhỏ cũng qua đời, sau này con có thể dựa vào ai được nữa đây? Chặng đường sau này còn rất dài, con cũng nên cân nhắc đến tương lai của mình một chút”. 

Thật không ngờ, Thôi Thị lại một lần nữa quỳ lạy mẫu thân, kiên quyết trả lời: “Tạ ơn mẹ đã có hảo ý, tuy con hiện tại không chồng không con, nhưng cha mẹ chồng đã già rồi, lại không có con cái ở bên, con sao có thể bỏ họ mà đi được!” Cứ như vậy, Thôi Thị bất chấp việc chồng và con nhỏ đã qua đời, vẫn cứ ở vậy thay chồng báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Từ nơi xa xăm huyền bí, ông trời đã tự có an bài

Bao Chửng có một người thiếp tên là Tôn Thị. Có một lần Tôn Thị đã phạm phải một sai lầm lớn. Bao Công trong lúc giận dữ đã đuổi bà về nhà mẹ đẻ. Trước khi bị trục xuất thì Tôn Thị đã có mang, nhưng Bao Công không biết điều này. 

Thôi Thị biết được việc này, đợi cho đến khi Tôn Thị quay trở về nhà mẹ đẻ rồi, Thôi Thị thường xuyên cho người mang tiền bạc qua đưa cho. Sau một thời gian thì Tôn Thị sinh hạ được một bé trai (năm 1057). Không lâu sau đó, Thôi Thị liền mang đứa bé này vào trong phủ. Vợ chồng Bao Chửng tất nhiên là rất vui mừng, liền đặt tên cho đứa bé này là Bao Diên. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ vài năm sau, Bao Chửng qua đời, lúc này Bao Diên mới chỉ gần 5 tuổi. 

Con dâu trưởng gánh vác mọi việc trong gia đình

Khi Bao Diên đến tuổi tới trường thì đổi tên đi học thành Bao Thụ. Lúc Bao Thụ được 9 tuổi, vợ của Bao Chửng cũng bị bệnh mà qua đời. Thôi Thị là dâu trưởng mà đóng vai trò như một người mẹ, gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà Bao gia. Nàng coi Bao Thụ như em ruột của mình, cố gắng nuôi dưỡng cho em thành người. 

Về sau, Thôi Thị lại cho người đi tìm kiếm Tôn Thị khắp nơi, để cho mẹ con Bao Thụ có thể đoàn tụ với nhau. Con cháu Bao gia chính là được truyền lại thông qua Bao Thụ, điều này có thể được tìm thấy trong văn bia và gia phả của Bao Công.

Vào lúc ấy, sự hiếu thuận và tiết nghĩa của Thôi Thị đã được lưu truyền rộng rãi. về sau, Tống Triết Tông hạ chỉ phong cho nàng là “Vĩnh gia quận quân”, chiếu thư này được đại văn hào Tô Thức (Tô Đông Pha) biên soạn, còn được ghi chép lại ở trong “Đông Pha toàn tập”. 

Theo Sound of hope