Người xưa mở miệng nói hay cầm bút viết về ưu khuyết điểm của người khác cũng không cười đùa châm chọc; khi trách cứ thất bại của người khác cũng không châm ngòi gây chia rẽ. Còn như những việc đồn đại thị phi thì không bao giờ nói, vì nó có thể gây tổn thương cho người khác và làm hao tổn phúc đức của bản thân. 

Một lời nói vô tình mà làm mất đi một mạng người

Trong “Thái thượng cảm ứng thiên” có ghi lại một câu chuyện như sau: Khi Trần Lương Mô đến huyện Công An để tuần sát, có một giáo dụ (giáo viên phụ trách dạy dỗ tú tài) họ Bạch đến kinh thành để dự thi. 

Vợ của giáo dụ Bạch rất thiện lương. Một ngày nọ, có một đạo cô ở núi Thái Hòa đến hóa duyên, vợ của giáo dụ Bạch đã lấy danh nghĩa của chồng mà bố thí cho đạo cô một lượng bạc; lại dùng một tấm vải và thêu công đức của chồng lên đó thành hình một lá cờ. Vừa lúc đó thì vợ một đồng sự của giáo dụ Bạch tới chơi, nhìn thấy chữ thêu ở trên tấm vải mới nói: “Quan chức Nho giáo và các đạo cô qua lại với nhau, chỉ sợ là sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ”.

Vợ giáo dụ Bạch nghe thấy vậy thì cho là thật, mới để cho người đi tìm đạo cô nhưng không tìm được. Nàng cho rằng con đường làm quan của chồng coi như là hỏng rồi; trong tâm buồn bực không vui. Giáo dụ Bạch đi thi hội ở kinh thành trở về, liền lấy mảnh vải này để may quần áo, và cắt bỏ cái phần lá cờ đi. Người vợ thấy thế thì càng khổ tâm hơn, bởi vậy mới treo cổ tự tử.

Đồn đại thị phi phá hủy thanh danh người khác

Không nói lời ác, không gây thị phi, giữ gìn phúc báo cho bản thân
Không nói lời ác, không gây thị phi, giữ gìn phúc báo cho bản thân (ảnh Amazon)

Sau đó, phủ viện Lâm Công kiểm tra sổ sách đánh giá về các quan chức Nho giáo; phát hiện ra phần viết về giáo dụ Bạch có nói rằng: “Giáo dụ Bạch và vợ của đồng sự có mối quan hệ bất chính. Vợ của giáo dụ Bạch đã nói với giáo dụ Bạch rất nhiều; giáo dụ Bạch tức giận và bức người vợ phải treo cổ tự tử”.

Vì vậy Trần Lương Mô đã nói tình huống thực tế của giáo dụ Bạch lên phủ viện Lâm Công; Lâm Công tỏ ra trầm mặc. Trần Lương Mô lại nói: “Trước khi đưa ra quyết định, xin hãy kiểm tra thật kỹ phẩm hạnh của người đưa ra những đánh giá này về giáo dụ Bạch; nếu có điều gì không đúng đắn thì xin hãy cân nhắc cẩn thận”. Lâm Công nghe xong chợt bừng tỉnh, lập tức xóa đi những đánh giá về giáo dụ Bạch.

Về sau giáo dụ Bạch được thăng chức làm trợ giảng của Quốc tử giám; Trần Lương Mô tại Phúc Kiến đảm nhiệm chức Án sát sứ; quản lý nghiệp vụ tư pháp của Phúc Kiến. Trần Lương Mô gặp được Lâm Công ở Phủ Điền (thuộc tỉnh Phúc Kiến), Lâm Công chỉ vào nhà hàng xóm và nói với Trần Lương Mô: “Chủ nhân nhà này họ Ngô, đã từng đảm nhiệm chức huấn đạo huyện Công An; chính anh ta đã gièm pha để phá hoại thanh danh của giáo dụ Bạch”.

Gieo gió gặt bão

Sau này Ngô được thăng chức làm giáo dụ ở Bình Hương, Giang Tây; cũng bị những đồng sự khác gièm pha mà mất chức quan. Trên đường về nhà đi qua hồ Bà Dương thì thuyền bị lật, suýt nữa mất mạng. Cuộc sống về sau này rất tồi tàn.

Người xưa nói: Cố tình vu khống hãm hại người khác nhất định sẽ dẫn đến nghèo khổ cùng cực, tai bay vạ gió, không người nối dõi. Sau khi chết còn bị đày xuống địa ngục; tội nghiệt do đồn đại thị phi gây ra cũng tương tự như tội gian dâm.

Theo Chánh Kiến