7 chi tiết nhỏ cho thấy một người có giáo dưỡng
Một người có giáo dưỡng thì ngôn hành cẩn trọng, tới lui có chừng mực, và họ sẽ luôn làm cho người khác cảm thấy dễ chịu.
- Sự tu dưỡng bắt đầu từ những tiểu tiết – 5 quy tắc ngầm trong giao tiếp
- Khổng Tử: Cảnh giới cao nhất của tu dưỡng là gì?
Sự giáo dưỡng sẽ thể hiện qua những chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Dưới đây là 7 điều bạn nên lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày:
Nội dung chính
1. Lực đóng cửa
Đóng cửa là chuyện nhỏ, có người căn bản không chú ý đến vấn đề này, cứ tùy ý mà sập cửa lại. Trước tiên là không biết nghĩ cho người khác, sau nữa là không có lễ độ.
Người có giáo dưỡng thì khi đóng cửa cũng phải cân nhắc đến cảm nhận của người khác. Họ hiểu rằng: Nhẹ nhàng mở cửa rồi lại nhẹ nhàng đóng cửa, như vậy mới là tôn trọng đối với người khác.
Ngoài ra, bây giờ thường thấy dùng loại cửa đẩy vào và tự động đóng lại ở các cửa hàng mua sắm. Lúc này bạn cũng nên quan sát một chút, nếu thấy có người sau đang bước tới thì có thể giữ cửa lại một chút để chờ họ vào, đây cũng là một phép lịch sự trong đóng mở cửa.
2. Quy tắc ăn cơm
Lễ nghĩa không ở đâu xa mà ở chính ngay bàn ăn cơm. Nhìn vào một bữa ăn có thể thấy rõ một người có giáo dưỡng hay không.
Trước khi ăn cơm phải chờ bề trên ngồi xuống trước, sau đó mới được động đũa. Khi ăn cơm thì đừng dùng đũa của mình mà bới tìm thức ăn.
Không nên mở miệng khi nhai thức ăn, nó có thể làm phát ra những âm thanh khiến người khác khó chịu; tốt nhất là nhai thật kỹ và nuốt từ từ.
Lúc đang nhai thức ăn thì không nên nói. Chờ khi nuốt thức ăn xong rồi hãy nói chuyện với mọi người.
Nếu như khách chưa ăn xong, chủ nhân cũng không nên đứng dậy và rời khỏi bàn.
3. Nói chuyện có chừng mực
Biểu đạt là bản năng, nhưng biết nói chuyện lại là bản sự. Người có giáo dưỡng thường phải nghĩ lại 3 lần trước khi nói.
Đối với việc mình chưa hiểu rõ thì đừng vội kết luận hay phát biểu lung tung. Đối với việc đã hiểu rõ thì phải lựa lời nói cho hợp lý và đúng lúc.
Khi tâm đang loạn hay tức giận thì tốt nhất không nên nói chuyện. Chờ khi sóng yên biển lặng rồi có thể từ từ giải thích sau.
4. Thói quen đúng giờ
Người ta vẫn nói thời gian là vàng. Trong cuộc sống hàng ngày thì đúng giờ là nguyên tắc cơ bản nhất trong mối quan hệ giữa người với người.
Nếu như bạn đến trễ thì sẽ làm lãng phí thời gian của người khác, thậm chí là rất nhiều người đang chờ bạn; như vậy thì sẽ lãng phí một lượng thời gian không hề nhỏ.
Bạn mỗi lần đến trễ thì uy tín và phẩm hạnh của bạn lại bị tổn hại đôi chút; dần dần người khác sẽ mất niềm tin vào bạn.
Trước khi đưa ra một mốc thời gian nào đó, bạn phải suy nghĩ thật kỹ xem mình có thể làm được hay không. Bởi vì quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy, một khi đã đưa ra cam kết thì phải tận lực mà làm.
5. Đùa giỡn thích hợp
Đùa giỡn cũng phải có chừng mực. Khi bạn đùa giỡn mà đối phương cảm thấy không buồn cười thì lúc này cần phải xem lại.
Người thực sự hài hước sẽ không lấy những chuyện riêng tư của người khác ra làm trò đùa; sẽ không lấy khuyết điểm của đối phương ra để trêu chọc; cũng không lấy người nhà của đối phương ra làm trò cười; và đặc biệt là không thể lấy tín ngưỡng của đối phương ra để nói giỡn.
Bởi vì dù có là ai thì cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng và khó chịu khi bị người khác đụng đến điểm yếu của mình.
Một câu đùa vô ý tứ có thể sẽ ảnh hưởng đến cả đời của người khác.
6. Hồi đáp kịp thời
Khi nhận được tin nhắn bạn có trả lời ngay hay không? Đây là khảo nghiệm về giáo dưỡng của một người. Nếu đã đọc rồi mà không trả lời tin nhắn thì có phần thiếu tôn trọng người khác.
Người khác chào hỏi bạn, thì ít ra bạn cũng phải nói được một câu xin chào. Người khác thông báo cho bạn một sự kiện gì đó, thì ít ra bạn cũng phải nói được một câu cảm ơn.
Người khác mời bạn đến một cuộc hẹn, bạn có quyền đi hay không đi, nhưng ít ra cũng phải đưa ra câu trả lời. Người khác hỏi bạn một vấn đề gì đó, bạn biết thì có thể nói, mà không biết thì cũng nên trả lời là ‘không biết’.
Nếu như bạn quá bận rộn không thể trả lời ngay, thì sau đó cũng nên giải thích kịp thời; như vậy thì đối phương cũng sẽ không cảm thấy mất lòng.
7. Thái độ đối với tiền bạc
Muốn nhìn rõ một người, thì cứ xem thái độ của người đó đối với tiền bạc. Có người dù không thân thiết gì cũng dễ dàng mở miệng mượn tiền người khác; mượn tiền rồi cũng không quan tâm là có trả được hay không, cứ muốn mượn được càng nhiều càng tốt.
Cũng không phải nói là không được mượn tiền người khác, bạn có thể mượn khi thực sự cần thiết. Nhưng nhất định phải định ra thời gian trả và trả đúng hạn, như thế mới thể hiện là người có giáo dưỡng.
Khổng Tử nói: “Quân tử coi trọng tiền tài nhưng lấy phải có đạo lý”. Vì vậy không nên tham lợi nhỏ mà làm việc bất nghĩa; tiền có thể từ từ kiếm, nhưng mất lòng tin rồi thì thật khó để lấy lại.
Theo 360doc