Tài sản tốt nhất cho con cái không phải là tiền mà là sự dạy dỗ, cách nuôi dưỡng tâm hồn tốt nhất cho con cái chính là thói quen đọc sách.

Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” có một câu nói nổi tiếng: “Tích tiền không bằng dạy con đọc sách”. Bởi cho dù tiền tài có nhiều đến đâu cũng sẽ cạn kiệt nếu con cái không biết tự lực cánh sinh; và một trong những cách có được điều đó là thường xuyên đọc sách, học tập kinh nghiệm của người đi trước.

1.Tích tiền không bằng dạy con 

Cuộc sống ngày càng phát triển, cha mẹ luôn muốn dành cho con cái những gì tốt nhất. Nào là mua nhà cho con, chuẩn bị sính lễ hay của hồi môn cho con, cố gắng hết sức để lại những gì tốt nhất cho con cái của họ. Nhưng lại không biết rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Khi bạn muốn chuẩn bị mọi thứ và bao bọc hết cho con thì trẻ sẽ bị mất cơ hội tự mình trau dồi và rèn luyện bản thân. Chúng sẽ trở nên ỷ lại, thiếu ý chí và lười biếng. Khi đứa trẻ đã quen với việc có người sau lưng để nương tựa, đã quen với những tháng ngày có người lo miếng cơm, manh áo, tự nhiên nó sẽ trở nên lười nhác.

Tích tiền không bằng dạy dỗ con, ngồi không chi bằng đọc sách
Thay vì làm hết cho con, hãy để trẻ học cách làm việc (ảnh: Elite-symbol)

Người xưa có câu: “Cho người cá không bằng chỉ người cách câu”. Thay vì cho một đứa trẻ dư dả vật chất và tiền tài, tốt hơn hết hãy dạy cho nó những nguyên tắc tự lập và làm việc chăm chỉ để làm giàu. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Ngoài việc học, con cháu ta còn được dạy quét nhà, lau bàn ghế, nhặt phân và nhổ cỏ. Đây là những việc tuyệt vời.”

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, chỉ bằng cách chăm chỉ làm ruộng và học tập, gia đình mới có thể thịnh vượng hơn.

Cũng như vậy, khi cha mẹ giáo dục con cái, phải để con cái trải qua những thăng trầm, để chúng hiểu được chân lý “gian nan, khổ luyện mới có được thành công”. Đồng thời, hiểu được rằng người lớn kiếm tiền không hề dễ dàng. Che chở chúng trong nhung lụa sẽ chỉ làm cản trở sự phát triển của chúng mà thôi. Như Tăng Quốc Phiên đã nói: “Huynh đệ con cháu trong gia đình phải luôn lấy siêng năng và tôn kính làm nguyên tắc”.

Người ta chỉ khi tự mình chịu gian khổ tôi luyện thì mới hiểu được đạo lý có được không dễ dàng, mới càng trân quý những gì mình tạo ra. Đôi khi giàu có chưa chắc đã có lợi thế, ngược lại còn rất dễ “học cái xấu”, dưỡng thành thói quen lười biếng.

Vì vậy, điều kiện gia đình càng thuận lợi và càng giàu có thì càng cần phải cẩn trọng. Hãy dạy con tiết kiệm và làm việc chăm chỉ thì mới có thể tự mình lập nên sự nghiệp và giữ được nó. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ đạo lý làm người, đối nhân xử thế, học cách biết ơn, cần cù, có trách nhiệm, tự giác và tự lập, đây mới là tài sản lớn nhất của trẻ.

2. Ngồi không chi bằng đọc sách

Trong một chương trình truyền hình trực tiếp có người hỏi: “Đọc sách có ích lợi gì?”. Người dẫn chương trình đã trả lời: “Đọc sách sẽ không khiến bạn thành công ngay lập tức, nhưng sẽ cho bạn nghị lực vươn lên khi gặp khó khăn”. Thật vậy, trong cuộc sống khi bạn gặp phải khó khăn thử thách, bạn có thể được tiếp thêm động lực và lấy lại tinh thần để bắt đầu mọi thứ bằng cách mở một cuốn sách.

Đọc sách tiếp thêm động lực cho cuộc sống

Có một cô gái có công việc ổn định với mức lương cao. Nhưng có những lúc, cô cảm thấy như mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Cô nói: “Lúc đó, tôi muốn tự tử, thậm chí còn viết vài lá thư tuyệt mệnh. Cảm giác đó là sự thất vọng, bất lực và mất ngủ cả đêm. Tôi cảm thấy cuộc sống thật kinh khủng”.

dạy dỗ con cái như thế nào; bí quyết dạy dỗ con cái
Đọc sách giúp chữa lành vết thương và nuôi dưỡng nội tâm (ảnh: Society19)

Mãi về sau, cô đi cùng một đồng nghiệp đến hiệu sách, có một số cuốn khiến cô bị thu hút nên mua về nhà. Thật bất ngờ, những cuốn sách này đã chữa lành vết thương cho cô và đưa cô ra khỏi hố sâu cuộc đời. Lúc này cô mới nhận ra, hóa ra mình chìm trong mê mang không tìm được chỗ đứng của bản thân, nên cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa. 

Thật vậy, người ít đọc dễ rơi vào những bế tắc, khó khăn trong cuộc sống, không thể tự mình giải thoát. Trong khi người đọc nhiều sẽ hấp thụ dưỡng chất từ “​​biển sách” và lĩnh ngộ phương pháp để tự giải thoát. Sách không phải là bài hát, nhưng có thể khiến người ta ngân nga; sách không phải là lông vũ, nhưng có thể khiến người ta cảm giác bay bổng. 

Tăng Quốc Phiên khuyến khích con cháu dọc sách

Gia tộc Tăng Quốc Phiên sở dĩ sản sinh ra nhiều nhân tài, hưng thịnh mấy trăm năm, chính là vì ông rất coi trọng việc giáo dục của gia đình. Cả đời ông làm quan, hành quân đánh trận, dù bận rộn đến mấy cũng không bỏ qua thời gian đọc sách và học tập.

Ngoài ra, ông còn khuyến khích, đôn đốc con cái của mình học tập, thường xuyên tập ghi chép những gì học được. Ông yêu cầu con cháu phải lên kế hoạch học tập và thời gian nghỉ ngơi nghiêm ngặt. Ông từng nói: “Ta không mong đời này sang đời khác vinh hoa phú quý, mà mong đời này qua đời khác đều có người tài. Người tài là hạt giống từ việc đọc sách, là biểu tượng của gia tộc hưng thịnh, là tấm gương của lễ nghĩa”.

Đối với một gia đình, đọc sách là của cải tốt nhất. Thông qua việc không ngừng đọc, bạn sẽ học hỏi được kinh nghiệm của người khác và giúp bản thân tránh phải đi đường vòng. Đây là khoản đầu tư chi phí thấp nhất trên đường đời mà lại mang đến hiệu quả lớn nhất. 

bí quyết dạy dỗ con cái; sách dạy dỗ con cái
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con từ khi còn nhỏ (ảnh: Pops)

Kỳ thực, tài sản quý giá nhất mà cha mẹ dành con cái không phải là tiền bạc mà là sự giáo dục, dạy dỗ con cái làm việc đến nơi đến chốn, cần cù, đốc thúc con cố gắng đọc sách, chăm chỉ học tập, đó là nền tảng của một gia đình giàu có.

Theo 360doc