‘Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’, âu cũng chỉ là do tại nhân tâm
Người xưa có câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, ý muốn nói bản chất của một người khó thay đổi. Nhưng câu này đôi khi lại hay được dùng với nghĩa tiêu cực, ngụ ý nói ai đó có thói quen xấu mà lâu ngày không chịu thay đổi.
- Việc làm không đúng đắn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh đời người
- Bạn có là người quân tử không? 8 phẩm chất của người quân tử
Nội dung chính
Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời
Nói về thói quen xấu của con người thì có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ở ngọn núi nọ có giống đười ươi, mặt như mặt người; biết cười, biết nói, lại thích uống rượu, thích đi guốc mộc. Người ta biết thế nên thường lừa bắt nó bằng cách đem rượu và guốc mộc ra bày la liệt ở ngoài ruộng; rồi tìm một nơi ẩn nấp đợi chúng ra.
Đười ươi ngửi thấy mùi rượu liền kéo nhau ra; thấy có rượu ngon, guốc mộc bày la liệt. Chúng biết rằng có người lập mưu hòng bắt mình; trong lòng nguyền rủa kẻ đặt bẫy… Đoạn chúng kéo nhau bỏ đi. Nhưng đi được một đoạn lại có con quay lại nhìn, rồi nói với nhau: “Ta cứ nếm thử một chút xíu xem chắc không hại gì!”
Thế rồi cả bọn lại kéo nhau đến chỗ cạm bẫy, tay chấm, miệng mút, bén mùi làm mãi…
Cứ thế, con nếm qua, con nếm lại thành thử say xỉn mù mịt lúc nào chẳng hay. Đến khi cả đám chuếnh choáng nghiêng ngả; nói nói, cười cười, chân đưa vào guốc mộc thất thểu đi.
Người đặt bẫy nấp trong bụi rậm thấy vậy liền đổ ra bắt; đười ươi hoảng hốt bỏ chạy, đổ nghiêng đổ ngả, bên xiên, bên thẹo… rồi bị người ta bắt cả cho vào cũi.
Thói xấu chính là vậy, không phải người ta không biết; nhưng biết rồi vẫn cố tình phạm phải, rồi cuối cùng chính là tự hủy hoại bản thân. Vậy nên người ta mới mỉa mai rằng ‘giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’.
Quá khứ ngang tàng vì chưa gặp được lời thiện ý
Vậy phải chăng tính cách của một người là không thể thay đổi được? Cũng không hẳn là như thế, có một câu chuyện như sau:
Vào thời nhà Minh, có một người tên là Ngũ Thiên Cân, thân hình lực lưỡng và thường ngày vẫn luyện tập múa thương. Tính tình anh ta có phần nóng nảy, chỉ cần ai nói một câu trái ý thì liền ra tay đánh người. Anh ta cũng thường giành giật tài sản với người khác mà không trả lại; hoặc vay tiền người khác mà không làm giấy ghi nợ. Bởi vậy mọi người đều rất sợ anh ta.
Một hôm trời rất nóng, anh đi lên lầu để hóng mát; nhưng có mấy người đã đứng ở đó từ trước. Vừa nhìn thấy anh ta đến thì đã sợ hãi tránh đi chỗ khác. Lúc này chỉ còn một ông lão vẫn ngồi im tại chỗ.
Ngũ Thiên Cân hung hăng nói rằng: “Tất cả mọi người đều chạy rồi, ông còn ngồi ở đó; hay là ông cho rằng quyền cước của ta không lợi hại?” Ông lão nói: “Anh chấp mê bất ngộ. Cha mẹ dưỡng dục anh thành người; hy vọng anh trở thành người có ích với đất nước. Anh giỏi võ nghệ, vậy mà không nghĩ tới việc đền đáp quốc gia; lại cam tâm đi làm một tên vô lại như vậy. Thật là khiến cho quốc gia mất đi một nhân tài. Cha mẹ anh chắc cũng phải ôm hận nơi suối vàng. Đáng tiếc! Đáng tiếc!”
Hồi tâm chuyển ý, thay đổi vận mệnh
Sau khi nghe những lời giáo huấn của ông lão, Ngũ Thiên Cân rất xấu hổ. Anh rơm rớm nước mắt mà nói rằng: “Mọi người xung quanh nói tôi là một người xấu đáng ghét. Vì vậy tôi đã tự coi mình như là một người xấu. Hôm nay nghe được ông lão nói những lời phải trái; thật giống như nghe được tiếng chuông sáng, tiếng trống chiều. Nó làm cho tôi đột nhiên tỉnh ngộ. Chỉ là tôi làm việc xấu quá nhiều rồi; tựa như ánh trăng đã khuyết khó có thể tròn. Mặc dù cũng muốn sửa đổi, nhưng không biết có thể trở thành một bậc chính nhân quân tử được nữa hay không?”
Ông lão nói: “Nếu anh quả thật hồi tâm chuyển ý, tu thân hướng thiện; chẳng lẽ lại không trở thành một bậc chính nhân quân tử được hay sao?”
Ngũ Thiên Cân từ đó về sau cải tà quy chính; tòng quân báo quốc. Về sau làm đến chức Phó Nguyên soái. Ông trị quân nghiêm minh, yêu dân như con, được mọi người tán thưởng.
‘Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’, âu cũng chỉ là do tại nhân tâm
Bạn thấy đó, không phải là không thể thay đổi, mà chỉ là do bản thân có muốn thay đổi hay không. Nhiều người khi không muốn sửa đổi lại còn lấy câu ‘giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’ ra để biện minh. Nhưng mấy thói xấu đó nào phải ‘bản tính’ của con người; người xưa chẳng từng nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện” (Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn là thiện lương) đó hay sao?
Con người sống trong danh lợi tình, càng ngày càng đánh mất đi chính mình; lại còn đi nhận những thói quen xấu là bản tính của mình; điều này chẳng quá sai lầm hay sao?
Xã hội ngày nay khuyến khích người ta hãy luôn là chính mình. Nhưng nói nghiêm túc một chút thì ‘chính mình’ này chính là cái ‘tự kỷ chân chính’; mà để biết tự kỷ chân chính là gì thì phải tu hành đắc Đạo, phải đến khi giác ngộ rồi mới có thể biết được. Vậy một người bình thường trong xã hội lại có thể nói là biết ‘chính mình’ là gì rồi hay sao? Cứ sống theo chính mình thì chẳng phải là đang sống theo dục vọng của bản thân hay sao?
Vậy nên xã hội ngày nay cần phải quay trở về với văn hóa truyền thống, lấy ‘nhân lễ nghĩa trí tín’ mà câu thúc hành vi. Đừng mãi lấy câu ‘giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’ để bao che cho những thói xấu của bản thân thêm nữa.