Nhà tâm lý học Seth Meyers và Preston Ni cho rằng những kiểu cha mẹ dưới đây có thể vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của con cái.

Nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Mỗi bậc phụ huynh đều có cách giáo dục riêng, và mặc dù không thể phân định đúng hay sai tuyệt đối, có những cách hành xử của cha mẹ thực sự gây tổn thương sâu sắc cho con cái.

Dưới đây là những kiểu cha mẹ mà các nhà tâm lý học Seth Meyers và Preston Ni cho rằng có thể vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của con cái, cùng với gợi ý để cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ.

10 kiểu cha mẹ làm con cái “khổ sở” mà không nhận ra

1. Vừa muốn con cái thương yêu mình lại vừa muốn con phải sợ hãi mình

Một số cha mẹ muốn con cái vừa kính yêu vừa sợ hãi mình, dẫn đến mối quan hệ căng thẳng. Trẻ em trong những gia đình này thường phải sống trong trạng thái bất an; cố đoán tâm trạng cha mẹ qua những âm thanh nhỏ như tiếng chìa khóa hay tiếng bước chân. Những phản ứng nóng giận hoặc những lời than vãn như “Cha mẹ đã hy sinh quá nhiều cho con, nhưng con chẳng biết ơn” càng làm tăng áp lực tinh thần.

2. Cha mẹ để con phải đối diện với những vấn đề của người trưởng thành nhưng con không có quyền bày tỏ ý kiến

Nhiều bậc cha mẹ vô tình biến con cái thành “người gánh vác” trong những vấn đề của người lớn. Con phải nghe những lời phàn nàn về người khác trong gia đình hoặc bị ép gánh trách nhiệm không thuộc về mình; nhưng lại không được phép bày tỏ ý kiến. Điều này chỉ tạo thêm gánh nặng tâm lý cho trẻ mà không hề giải quyết được vấn đề.

3. Xem nhẹ sự nỗ lực của con cái

Cha mẹ kiểu này luôn đặt ra tiêu chuẩn cao, nhưng lại xem nhẹ thành tựu của con cái. Những nỗ lực của trẻ không được ghi nhận, thay vào đó là những câu nói như: “Đó là điều con phải làm được, cha mẹ đã đầu tư cho con bao nhiêu rồi cơ mà”. Điều này dần tích tụ trong lòng trẻ, khiến chúng cảm thấy mình là nỗi thất vọng của gia đình.

4. Khuyến khích con mở lòng tâm sự sau đó lại mỉa mai, trách móc

Một số cha mẹ muốn con cái mở lòng, nhưng khi con chia sẻ, họ lại dùng thông tin đó để chỉ trích hoặc lan truyền cho người khác. Điều này khiến trẻ dần khép kín, mất niềm tin và cảm thấy tổn thương sâu sắc.

5. Cố làm giảm lòng tự trọng của con cái xuống để có thể dễ dàng kiểm soát

Những bậc phụ huynh này thường chỉ trích, chê bai con cái để dễ bề kiểm soát. Họ có thể mang ngoại hình hoặc những thất bại nhỏ của trẻ ra chế giễu, làm giảm sự tự tin. Trẻ lớn lên trong môi trường này thường cảm thấy mình không xứng đáng hoặc không đủ tốt để thử sức với điều mới mẻ.

6. Chỉ quan tâm đến kết quả mà không biết con cái phải làm thế nào để đạt được

Nhiều cha mẹ muốn con mình giàu có, nổi bật, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng phải an phận và không được “mơ mộng xa vời”. Họ thường hạ thấp những hoài bão của con bằng những lời như “Con nghĩ điều đó khả thi sao? Tập trung vào thực tế đi”.

Mục tiêu thực sự của những cha mẹ này không phải hạnh phúc của con; mà là để thỏa mãn hư vinh cá nhân.

7. Phải biết nghe lời cha mẹ nhưng nếu thất bại thì đó là lỗi của con

Một số cha mẹ kiểm soát toàn bộ kế hoạch cuộc đời con; nhưng nếu kết quả không như mong muốn, họ lại đổ lỗi hoàn toàn cho con. Điều này khiến trẻ luôn cảm thấy áp lực và bị chỉ trích, bất kể nỗ lực của mình.

8. Không bao giờ muốn con cái sống cuộc sống theo ý mình

Một số cha mẹ cực đoan muốn giữ con cái ở gần mãi mãi. Họ thường xuyên nhấn mạnh những khó khăn khi sống độc lập như vấn đề tài chính, ăn uống, để con cảm thấy sợ hãi và từ bỏ ý định sống tự lập.

10 kiểu cha mẹ làm con cái “khổ sở” mà không nhận ra
Có những cách hành xử của cha mẹ thực sự gây tổn thương sâu sắc cho con cái (Ảnh: Pixabay)

9. Giúp đỡ con cái nhưng sau lại lấy đó làm nguyên nhân để ca thán

Khi cha mẹ giúp đỡ con cái, nhiều người xem đó là một “ân huệ” mà con phải trả ơn mãi mãi. Điều này tạo cảm giác tù túng và nợ nần tinh thần cho trẻ. Con cái luôn bị mắc kẹt giữa sự giúp đỡ và những lời trách móc không ngừng của cha mẹ.

10. Lúc nào cũng nói tin tưởng nhưng lại dò xét con mọi lúc mọi nơi

Những cha mẹ này không tôn trọng không gian riêng tư của con cái. Họ có thể đột nhập vào không gian sống riêng của con mà không báo trước và đặt ra những câu hỏi xâm phạm quyền cá nhân. Họ muốn kiểm soát mọi mặt cuộc sống của con; từ việc ăn ở, chi tiêu đến những quyết định nhỏ nhặt nhất.

Làm sao để chung sống với cha mẹ cực đoan?

Mối quan hệ với cha mẹ cực đoan giống như một căn bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn; nhưng có thể tránh được những biến chứng nghiêm trọng. Trong khi bảo vệ quyền lợi cá nhân, bạn cũng cần đối xử tôn trọng và hồi đáp cha mẹ khi nhận được sự giúp đỡ.

Thay đổi mối quan hệ với cha mẹ không phải là việc dễ dàng; nhưng bắt đầu từ việc tôn trọng chính mình, bạn có thể xây dựng cuộc sống cân bằng hơn.