Những bậc thầy giao tiếp đều hiểu rõ một hiệu ứng tâm lý gọi là “quy tắc con nhím”, đó là luôn giữ một khoảng cách phù hợp trong các mối quan hệ giữa người với người.

Một mối quan hệ tốt không phải là luôn ở bên nhau mọi thời khắc, mà là biết giữ một khoảng cách phù hợp – không quá xa, cũng không quá gần; không lạnh nhạt, mà cũng không quá thân mật.

Ở phương Tây có một truyện ngụ ngôn thế này: Vào mùa đông lạnh giá, hai con nhím muốn dựa vào nhau để sưởi ấm. Ban đầu, do khoảng cách quá gần, những chiếc gai trên người chúng đã làm đối phương bị thương, máu chảy đầm đìa. Sau đó, chúng điều chỉnh lại một chút, giữ khoảng cách vừa phải – đủ sưởi ấm mà lại không khiến đối phương bị tổn thương.

Quan hệ giữa người với người thực ra cũng giống như hai con nhím sưởi ấm lẫn nhau, quá gần thì sẽ đâm tổn thương nhau, quá xa thì không thể sưởi ấm.

Trong đối nhân xử thế, tốt nhất là giữ một khoảng cách phù hợp

Mỗi người đều cần có đủ không gian riêng cho bản thân, giống như một bong bóng vô hình giúp phân định một khu vực thuộc về riêng mình. Dù là thế giới cảm xúc, nội tâm hay không gian cá nhân, tất cả đều cần được giữ gìn với sự tự do và khả năng kiểm soát nhất định.

Đừng nói rằng các bạn là tri kỷ hay bạn thân, vì dù thân thiết đến đâu, một khi không gian cá nhân bị chiếm dụng quá mức; thậm chí bị xâm phạm, thì trong lòng ai cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, không tự tại, bực bội và thậm chí tức giận.

đối nhân xử thế, hành xử; cư xử
Khoảng cách phù hợp giúp tình bạn bền lâu (ảnh minh hóa: Mytour)

Tình cảm tốt nhất là được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Không vượt giới hạn, không xúc phạm, không thách thức và cũng không giả tạo. Không phải cứ mang danh tình cảm tốt là có thể muốn làm gì thì làm, hay cảm thấy khi được ưu ái hơn một chút thì có quyền thay mặt họ.

Mỗi người đều là một cá thể độc lập, và tình cảm dù thân thiết đến đâu cũng không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng bên nhau, chuyện gì cũng nói cho nhau. 

Giữa người với người, ai cũng nên giữ một khoảng cách nhất định. Gần hay xa là do chính mình quyết định, miễn sao nguyên tắc là bản thân cảm thấy dễ chịu và người khác cũng thấy thoải mái.

Đừng xem thường những khoảng cách trong cuộc sống. Biết bao mối quan hệ cuối cùng tan vỡ chỉ vì khoảng cách; xa thì gây bất mãn, gần lại dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Nhiều người đều từng có trải nghiệm như thế này: mối quan hệ với ai đó càng thân thiết thì càng dễ xảy ra va chạm và mâu thuẫn, thậm chí còn không dễ chịu bằng khi tiếp xúc với người mới gặp lần đầu. Việc các thành viên trong gia đình hoặc các cặp đôi thường xuyên than phiền, trách móc lẫn nhau chính là biểu hiện rõ ràng của hiện tượng này.

Theo lý mà nói, càng kết giao sâu sắc thì càng dễ hòa hợp, và mối quan hệ giữa con người với nhau cũng sẽ tốt đẹp hơn. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nguyên nhân là gì? Thực ra, điều này có thể được lý giải bằng một nguyên lý trong tâm lý học gọi là “hiệu ứng khoảng cách tâm lý” – hay còn được biết đến với tên “quy tắc con nhím”.

Quân tử kết giao nhạt như nước

Có những người chỉ mới gặp lần đầu, có người chỉ gặp một hai lần mỗi năm, nhưng dù ấn tượng ban đầu tốt đến đâu, khi tiếp xúc với người chưa thân quen vẫn phải giữ chừng mực. Đừng cố soi mói đời tư của người khác, lời nói nên biết tiết chế, không được ép người vào thế khó, và khi nói chuyện không thể không xem xét hoàn cảnh. 

Quân tử kết giao nhạt như nước (ảnh minh họa: Visiontimes)

Nhà tư tưởng Voltaire từng nói: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của bạn, nhưng tôi sẵn sàng dùng cả mạng sống để bảo vệ quyền phát ngôn của bạn.”

Cuộc sống của mỗi người thuộc về chính bản thân họ – là một cá thể độc lập, với tư duy và cách hành xử riêng biệt. Đây vốn dĩ đã là một dạng khoảng cách. Tuy nhiên, việc không đồng ý với cách nghĩ hay cách làm của người khác không có nghĩa là phủ nhận đạo đức hay phẩm chất của họ. Và sự khác biệt trong tư tưởng cũng không nhất thiết khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên xa cách hơn.

“Quân tử kết giao nhạt như nước” có lẽ chính là cảnh giới cao nhất trong kết giao và đối nhân xử thế, là thân nhưng vẫn cần khoảng cách, tuy có khoảng cách nhưng vẫn giữ được sự gắn bó.

Theo Visiontimes