Người không biết mệnh cũng như kẻ điếc
Người xưa có câu: “Người không biết mệnh cũng như kẻ điếc”. Câu này có ý tứ là: Người không biết mệnh cũng như một kẻ ngu muội, dốt nát.
- Con người đã có định số: Tự cải vận mệnh, lộc tổn mệnh suy
- Cách thay đổi vận mệnh hiệu quả nhất là gì?
Người biết mệnh tâm tự an ổn
Tư Mã Thiên ở trong “Sử ký” cũng có chép lại một câu chuyện về biết mệnh. Sách viết rằng, vào thời Hán Văn Đế, có hai vị trọng thần của triều đình, tên là Tống Trung và Cổ Nghị. Một ngày nọ cả hai ngồi xe đi ra chợ. Họ cho rằng Thánh nhân thời xưa, nếu như không làm quan ở triều đình, thì nhất định sẽ là người xem bói hay là thầy thuốc. Vì vậy họ đã đi đến nhà của Tư Mã Quý Chủ, một người biết xem bói.
Khi đến nơi họ thấy Tư Mã Quý Chủ nhàn rỗi ngồi ở trong nhà; có 3, 4 người đệ tử hầu hạ cho ông. Tư Mã Quý Chủ đang đàm luận về quy luật của thiên địa, sự vận hành của nhật nguyệt, căn nguyên lành dữ âm dương. Ông nói lời nào cũng rõ ràng rành mạch.
Tống Trung, Cổ Nghị hết sức kinh ngạc mà cũng có chút lĩnh ngộ. Vì vậy họ sửa sang lại mũ áo, cung kính ngồi xuống mà nói: “Nhìn thấy dung mạo của tiên sinh, nghe lời nói của tiên sinh, vãn bối (xưng tôi mà có ý khiêm tốn) thầm quan sát xã hội ngày nay, cũng chưa từng gặp qua người như tiên sinh. Hiện nay, ngài vì sao lại có địa vị thấp như vậy, vì sao chức nghiệp vẩn đục như thế?”
Người có quyền cao lộc hậu mới là người hiền?
Tư Mã Quý Chủ cười to mà nói: “Nhìn hai vị sĩ phu dường như là người có học vấn đạo đức, vậy sao lại nói ra những lời nông cạn như vậy? Vì sao có thể nói ra những lời lỗ mãng như thế? Các vị cho rằng hiền giả là những người như thế nào? Cho rằng người cao thượng là ai? Hiện tại dựa vào đâu mà lại nói ta là thấp kém và vẩn đục?”
Hai vị đại phu nói:
“Quyền cao lộc hậu thì thế nhân cho là người cao thượng và có đức hạnh tài năng. Bây giờ tiên sinh không có được địa vị đó, cho nên mới nói là thấp kém.
Người biết bói toán, nói không chân thật thì làm sẽ không linh nghiệm, dẫn đến những điều không thỏa đáng; cho nên nói là vẩn đục, sẽ bị thế tục khinh thường.
Thế nhân đều nói: ‘Người bói toán đều cố giả vờ trang nghiêm, dùng từ phóng đại, đón ý mọi người mà nói hùa; ngụy tạo ra những điều tốt lành để lấy lòng người; biên tạo ra tai họa để khiến cho người ta đau buồn; mượn quỷ thần để gạt tiền tài của người; tham lam tiền công để làm lợi cho tự thân’. Đây đều là hành vi chúng tôi cho là đáng xấu hổ, cho nên mới nói là thấp kém và vẩn đục”.
Làm trái vận mệnh, tự chuốc tai họa
Tư Mã Quý Chủ vì vậy mà đàm luận với họ về “người hiền và không hiền”. Nghe xong thì Tống Trung và Cổ Nghị tinh thần hoảng hốt như bị mất cái gì, sắc mặt u tối, vẻ mặt phiền muộn, ngậm miệng không nói được câu nào. Vì vậy mới đứng dậy vái chào Tư Mã Quý Chủ rồi từ biệt ra về. Hai người dáng vẻ uể oải, sau khi đi ra khỏi cửa thì phải bò lên xe, nằm trên thanh chắn của xe cúi đầu, trước sau không sao bình tâm lại được.
Một thời gian sau, Tống Trung đi sứ đến Hung Nô, đi chưa đến nơi thì đã quay trở về, vì vậy bị xử tội. Cổ Nghị làm Thái phó của Lương Hoài Vương. Lương Hoài Vương không cẩn thận bị té ngựa mà chết; Cổ Nghị tự nhận trách nhiệm, tuyệt thực, đau đớn hối hận mà chết. Đây đều là do truy cầu vinh hoa phú quý mà đoạn tuyệt với tính mệnh!
Người biết mệnh mới có thể thuận theo tự nhiên, mới không làm ra những việc thương thiên hại lý, biết an vui với số mệnh của mình.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: