Kiên nhẫn là một phẩm đức cao quý và những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết đợi chờ. Đây là những điều chúng ta thường nhắc nhở người khác. Vậy những câu nói này bắt nguồn từ đâu?

Kiên nhẫn là một phẩm đức cao đẹp

Kiên nhẫn là một phẩm đức cao đẹp. Từ “kiên nhẫn” trong văn hóa cổ xưa mang nhiều hàm nghĩa rất sâu sắc. Ví dụ như câu nói “sự kiên nhẫn của ông Gióp”, một câu nói phổ biến của người Công giáo.

Dựa trên cách dùng từ “kiên nhẫn” phổ biến của thời hiện đại, có thể thấy “sự kiên nhẫn của ông Gióp” đã thể hiện một phẩm chất vượt xa hơn thế rất nhiều.

Hãy tưởng tượng nếu bạn mất tất cả con cái và tài sản chỉ trong một ngày, cơ thể đầy những vết lở loét đau đớn, bị vu oan, đến vợ cũng khuyên bạn từ bỏ đức tin; liệu bạn còn có thể tiếp tục kiên trì với đức tin của mình không? Vậy mà ông Gióp đã trải qua hết những điều đó mà vẫn không từ bỏ đức tin của mình, ông nói: “Cho đến chết, tôi cũng không từ bỏ lòng trọn thành” (Kinh Thánh, Gióp 27:5).

những giá trị tốt đẹp; những thứ đẹp đẽ; điều tốt đẹp
Chỉ trong một ngày, ông Gióp mất hết tất cả tài sản và con cái, nhưng lòng tín Thần của ông không bao giờ thay đổi (ảnh: Godyabo)

Kiên nhẫn từng được coi là một trong những đức tính cao quý nhất, vào thời đại mà tiêu chuẩn đạo đức của con người còn khá cao. Kiên nhẫn lúc đó không chỉ là chịu đựng đau khổ, mà còn là kiên trì chịu đựng trong thời gian dài. Kiên nhẫn đã là một phần quan trọng trong các giáo lý của Do Thái – Cơ Đốc giáo, cũng như trong Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Truyền thống Phật giáo nhấn mạnh một khái niệm gọi là ‘kshanti’ (trong tiếng Sanskrit) hoặc ‘khanti’ (trong tiếng Pali), có nghĩa là kiên trì, tha thứ và nhẫn nại. Đây được coi là một trong những phẩm chất thiết yếu để đạt được sự hoàn thiện tâm linh và giác ngộ. 

Trong truyền thống Ấn Độ giáo, kiên nhẫn và sự chịu đựng là những khái niệm trung tâm. Sự nhấn mạnh không chỉ là chịu đựng mà không phàn nàn, mà còn là chịu đựng một cách vui vẻ, thản nhiên.

Kiên nhẫn và đau khổ thường đi đôi với nhau. Từ “patience” bắt nguồn từ tiếng Latin “patientia” nghĩa là khả năng chịu đựng hoặc lòng nhẫn nại.

Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi

Câu nói: “Những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết chờ đợi” được cho là bắt nguồn từ một bài thơ của Lady Mary Montgomerie Currie (1843–1905), viết dưới bút danh Violet Fane, bài thơ “Tout vient à qui sait attendre”:

Mọi điều mong ước sẽ đến với bạn,
Người có sức mạnh chờ đợi trong kiên trì.
Khát khao của ta thúc đẩy bánh xe định mệnh,
Điều này được nói ra bởi người từng hiểu rõ
À, mọi thứ đều đến với những ai biết chờ đợi,”
(Tôi nói những lời này để tự làm mình vui),
Ai đó đáp lại tôi với giọng nhẹ nhàng và buồn bã:
Chúng đến, nhưng thường là rất muộn”.

Trong xã hội hiện đại, câu nói này đã trở nên phổ biến nhằm khuyến khích sự kiên nhẫn và bền bỉ. Nó đã được sử dụng trong các quảng cáo, phim ảnh và chương trình truyền hình; đồng thời được điều chỉnh để phù hợp với nhiều ngữ cảnh khác nhau, chẳng hạn như: “Những điều tốt đẹp sẽ đến với những người làm việc chăm chỉ và biết chờ đợi” hoặc “Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai kiên nhẫn và bền lòng”.

Thú vị là, công ty sản xuất bia Guinness đã sử dụng câu này cho một chiến dịch quảng cáo vào những năm 1990 và 2000. Chiến dịch này nhằm khuyến khích các nhân viên pha chế rót bia một cách chuẩn xác và giúp khách hàng hiểu rằng thời gian chờ đợi để có được một ly bia được rót đúng cách là điều đáng giá. (Thời gian ước tính để rót bia đúng chuẩn lên đến 119,5 giây.)

Một số người có thể nhớ đến chiến dịch quảng cáo của tương cà Heinz vào những năm 1980 với khẩu hiệu “Những điều tốt nhất đến với những ai biết chờ đợi”. Trước trước khi xuất hiện loại chai bóp tiện lợi, chiến dịch này nhằm nhấn mạnh sản phẩm đặc sánh và chất lượng cần thời gian để chảy ra từ chai thủy tinh, nhưng đó chính là điểm mấu chốt – rằng sản phẩm của họ rất đậm đà và không loãng. Các quảng cáo bày tỏ: “Khi bạn có thứ gì đó đặc sánh và giàu hương vị như thế này, sao phải phí thời gian với thứ khác?”

Thật tiếc, trong xã hội đề cao sự thỏa mãn tức thời như hiện nay, khó mà biết được liệu thông điệp này còn có tác dụng hay không. Có vẻ như sự kiên nhẫn không còn được coi trọng như trước đây.

Giá trị của sự kiên nhẫn

Nhiều năm trước, tôi đã có một trải nghiệm sâu sắc về sự kiên nhẫn. Có lẽ đó là trải nghiệm gần nhất với ý nghĩa cổ xưa của thuật ngữ này. Một thành viên lớn tuổi trong gia đình tôi đã bị đột quỵ và khả năng nói của bà đã bị ảnh hưởng phần nào. 

Chúng tôi dành vài giờ bên nhau để trò chuyện. Khi cố gắng lắng nghe và hiểu những gì bà muốn nói, tôi cảm thấy lo lắng vì không thể hiểu rõ. Nhưng rồi tôi tự nhủ: “Kiên nhẫn nào, Angelica. Hãy thư giãn và buông bỏ sự lo lắng đó đi”.

Bất ngờ thay, sau khi tự nhủ như vậy, tôi đã có thể hiểu bà trong suốt phần còn lại của buổi gặp gỡ! Tôi không hề biết rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi được gặp bà. Bằng cách nào đó, sự kiên nhẫn ấy dường như đã mở ra khả năng lắng nghe nơi tâm trí, hoặc có lẽ là cả trái tim tôi. Dù đó là gì, nó đã giúp tôi không chỉ có thể kết nối mà còn thực sự thấu hiểu.

những giá trị tốt đẹp; những thứ đẹp đẽ; điều tốt đẹp
Kiên nhẫn giúp thấu hiểu (ảnh minh họa: Polki)

Thật vậy, kiên nhẫn và nỗ lực sẽ được đền đáp. Ông Gióp đã nỗ lực trong tâm trí, vượt qua nỗi đau và thử thách, để trở nên xứng đáng.

Nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống thường đòi hỏi một khoảng thời gian chờ đợi. Việc học những kỹ năng mới có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bạn. Nhưng một số kỹ năng đòi hỏi sự chờ đợi và kiên nhẫn rất lớn trước khi bạn thấy được kết quả thực sự. Điều này đúng với bất kỳ việc gì được thực hiện ở một cấp độ rất cao.

Gửi đến tất cả những ai đang đọc điều này, mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn, và chúc bạn có được sự kiên nhẫn, bền bỉ và nghị lực, dù đó là trong việc trau dồi kỹ năng hay khả năng chịu đựng những thử thách của cuộc sống mà vẫn giữ được trái tim thuần khiết. 

Theo Theepochtines