Người xưa nói, “Trên đầu ba thước có thần linh”. Các vị Thần tiên vẫn thường đi lại nơi nhân gian để tìm người hữu duyên. Chỉ cần giữ tâm trong sáng, làm việc thiện lương, đến ngày duyên kết là có thể đến chốn bồng lai, thoát khỏi khổ ải nơi trần thế.

Thần tiên giả làm người ở nhà viên quan

Vào những năm Đại Trung đầu tiên thời vua Đường Tuyên Tông triều đại nhà Đường, ở Nam Dương, Hà Nam có một viên quan tên là Trương Mậu Thực. Trong một lần tình cờ đến Lạc Trung làm việc, vì nhu cầu của gia đình nên đã thuê một người ở để giúp việc. Người này tên là Vương Quýnh, tuổi chừng hơn 40. Trương Mậu Thực mỗi tháng trả cho anh ta 500 đồng.

Vương Quýnh rất chịu khó, nhanh nhẹn. Hơn nữa làm việc rất thành tâm thành ý, không có tư tâm. Việc gì có thể tự làm thì đều chủ động đi làm chứ không chờ chủ dặn dò. Bởi vậy, Trương Mậu Thực rất coi trọng anh ta. Trương còn đổi tên cho Vương Quýnh là “Đại Lịch” và định tăng tiền công gấp đôi cho anh ta. Nhưng không ngờ Vương Quýnh lại kiên quyết từ chối. Cả nhà Trương Mậu Thực thấy vậy thì lại càng quý trọng anh ta hơn.

5 năm sau, vào một ngày, Vương Quýnh muốn nói lời từ biệt với Trương Mậu Thực. Anh nói: “Tôi vốn là ở trong núi. Bởi vì gặp phải kiếp nạn nên mới phải đi làm thuê để giảm bớt. Bởi vậy tôi cũng không phải vì thiếu tiền mà đi làm người ở. Bây giờ kiếp nạn đã qua nên tôi muốn trở về nhà. Hôm nay đến gặp ông là xin cáo từ”. Trương Mậu Thực tuy không hiểu ý ở trong lời nói của Vương Quýnh, nhưng không có ép anh ta ở lại mà để cho rời đi. 

Có duyên được đến chốn bồng lai

Trước khi rời đi vào chập tối, Vương Quýnh vì cảm động mối ân tình nên mới hỏi Trương Mậu Thực có muốn đi tới nhà của anh ta chơi một chuyến không. Trương Mậu Thực vui vẻ đồng ý nhưng lại không muốn cho người nhà biết. Trương mới hỏi Vương là có cách nào không. Vương Quýnh nói: “Cái này không khó”. 

Vừa dứt lời thì Vương Quýnh chặt một cây trúc dài mấy mét rồi vẽ bùa ở trên. Sau đó đưa cho Trương Mậu Thực chống nó đi vào trong nhà. Vừa vào thì giả bộ nói với người nhà là bị đau bụng và để cho mọi người đi lấy thuốc uống. Chờ mọi người đi rồi thì lặng lẽ lấy cây trúc đặt ở trong chăn. Cây trúc lập tức biến thành một Trương Mậu Thực giả. Đây gọi là phép che mắt của Đạo gia.

Sau đó Trương Mậu Thực và Vương Quýnh cùng nhau rời đi. Đi được hơn một dặm thì hai người nhìn thấy một đứa bé đang dắt một con kỳ lân màu xanh và hai con hổ vằn đỏ đang đợi ở bên đường. Trương Mậu Thực sợ hãi kêu lên định bỏ chạy. Vương Quýnh khoát tay nói là không sao cả. 

Khi cậu bé đi đến trước mặt, Vương Quýnh cưỡi lên con kỳ lân. Trương Mậu Thực và cậu bé thì mỗi người cưỡi một con hổ. Lúc đầu Trương Mậu Thực sợ hãi không dám đến gần con hổ. Vương nói với Trương rằng: “Việc này hiếm có nơi thế gian, nhưng cứ thử cưỡi xem”. Lúc này Trương mới bạo gan cưỡi lên lưng hổ. 

Các ngọn núi cao thường là nơi ẩn cư của những người tu Đạo
Các ngọn núi cao thường là nơi ẩn cư của những người tu Đạo (ảnh Epoch Times)

Cảnh tráng lệ chốn bồng lai tiên cảnh

Ba người cưỡi kỳ lân và hổ nhanh chóng vượt qua khe núi và ngọn núi cao. Đường đi gập ghềnh nhưng Trương Mậu Thực không cảm thấy có chút nguy hiểm nào.

Vào khoảng canh ba, sau khi đi được mấy trăm dặm đường, họ đi đến trước một tòa núi lớn. Cảnh vật trong núi sáng rực như cõi tiên. Những tảng đá xinh xắn, lâu đài tráng lệ. Đây không phải là những thứ có ở thế gian. Họ đi vào cổng lớn của một cung điện hoa lệ. Còn chưa kịp gọi cửa thì đã có người bước ra chắp tay thi lễ. Lại có mấy trăm người mặc áo quan màu tím đứng hành lễ hai bên.

Đợi đến lúc đi vào đại đường của cung điện, lại thấy có mười mấy tì nữ mặc đồ màu xanh. Dung mạo và phục sức của họ đều không hề tầm thường. Tất cả đều cầm nhạc cụ tiến đến hành lễ. Vương Quýnh liền mở tiệc để chiêu đãi Trương Mậu Thực. Tiệc xong thì Vương Quýnh đi thay quần áo. Sau khi Vương Quýnh trở lại chỗ ngồi thì Trương Mậu Thực không khỏi kinh ngạc. Bởi vì trang phục của Vương lúc này quần áo mũ miện, tướng mạo đường đường chính chính, tiêu diêu tự tại. Thực ra Vương Quýnh chính là chủ nhân của chốn thần tiên này.

Nhìn ngắm những cửa sổ, cung điện, màn trướng sáng rực. Thưởng thức những vũ điệu âm nhạc thanh cao. Trương Mậu Thực vô cùng cao hứng, vui sướng không thể tả được. Trương chợt cảm thấy rời xa với những sự việc nơi trần thế.

Chốn bồng lai thanh tịnh, không phải là nơi phàm nhân có thể ở lâu

Vương Quýnh nói với Trương Mậu Thực rằng: “Đây là nơi thần tiên cư ngụ, không phải chỗ thế nhân có thể ở. Bởi vì tôi và ông có duyên nên ông mới có thể đến được nơi đây một lần. Nhưng mà thần tiên và thế tục là khác nhau. Con người trần tục và những người tĩnh tu là không thể hỗn tạp. Ông sau khi trở về mà có cái tâm tu Đạo thì 3 năm sau hẹn sẽ gặp lại. Tôi hiện tại trần duyên sắp hết. Tên của tôi cũng đã được ghi trên thượng giới. Thái Thanh Chân Nhân đã gọi tôi trở về động tiên”.

Vương Quýnh tiếp tục nói: “Ngẫm lại con đường tu hành, vui sướng khó có thể tìm cầu nhưng thống khổ lại có thể dễ dàng trừ bỏ. Thật giống như xếp chồng lên một ngọn núi nhỏ, không ngừng đắp đất cho nó cao lên. Con người lên cao rồi thì chẳng phải sẽ khó mà xuống được sao? Tôi đã trải qua 6, 7 kiếp tu hành và chứng được quả này. Hình hài dĩ vãng đã chồng chất như núi. Mà tôi toàn tâm toàn ý tu Đạo, chuyển mắt đã qua một đời. Hy vọng ông sẽ nỗ lực!”

Sau khi ở tiên phủ một thời gian, Vương Quýnh tặng cho Trương Mậu Thực hàng trăm lượng vàng. Sau đó để cho Trương cưỡi kỳ lân và nhờ tiên đồng dẫn về nhà. Lúc này Vương Quýnh cũng vận dụng công năng mà đi cùng với kỳ lân.

Cảnh vật trong núi tráng lệ, lâu đài lầu các, đây là cảnh tượng chốn bồng lai
Cảnh vật trong núi tráng lệ, lâu đài lầu các, đây không phải là cảnh tượng nơi thế gian (ảnh chụp màn hình Epoch Times)

Hoàn thành việc nơi nhân gian, quyết theo con đường tu Đạo

Khi đến nhà của Trương Mậu Thực thì thấy người nhà đang vây quanh thân thể của Trương khóc lóc. Trương Mậu Thực lấy vàng ném vào trong giếng. Vương Quýnh lập tức thu lại cây trúc, lặng lẽ để Trương Mậu Thực nằm vào trong chăn và nói rằng: “Tôi đi bái kiến đại tiên ở chốn bồng lai. Sáng mai sẽ lên Liên Hoa Phong. Lúc đó sẽ có một áng mây ngũ sắc bay đi, đó chính là xe của tôi đó”. Nói dứt lời liền rời đi.

Lúc này Trương Mậu Thực nằm ở trên giường bỗng phát ra tiếng rên rỉ. Người nhà kinh hãi hỏi ông đã xảy ra chuyện gì. Ông không kể cho họ nghe những gì ông đã trải qua nơi tiên phủ. Ông chỉ nói rằng: “Tôi thấy bị đau bụng, rồi nghe thấy có người gọi tôi. Sau đó cảm thấy như là chết rồi vậy. Không ngờ đã trải qua thời gian lâu như vậy”.

Người nhà kể với ông, sau khi lấy thuốc trở lại, gọi ông nhưng không được. Cứ như vậy mà đã 7 ngày trôi qua. Chỉ là ngực vẫn còn ấm nên không có làm khâm liệm.

Sáng sớm hôm sau, Trương Mậu Thực liền đi đến Liên Hoa Phong. Quả nhiên nhìn thấy có áng mây ngũ sắc bay qua. Về sau ông từ quan, đi du lịch danh sơn thắng cảnh. Trong một lần trở về nhà ông đã lấy vàng ở trong giếng đưa cho người nhà, còn ông thì tiếp tục đi du ngoạn. Sau đó cũng không rõ tung tích. Có thể là ông đã gặp lại Vương Quýnh và tu Đạo thành tiên.

Theo Epoch Times