Quốc học đại sư Nam Hoài Cẩn từng nói rằng: “Tu hành chân chính là tu luyện cái tâm ngay trong cõi hồng trần này. Tu hành không phải ở trên núi, cũng chẳng phải ở trong chùa, không thể thoát ly xã hội, không thể xa rời thực tế. Vậy nên hoàn cảnh tu hành tốt nhất là tu giữa đời thường, ở trong đời thường mà tu hành”.

Cuộc sống của con người chính là đạo tràng tu hành tốt nhất. Người tu chân chính là tu trong cách hành xử mỗi ngày, tu khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. 

Có một vị thiền sư từng trả lời câu hỏi “Tu là gì?” rằng: “Đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ”. Người ta không hiểu bèn nói: “Có ai mà không ăn, không ngủ cơ chứ?”

Thiền sư đáp: “Hầu như mọi người khi ăn cơm đều kén cá chọn canh, lúc ngủ thì suy nghĩ đủ điều. Đó là ăn, là ngủ chăng?”. Thật vậy, dẫu là khi ăn cơm, ngủ nghỉ, quét nhà, rửa bát, chỉ cần làm gì cũng chú tâm, thì đó chính là tu. 

Tu hành không phải là thuyết sáo rỗng, bất luận là trong quan hệ gia đình, bạn bè, tiền bạc và công tác, nơi nào có vấn đề thì nơi đó chúng ta cần tu. Vướng mắc ở đâu thì cần tháo gỡ ở đó. 

Cuộc sống đời thường chính là hoàn cảnh tu hành tốt nhất 

Tu là để giải quyết những vấn đề trong hiện thực, bài trừ những chướng ngại trong tâm, đề cao cảnh giới tâm tính, từ đó có thể sống tốt đẹp hơn. Tu không phải vì để trốn tránh phiền não, trốn tránh thực tại, càng không phải vì để tiêu khiển và nổi bật chính mình. 

Tu hành là dũng cảm đối mặt và giải quyết những khó khăn tại thế tục, nhìn thấu được chân lý và bản chất của cuộc đời, nhưng vẫn lạc quan, yêu cuộc sống. 

hoàn  cảnh tu luyện; nơi tu hành; tu ở đâu?
Cuộc sống đời thường chính là hoàn cảnh tu hành tốt nhất (ảnh: NTD)

Tu hành chính là học cách yêu thương, yêu thương thân nhân, bè bạn; cho tới khi trong lòng chỉ ngập tràn tình yêu thương, thương hết thảy mọi sinh mệnh. 

Tu hành không nhất thiết cứ phải thoát ly khỏi cuộc sống đời thường. Mà chính ở trong cuộc sống phức tạp này mà phát triển trí tuệ và lòng từ bi; thong dong không sợ hãi trước thế sự vô thường, giúp đỡ hết thảy những ai cần sự giúp đỡ của bạn. 

Tu hành đó chính là khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Tu hành quan trọng ở sự an ổn bên trong nội tâm mình

Có một câu chuyện xưa kể rằng: Có một vị tiểu hòa thượng tập ngồi thiền, nhưng mỗi lần vừa mới nhập định không lâu, liền cảm thấy có con nhện lớn ở đâu chui ra, đuổi cũng không đi.

Không có cách nào, cậu bèn hướng về phía lão hòa thượng thỉnh giáo. Lão hòa thượng liền nói: “Lần sau khi con nhập định, nếu con nhện lại chui ra quấy rối, hãy lấy bút vẽ một vòng tròn lên bụng nó, xem xem nó là loại yêu quái nào?”

hoàn  cảnh tu luyện; nơi tu hành; tu ở đâu?
Tu hành quan trọng ở sự an ổn bên trong nội tâm mình (ảnh minh họa: Pinterest)

Sau đó tiểu hòa thượng lại ngồi thiền, quả nhiên con nhện lại xuất hiện. Cậu bèn vội lấy bút, vẽ lên bụng con nhện một cái vòng tròn làm dấu, vừa vẽ xong thì con nhện liền biến mất. Không còn con nhện phá rối, tiểu hòa thượng cũng bình yên thiền định tiếp tục.

Thế nhưng sau khi xuất định, cậu mới phát hiện rằng cái vòng tròn kia không phải trên bụng con nhện, mà trên bụng chính mình. Lúc này cậu mới ngộ ra rằng, khi nhập định, con nhện kia không phải đến từ thế giới bên ngoài, mà nguyên lai chính là cái tâm bất an định của chính mình.

Các chuyện phiền phức phần lớn là do tâm bất an định của chính chúng ta tạo ra. Mà khi tâm đã bất an, thì sẽ dễ dàng phóng đại những ảnh hưởng từ bên ngoài, khiến việc giải quyết các vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Nam Hoài Cẩn tiên sinh từng nói rằng: “Tu hành không phải vì để gặp Phật, mà là để gặp chính mình”. Thật vậy, nội tâm bình ổn, đó chính là tu. Tu giữa đời thường, là hoàn cảnh tu hành tốt nhất.

Theo 360doc