Thế nào là thiện, thế nào là ác? Thiện và ác tồn tại đồng thời giống như hai mặt của đồng tiền xu. Ở góc nhìn khác nhau sẽ nhìn thấy thiện và ác khác nhau. 

Thế nào là thiện và ác?

Đối với người bình thường mà nói, tiêu chuẩn để đánh giá thiện- ác thường chỉ là “điều gì mang lại lợi ích cho mình thì là thiện, còn thứ mà làm tổn hại tới mình là ác”. Con người và động vật đều theo bản năng mà bài xích những hành vi gây tổn hại đến lợi ích của mình và vui vẻ chấp nhận những hành vi có lợi cho mình.

Chúng ta thường tôn sùng sự “cống hiến vô tư”, vô tư ở đây tức là “vô điều kiện”, không có chút tư lợi. Bởi vì khi ai đó “vô tư” sẽ không gây cho chúng ta bất kỳ loại tổn thất nào. Nếu một việc thiện mà có điều kiện, thì chúng ta sẽ không gọi nó là thiện, mà gọi là giao dịch. 

Cái gọi là ác, chính là trực tiếp làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta mà không chịu đền bù. Nếu tổn thất lợi ích để đổi lấy một loại lợi ích khác thì nó vẫn là giao dịch. Ví như khi chúng ta mua thứ gì đó, bị tổn mất tiền nhưng đổi lại được thứ mình muốn mua.

Sự khác nhau giữa thiện và ác

Thiện là chủ động tạo ra lợi ích cho người khác mà không cầu báo đáp, còn ác là chủ động cướp đoạt lợi ích người khác khi chưa được đồng ý, cũng không đền bù lại bất cứ thứ gì. 

Thiện là sự chủ động chứ không phải sự chấp nhận thụ động. Ví như câu chuyện giữa sói và dê, trong tình huống này thì dê vốn không có tư cách làm việc thiện, vì nó là con mồi; mà chỉ có sói mới có tư cách làm việc thiện. Có thể vào lúc chuẩn bị ăn thịt dê, thiện niệm trong sói chợt khởi lên, nên không nỡ ăn nữa mà tha cho dê. Đó chính là thiện. 

thế nào là thiện và ác; thế nào là thiện chân chính;  thế nào là thiện nguyện
Chỉ có sói mới đủ tư cách làm việc thiện, vì nó có khả năng làm cả việc thiện lẫn việc ác, nhưng nó đã chọn thiện (ảnh: Pinterest)

Người thiện chính là người biết rõ thiện và ác, có khả năng làm cả việc thiện và việc ác, nhưng cuối cùng họ lựa chọn thiện – giống như sói. Trong câu chuyện này, rõ ràng kẻ yếu như dê không có tư cách làm việc thiện, vì nếu dê đối xử tốt với sói cũng chỉ là để không bị ăn thịt, đó là lấy lòng, không phải thiện. 

Nhận định về thiện và ác, lợi và hại chỉ là thuyết tương đối. Chẳng hạn chúng ta đều tôn sùng sự cống hiến vô điều kiện và đòi hỏi sự cống hiện vô điều kiện từ người khác. Chỉ muốn đòi hỏi từ người lương thiện, mà không muốn giao dịch sòng phẳng. Khi đắc được “lợi ích” mà không phải đánh đổi thứ gì thì đó là ác. Còn người sẵn sàng cống hiến một cách vô tư lại nhận phải điều “hại”, nhận phải thiệt thòi thì đó là thiện.

Tuy rằng “lợi-hại”, cũng không nhất định là vật chất, ví như có lúc bạn tổn thất lợi ích về vật chất nhưng lại đạt được sự thỏa mãn về tinh thần. Một ví dụ điển hình đó việc nuôi dạy con cái, tuy phải đánh đổi rất nhiều nhưng thứ nhận được là niềm vui còn lớn hơn những gì đã bỏ ra. Vậy nên, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là gần nhất với sự vị tha, một loại tình yêu vô điều kiện.

Thiện – ác vốn đồng thời tồn tại, đồng thời chuyển hóa

Lợi-hại, thiện-ác tồn tại đồng thời giống như hai mặt của đồng tiền xu. Khi bạn đối tốt với một người, thì cũng có thể đồng thời ác với một người khác. Ví như khi bạn “vô tư cống hiến” mà đến một vùng nông thôn làm công ích, con của bạn sẽ thiếu người chăm sóc, đối với những thôn dân nhận sự trợ giúp của bạn thì họ coi đó là thiện, nhưng đối với đứa trẻ mà nói thì là ác.

Mọi người đều cổ vũ tinh thần xả thân cứu người, quên mình vì người khác. Đối với người được cứu thì họ nói là bạn lương thiện, nhưng đồng thời bạn lại ác với cha mẹ mình. Bạn khiến họ tuổi già mất con, phần đời còn lại phải sống trong bi thương vì bạn.

thế nào là thiện và ác; thế nào là thiện chân chính;  thế nào là thiện nguyện
Xả thân cứu người là tốt, nhưng lại khiến cha mẹ đau khổ vì mất con (ảnh minh họa: Facebook)

Hay như việc mua bán phụ nữ được cho là phạm pháp và đê hèn, nhưng đối với một vài khu vực nông thôn đó lại là thiện. Bởi vì rất nhiều thôn dân phải mua vợ mới có người sinh con nối dõi tông đường, hơn nữa nhiều thế hệ của họ đều đã làm như thế. Vậy nên hành vi mua bán phụ nữ ở trong một phạm vi nhỏ lại được cho là “đúng”. 

Mọi nền văn minh, mọi quy tắc, hết thảy đạo đức được sáng tạo ra đều là vì để duy trì lợi ích của toàn thể nhân loại. Nhưng có đôi khi sẽ xảy ra một tình huống, đó là nó sẽ có lợi với đa số nhưng sẽ có hại với một số người. 

Cần nhấn mạnh rằng, lợi-hại là chủ quan, không phải là được mất tuyệt đối. Như khi một cá nhân vì giành được “lợi ích” mà làm tổn hại tới lợi ích chung, loại hành vi này nếu  không trừng phạt thì không thể chặn đứng, chính vì vậy mới xuất hiện pháp luật và thực thi pháp luật.

Khi xuất hiện pháp luật thì đồng nghĩa với việc người “làm tổn hại đến lợi ích chung” có thể bị tổn hại một cách hợp lý. Ngược lại, không trừng phạt thủ phạm sẽ khuyến khích nhiều người phạm tội và làm hại người khác, nên việc tha thứ cho kẻ giết người không phải là điều đúng đắn, mà lại là ác. 

Cái đẹp và cái xấu chủ quan của chúng ta chỉ là một nền văn hóa được lập ra qua hàng nghìn năm nhằm duy trì những lợi ích chung. Bản chất chúng là những “lợi ích chủ quan”.

Cái gọi là “xấu ác” chẳng qua là hành vi làm tổn hại đến lợi ích người khác, cái gọi là “lòng tốt” cũng chỉ là vì nó mang lại “lợi ích” cho người khác. Mọi hành vi của con người chẳng qua là sự tương tác giữa “lợi ích”.

Vì vậy, Khổng Tử mới có chủ trương “có đi có lại” bằng “lễ”, trực tiếp đền đáp những ân oán. Đây là một kiểu tương tác lành tính, đồng thời cũng là hiện thân của thiện ác báo ứng nơi thế gian. Báo oán là một cách trá hình để hoàn trả cái ác; những sự chiếm đoạt mà không bồi hoàn sẽ kích thích lòng tham và trở thành mảnh đất ươm mầm cho cái ác trong nhân tính.

Thiện và ác có thể chuyển hoá lẫn nhau. Thiện mà không chừng mực và không biết giới hạn thì sẽ trở thành ác. Không hiểu được thiện thì sẽ trợ giúp tà ác. 

Thiên đường vốn tràn ngập sự thiện lương và vui vẻ, còn địa ngục thì chỉ toàn thống khổ và tà ác. Bởi vì chúng ta sống nơi giao thoa giữa thiên đường và địa ngục, nên cuộc sống sẽ có cả thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ. 

Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Thiện ác đồng thời tồn tại, đồng thời hoán chuyển. Là con người, bạn không thể mãi hạnh phúc, cũng không thể vĩnh viễn chịu đựng đau khổ. 

Vậy nên rất khó để định nghĩa thế nào là thiện, thế nào là ác. Trên thế gian vốn không có cái thiện tuyệt đối hay cái ác tuyệt đối. Khi đối mặt trước những thăng trầm của thế sự, chúng ta nên dùng cái tâm đạm bạc mà đối đãi.

Theo Vision Times