Hầu hết chúng ta đều mong muốn kiểm soát cuộc sống nhiều hơn mức có thể, nhưng càng cố kiểm soát, chúng ta càng trở nên lo âu, căng thẳng và thất vọng.

Mặc dù mục đích của kiểm soát là để đạt được sự thoải mái, hạnh phúc hoặc hài lòng, nhưng thực tế, kết quả thường ngược lại. Vì sao vậy? Bởi vì gần như không có điều gì thực sự nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Hãy cùng tìm hiểu điều gì đã thôi thúc “kẻ thích kiểm soát” bên trong mỗi chúng ta, đồng thời khám phá những bước đi thiết thực giúp ta lựa chọn một hướng tiếp cận khác, để từ đó cảm thấy trọn vẹn, hạnh phúc và dễ chịu hơn, cũng như bớt giận dữ, thất vọng và căng thẳng.

Tại sao chúng ta lại khao khát muốn kiểm soát mọi thứ?

Vì sao chúng ta khao khát muốn kiểm soát? Điều không ngờ là, “kẻ thích kiểm soát” trong mỗi chúng ta được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi. Chỉ cần nghĩ đến những kết quả tiêu cực có thể xảy ra trong bất kỳ tình huống nào cũng đủ khiến chúng ta lo lắng đến phát bệnh. 

sự kiểm soát; sự quản chế; ước thúc
Tâm lý thích kiểm soát chủ yếu bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và sự cầu toàn (ảnh minh họa: Visiontimes)

Khi bị nỗi sợ chi phối, chúng ta cố gắng thực hiện đủ mọi biện pháp để điều chỉnh sự việc theo ý mình, từ việc chỉ trích bản thân và người khác, lập kế hoạch tỉ mỉ, đưa ra những lời khuyên không mong muốn, quản lý từng li từng lí, thao túng, cho đến áp đặt những quy tắc nghiêm khắc quá mức. Thế nhưng, cách tiếp cận này không chỉ làm chúng ta kiệt sức và căng thẳng, mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và gần như chắc chắn dẫn đến thất vọng.

Luôn nỗ lực để đạt được điều tốt nhất là một điều đáng quý và đầy trách nhiệm. Thế nhưng vấn đề xuất hiện khi chúng ta quá bám chấp vào kết quả. Nếu tin rằng hạnh phúc của mình phụ thuộc vào việc có đạt được chính xác điều mong muốn hay không, thì những khoảnh khắc hạnh phúc sẽ trở nên hiếm hoi. Bởi dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể kiểm soát hoàn toàn được bất kỳ tình huống quan trọng nào.

Mọi thứ trong cuộc sống, phần lớn đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Dù chúng ta có muốn kiểm soát cách người khác suy nghĩ, hành động hay cảm nhận ra sao, thì người duy nhất mà ta thực sự có thể kiểm soát chỉ là chính mình. Bạn có thể cố gắng bảo người khác nên nghĩ gì, làm gì, hoặc gieo vào họ cảm giác tội lỗi hay sợ hãi; nhưng thường thì, điều đó chỉ khiến họ rời xa bạn và cuối cùng, mọi ảnh hưởng bạn từng có cũng dần tan biến.

Các tình huống trong cuộc sống thậm chí còn khó lường hơn. Ngoài việc lựa chọn được vài sở thích nhỏ như ăn gì hay mặc gì, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có quá nhiều biến số, khiến việc sắp xếp mọi thứ theo đúng kỳ vọng gần như không thể thực hiện được. 

Cố gắng kiểm soát mọi thứ chỉ khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, cáu gắt, tức giận hoặc trầm cảm. Những cảm xúc này lại kéo theo hàng loạt vấn đề thể chất như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, đau lưng, táo bón hoặc khó tiêu.

Tóm lại, những nỗ lực kiểm soát để đạt được hạnh phúc và sự thoải mái lại nhanh chóng phá hỏng chính mục tiêu đó. Khi tâm trí cứ mãi lo lắng cho tương lai hoặc tiếc nuối quá khứ, chúng ta không thể thực sự sống trong hiện tại.

Xoa dịu cảm giác thích kiểm soát chỉ với 6 bước

Nếu bạn đang đọc những dòng này, rất có thể bạn đã nhận ra rằng bên trong mình có một “kẻ thích kiểm soát” cần được giải quyết và điều đó có nghĩa là bạn đã bắt đầu hành trình rồi. Nhận thức được hành vi kiểm soát của bản thân chính là bước đầu tiên để quản lý nó.

1. Hãy chú ý đến hành vi của bạn

Có thể bạn thường nhận ra cách kiểm soát hành vi một cách muộn màng, nhưng điều đó vẫn rất đáng giá. Hãy bắt đầu ghi lại từng tình huống, dù đó là một cuộc xung đột, mắc kẹt trong sự chần chừ, né tránh ai đó hoặc điều gì đó, những lần chỉ trích hay những điều được xem là tiêu cực.

Hãy ghi lại cảm xúc của bạn trong từng tình huống. Rồi xem bạn có cảm thấy căng thẳng, khó thở hoặc thay đổi thân nhiệt không? Có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình đang trải qua một mức độ khó chịu nhất định, và chính sự khó chịu đó sẽ thôi thúc bạn muốn thay đổi.

Cuối cùng, hãy dành thời gian suy nghĩ về cách phản ứng phù hợp hơn cho mỗi tình huống, và ghi lại những ý tưởng đó. Điều này sẽ giúp bạn luôn tỉnh thức trước thói quen kiểm soát và chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống quen thuộc nơi bạn thường khao khát kiểm soát.

2. Hãy tìm kiếm lý do ẩn sau hành động kiểm soát

Việc phân tích cảm xúc trong lúc chúng còn mãnh liệt có thể rất khó khăn. Nhưng sau khi bạn đã ghi chép lại đủ nhiều tình huống mà mình muốn kiểm soát, hãy dành thời gian xem lại những ghi chú đó. Hãy suy nghĩ về những nỗi sợ tiềm ẩn đã thúc đẩy hành vi của bạn, và tự hỏi liệu những nỗi sợ đó có thực sự hợp lý hay không.

Những nỗi sợ đó có bắt nguồn từ một trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ không? Bạn có đang phóng đại tác động của một sự việc nhỏ đối với tương lai của mình không?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã cố gắng kiểm soát tình huống để đạt được một kết quả nhất định mà bản thân quá đỗi bám víu.

Thực tế là có vô vàn khả năng có thể xảy ra, và cơ hội để mọi thứ diễn ra đúng như mong muốn của bạn thực ra rất nhỏ. Việc cố gắng kiểm soát chỉ bộc lộ nỗi sợ của bạn mà thôi.

3. Hãy có tư duy rộng mở

Thay vì cố chấp bám lấy một kết quả duy nhất, hãy tập nhìn mọi việc với một góc nhìn rộng mở hơn. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi không ngừng, và khả năng thích nghi với những tình huống khác nhau chính là một phần tất yếu trong hành trình trưởng thành và học hỏi.

sự kiểm soát; sự quản chế; ước thúc
(ảnh minh họa: Visiontimes)

Nếu tự giới hạn bản thân trong chỉ một kết quả duy nhất sẽ gây ra rất nhiều sự khó chịu không cần thiết. Hãy lùi lại một bước, tìm kiếm mặt tích cực trong những kết quả khác, và bạn sẽ nhận ra rằng không có gì đáng để sợ hãi cả.

Những người có tư duy rộng mở luôn sẵn sàng tiếp nhận các góc nhìn và ý tưởng mới. Họ thường cảm thấy thoải mái khi đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, biết cảm thông với người khác, và vì thế họ trở thành những cộng sự tuyệt vời.

Khi chúng ta cứ cố chấp nghĩ rằng chỉ có cách của mình mới đúng, ta vô tình dựng lên đủ loại rào cản cho cả bản thân lẫn những người xung quanh.

4. Hãy nuôi dưỡng sự tin tưởng

Chúng ta muốn nắm quyền kiểm soát một tình huống thường chỉ vì không tin tưởng rằng người khác sẽ làm đúng cách. Đúng là hầu hết mọi người sẽ không xử lý sự việc đúng theo cách mà chúng ta sẽ làm, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ thất bại. Người khác cũng có thể rất giỏi giang và khéo léo nếu bạn cho họ cơ hội. Khi bạn thể hiện sự tin tưởng, bạn đang tạo điều kiện để họ thể hiện tài năng của mình, thay vì kìm hãm họ và tự làm mình thêm mệt mỏi.

Nếu thiếu lòng tin vào bản thân, “kẻ thích kiểm soát” trong bạn có thể biểu hiện dưới dạng né tránh vì sợ thử những điều mới. Hãy lấy lại cuốn sổ ghi chép, nhìn quanh bạn. Có lẽ bạn sẽ lấp đầy cả một trang với những điều mình đã làm tốt hoặc những điều mình từng tự hào.

5. Chấp nhận

Vốn dĩ không có ai hoàn hảo, ai rồi cũng sẽ mắc sai lầm, dĩ nhiên là bao gồm cả bạn. Việc đòi hỏi sự hoàn hảo từ chính mình hoặc từ người khác chỉ khiến bạn thêm thất vọng.

Điều duy nhất bạn có thể làm là cố gắng hết sức và giữ vững niềm tin rằng mọi việc đều có lý do của nó. Khi mọi chuyện trở nên tồi tệ, hãy xem đó là cơ hội để trưởng thành. Khi đối mặt với những tình huống khó chịu, hãy đón nhận chúng như những thử thách và đối mặt trực diện. Khi bị tổn thương hoặc xúc phạm, hãy nghĩ lại những lúc bạn cũng từng vô tình gây tổn thương cho người khác, và xem đó như sự trả nghiệp hoặc một sự công bằng của cuộc đời.

Thỉnh thoảng, hãy tự nhắc mình rằng mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ bé trong một kế hoạch lớn lao hơn. Có lẽ tất cả chúng ta chỉ là đang thực hiện một vai diễn trong một vở kịch vĩ đại. Và bởi việc cố chống lại tự nhiên chỉ tạo thêm hỗn loạn, nên tốt hơn hết, hãy học cách chấp nhận những gì đang diễn ra và sống trọn vẹn trong hiện tại.

6. Hãy kiểm soát điều quan trọng nhất

Thay vì để năng lượng kiểm soát hướng ra bên ngoài, tốt hơn hết hãy quay nó về chính bản thân mình; không phải để trách móc hay tự phê bình, mà để tạo ra những thay đổi tích cực.

Hãy buông bỏ khao khát an toàn và nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Khi bạn thực sự quyết tâm buông bỏ, bạn sẽ thấy việc ấy không hề khó như tưởng tượng.

Nếu cần thêm động lực để tự giải thoát khỏi những nỗi sợ và sự ràng buộc, hãy nhìn lại tất cả những hành vi kiểm soát đã từng gây tác động tiêu cực đến chính mình và những người xung quanh.

Đối với nhiều người, việc hình dung giúp ích rất nhiều. Hãy tưởng tượng bạn đang vác trên vai một gánh nặng khổng lồ, hoặc đang bơi ngược dòng với tất cả sức lực. Rồi sau đó, hãy thả gánh nặng đó xuống, hoặc để mình thả trôi theo dòng nước. Cảm giác nhẹ nhõm sẽ rất lớn, và bạn có thể sẽ tự hỏi tại sao trước đó mình lại vất vả đến thế mà mọi việc lại chẳng đến đâu cả?

Đừng cố gắng kiểm soát mọi thứ. Khi biết buông bỏ và thuận theo tự nhiên, chúng ta sẽ có cả vũ trụ đồng hành, thay vì cảm thấy như đang vật lộn chống lại cả thế giới. 

Theo Visiontimes