Thay đổi suy nghĩ người khác bằng lòng trắc ẩn

Đôi khi bạn cao hứng và chia sẻ một điều gì đó với người khác, nhằm thay đổi suy nghĩ của họ, nhưng kết quả lại không như mong đợi; vậy thì bài viết dưới đây có thể sẽ có ích cho bạn.
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình có một điều tâm đắc đáng để chia sẻ chưa? Chẳng hạn gần đây bạn có được hiểu biết sâu sắc về vấn đề nào đấy và háo hức muốn kể với bạn bè? Mong muốn chia sẻ suy nghĩ là điều rất tự nhiên, đặc biệt là khi ta tin rằng người khác có thể đạt được lợi ích từ điều đó.
Tuy nhiên, quan điểm mỗi người mỗi khác, nên góc nhìn của chúng ta không phải lúc nào cũng giống nhau. Dù bạn chia sẻ vì hào hứng hay vì muốn tác động đến suy nghĩ của ai đó, vẫn có vài điều quan trọng nên ghi nhớ để không làm tổn hại đến những mối quan hệ tốt đẹp.
Trước tiên hãy lắng nghe và cân nhắc ý định của bạn
Bạn đang chia sẻ những hiểu biết của bạn với hy vọng người kia sẽ đồng tình, hay bạn đang mở ra một cuộc đối thoại để cùng nhau học hỏi?

Khi chúng ta cho rằng quan điểm của mình là hiển nhiên đúng, chẳng phải là ta đang ngầm cho rằng người khác cũng nên nghĩ giống mình? Do đó, điều mà ta nghĩ là “thiện ý giúp người khác hiểu”, thực ra có thể là biểu hiện vô thức của mong muốn được công nhận.
Ngược lại, nếu ý định của chúng ta là muốn khám phá sự thật, chúng ta sẽ tự nhiên cởi mở để học hỏi từ người khác và mở rộng góc nhìn. Nếu chúng ta sẵn sàng gác lại quan điểm cá nhân để hiểu sâu hơn, cuộc trò chuyện sẽ trở nên tích cực và hai bên đều sẵn lòng lắng nghe nhau.
Không có sự thay đổi suy nghĩ nào diễn ra nếu thiếu một cuộc đối thoại, và sẽ không có cuộc đối thoại nào nếu không có sự tham gia của cả hai phía. Trước khi chia sẻ ý kiến của mình, hãy dành thời gian để lắng nghe người đối diện và nhận biết đâu là những giá trị mà họ coi trọng? Quan điểm của họ là gì? Những trải nghiệm nào đã hình thành nên thế giới quan của họ?
Khi hiểu đối phương, chúng ta có thể biến cuộc trò chuyện thành một trải nghiệm cá nhân – nơi mà những điều được trao đổi đều có liên quan và có giá trị với tất cả những ai tham gia. Việc lắng nghe không phán xét và đưa ra những câu hỏi sâu sắc có thể mở ra cơ hội cho một sự kết nối thực sự ý nghĩa.
Hãy tự hỏi liệu người khác có nhận được lợi ích từ chia sẻ của bạn không?
Giờ đây khi bạn đã hiểu phần nào về người đối diện, hãy dừng lại để cân nhắc xem liệu điều bạn định nói có thực sự mang lại giá trị cho họ hay không? Họ đã có quan điểm riêng về vấn đề đó chưa? Nếu có, liệu những điều bạn chia sẻ có giúp họ mở rộng góc nhìn không?
Nếu bạn nhận thấy rằng lời nói của mình không mang lại ích lợi gì cho người nghe, mà bạn vẫn muốn nói, hãy dành chút thời gian để xem xét lại động cơ của mình. Điều có vẻ như là một mong muốn chân thành chia sẻ kiến thức, thật ra có thể là một mong muốn vô thức để khoe khoang hiểu biết.

Nhưng nếu người kia chưa biết gì về chủ đề đó, thì đây là lúc mà ý định giúp đỡ và mong muốn chia sẻ có thể hòa hợp với nhau. Vì điều bạn chia sẻ có thể có ích cho họ, hãy đảm bảo rằng bạn truyền đạt một cách rõ ràng, và thông tin bạn đưa ra là đầy đủ. Bạn đang tạo nền tảng để họ hình thành quan điểm riêng, nên hãy giúp họ phân biệt rõ giữa sự thật và quan điểm cá nhân của bạn.
Ngược lại, nếu việc lắng nghe ban đầu khiến bạn nhận ra rằng chính mình mới là người có thể học hỏi từ cuộc trò chuyện, thì hãy đón nhận cơ hội ấy để mở rộng nhận thức. Như triết gia Hy Lạp Socrates từng nói đầy minh triết: “Thừa nhận sự thiếu hiểu biết của bản thân chính là bước đầu tiên để tiếp cận tri thức.”
Thay đổi suy nghĩ người khác bằng lòng trắc ẩn
Nếu sau khi phân tích kỹ động cơ của mình và hiểu rõ người đối thoại, bạn vẫn tin rằng họ sẽ có lợi ích khi cùng quan điểm với bạn, thì chỉ có một cách có thể thay đổi suy nghĩ của họ: Dùng lòng trắc ẩn.
Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao người này cần hiểu quan điểm của mình? Điều đó có mang lại lợi ích gì cho họ không? Liệu tôi vẫn muốn họ có được góc nhìn này, ngay cả khi người chia sẻ không phải là tôi? Tôi có đang mong đợi điều gì từ cuộc trò chuyện này không?
Khi bạn ưu tiên đối phương và ý định của bạn bắt nguồn từ sự vô tư vô ngã, cuộc trò chuyện mới có thể trở nên chân thành. Lúc đó, người nghe sẽ cảm nhận được rằng họ không bị áp đặt quan điểm; mà ngược lại, quyền tự do và lợi ích của họ đang được quan tâm và tôn trọng. Và rồi, sự cởi mở cùng thấu hiểu lẫn nhau sẽ tự nhiên xuất hiện.
Dù phản hồi tích cực luôn là điều ta mong đợi, nhưng hãy sẵn sàng đón nhận cả sự từ chối. Quan điểm và niềm tin thường đã bén rễ sâu sắc trong mỗi người, nên việc cố gắng thay đổi chúng có thể gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ.
Khi mong muốn chia sẻ của bạn vấp phải sự thờ ơ, hay thậm chí là thái độ coi thường, hãy để lòng mình thanh thản và nhớ đến lời của Elie Wiesel:
“Chúng ta không nên xem bất kỳ ai như một khái niệm trừu tượng.Thay vào đó, hãy thấy trong mỗi con người là một vũ trụ – với những bí mật, những kho báu, những nỗi đau, và cả những chiến thắng của riêng họ.”
Khi ta thật sự nhận ra rằng mỗi người là một cá thể độc nhất, và hành vi của họ đơn giản chỉ là một phần trong bản chất ấy, ta sẽ không để bản thân bị cuốn vào kết quả hay cảm thấy tổn thương. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể kiểm soát suy nghĩ và thái độ của chính mình, nhưng bạn có thể vui mừng khi nhận ra rằng nỗ lực của bạn đã dựa trên ý định cao cả nhất – đó là lòng trắc ẩn.
Hãy tiếp tục đề cao bản thân. Hãy chủ động tiếp thu những điều mới mỗi ngày, và luôn giữ thái độ cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu người khác.
Dù ta có thể thay đổi suy nghĩ của người khác hay không, thì việc tìm kiếm sự thật vẫn luôn là một hành trình riêng của mỗi người. Và khi thời điểm thích hợp đến, bạn sẽ có thể chia sẻ những điều quý giá mình đã khám phá với bất kỳ ai thật sự sẵn lòng lắng nghe.
Theo Vision times