Tu dưỡng không đơn giản là tiếp thu những tri thức thông thường trong sách vở; cảnh giới cao nhất của tu dưỡng là học cách làm người.

Người xưa luôn đề cao đạo lý làm người, trước khi học tri thức, trước hết hãy học cách làm người. Đạo lý làm người được coi là gốc rễ để đánh giá nhân cách một người. Cổ nhân cũng chỉ rõ: ranh giới để phân biệt kẻ tiểu nhân và quân tử là địa vị nhưng cảnh giới làm người là tiêu chí phân biệt rõ nhất người xấu và người tốt.

Dưới đây là một số triết lý về việc làm người mà Khổng Tử đã để lại cho hậu thế.

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng cuối thời Xuân Thu

Khổng Tử là người thầy nổi tiếng của nho gia. Ông là đỉnh cao của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Những lời dạy và triết lý của Khổng Tử đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông. Và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hướng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác.

Ông sinh ra ở nước Lỗ, vào ngày 28 tháng 9 năm 551 TCN − 11 tháng 4 năm 479 TCN. Theo ghi chép trong gia phả họ Khổng, Khổng Tử thuộc dòng dõi quý tộc nước Tống, là hậu duệ của các quân chủ nhà Thương.

tu dưỡng
Chân dung Khổng Tử (Ảnh: Wikipedia).

Tổ tiên 6 đời của Khổng Tử vốn tên Tử Gia, sử sách thường gọi là Khổng Phụ Gia, là hậu duệ đời thứ 6 của Tử Cung, vị quân chủ thứ 5 của nước Tống. Khổng Phụ vốn là đại phu nước Tống thời Xuân Thu, từng làm đến chức Đại tư mã dưới triều Tống Thương công, được ban thái ấp ở Lật ấp. Cung đình xảy ra nội loạn, Khổng Phụ bị Thái tể Hoa Đốc giết chết, con trai lánh đến nước lỗ. Về sau, cha Khổng Tử là Thúc Lương Hột, định cư tại Tựu ấp.

Chữ “Nhân” là cốt lõi của tu dưỡng

Đức Khổng Tử quan niệm, đức “Nhân” như là một trọng tâm của đời sống đạo đức của nhân loại. Đối với ông, điều này chi phối tất cả mọi hoạt động của con người.

Chữ Nhân (仁)gồm có bộ nhân (人)và bộ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý. Nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Tương tự như vậy, học giả Phùng Hữu Lan cũng cho rằng “Chữ Nhân 仁 gồm bộ thủ nhân (biến thể của chữ nhân(人), nghĩa là nhân ghép với chữ nhị(二). Tức nó ngụ ý những phẩm chất đạo đức trong quan hệ giữa người với người.

Nếu một người đeo đuổi dục vọng, truy cầu vật chất, tiền tài quá độ, rơi rớt hết cả tinh thần, đạo đức, ý thức thì đã không còn là một người bình thường nữa
Nếu một người đeo đuổi dục vọng rơi rớt hết đạo đức thì đã không còn là một người bình thường nữa (ảnh: tinh hoa).

Ngoài ra, cũng dựa vào mặt từ ngữ này, người ta còn diễn tả chữ nhân này như sau: từ nhân có hai bộ, bộ nhân người (人)vào bộ nhị ( 二); nghĩa là có ít nhất hai người trong thế giới này và nhân là cách sống với nhau hay cách đối xử với nhau.

Đạo Nhân trong tư tưởng Nho gia của Khổng Tử thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Luận Ngữ. Khổng Tử sẽ giảng giải hàm nghĩa thực sự của chữ “Nhân” đối với từng đệ tử khác nhau bằng các cách khác nhau và ở vào thời điểm khác nhau.

Nói tóm lại, hàm nghĩa chữ Nhân của ông chính là hai chữ “Trung” và “Thứ”. “Trung” là dùng thái độ trung thực, thành tín đối xử với người; đối với công việc thì tận tâm mà làm. “Thứ” là cần thương người như thể thương thân.

Nhân ái là gốc cơ bản của tu dưỡng

Khổng Tử từng nói “Cương nghị, mộc nột, cận nhân”, “xảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân”. Nghĩa là: Người nói đâu ra đó, thật thà sẽ gần gũi người khác. Người ưa nói lời khéo léo, sắc mặt không hiền lành là người ít có lòng nhân đức. Khổng Tử chính là muốn nói với chúng ta, đạo nghĩa chân thực của “Nhân” chính là chân thành, thật thà. Còn ngược lại chính là đi ngược với chính đạo.

Thế nào là chân nhân?

Tử Cống từng có lần hỏi Khổng Tử: “Như hữu bác thi vu dân, nhi năng tể chúng, hà như? Khả vị nhân hồ”. Nghĩa là: “Nếu có người ban ân cho nhân dân và cứu đại chúng thì người ấy thế nào?. Có thể gọi là chân nhân không?”.

Khổng Tử đáp: “Hà sự vu nhân, tất dã thánh hồ! Nghiêu Thuấn kỳ do bệnh chư! Phu nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ”. Nghĩa là: “Sao chỉ gọi là người thôi? Phải gọi là bậc thánh! Vua Nghiêu, Thuấn cũng chưa làm được như vậy “.

Làm một người chân chính thì vừa muốn giúp cho mình thành công và cũng giúp người thành công.

Thế nào là đạo nhân?

Với Tử Cống và Nhan Uyên

Khi Tử Cống hỏi Khổng Tử về đạo nhân, Khổng Tử nói: Người thợ muốn làm ra sản phẩm tốt thì tất phải có dụng cụ tốt trước đã. Trong nước phải tôn người hiền tài trong số đại phu làm thầy. Kết giao bạn bè với người nhân đức trong số kẻ sĩ.

Nhan Uyên là một trong những đệ tử gương mẫu của Khổng Tử. Nhan Uyên từng được khen ngợi là “Nhan Uyên, lòng ba tháng không lìa đạo nhân. Còn các anh khác, một ngày, một tháng là cùng”. Khổng Tử chỉ hy vọng người học trò này có thể dùng “lễ” để tự ước thúc bản thân.

Trong chương đầu tiên ” Luận Ngữ”, Nhan Uyên hỏi về đạo nhân, Khổng Tử nói: “Tiết chế ham muốn của mình theo lễ. Nếu một ngày làm được vậy, thiên hạ sẽ theo về đức nhân. Thực hiện đức nhân do mình thôi, lẽ nào phải nhờ người khác sao?”.

Nhan Uyên nói: “Xin thầy cho biết từng mục nhỏ để thực hiện đức nhân“. Khổng tử nói: “Việc trái lễ chớ xem, không hợp lễ chớ nghe, không hợp lễ chớ nói, không hợp lễ chớ làm”. Nhan Uyên nói: “Con không minh mẫn cũng xin làm đúng lời thầy”.

Với Nhiễm Ung

Nhiễm Ung là người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, lại có tài năng về chính trị. Khi ông hỏi Khổng Tử về đạo Nhân. Khổng Tử nói: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán”. Nghĩa là: Ra khỏi nhà thì trang trọng như đón khách quý; tiếp xúc người thì kính cẩn như đang hành lễ; sai khiến dân giống như đang làm tế lễ lớn.

Khổng Tử muốn nói rằng: việc mình không muốn, đừng làm cho người khác. Ở trong nước hay trong nhà đừng để cho ai oán giận mình. Câu trả lời của Khổng Tử thiên về tầng diện chính trị. Đạo hành nhân đối với Nhiễm Ung chính là đối đãi cung kính với mọi người, khiến bách tính yêu mến. Nhiễm Ung làm được như vậy mọi người đều sẽ không oán hận.

khổng tử
Nhờ vào sự học sâu biết rộng và tư tưởng sống tâm đức, nên hơn 3000 học trò bái ông làm Thầy. Hay còn gọi là “Tam thiên đồ đệ” (ảnh: lời hay ý đẹp).

Tu dưỡng trong mối quan hệ giữa trung dung và giáo dục

Mặc dù người quân tử và kẻ tiểu nhân được phân biệt bởi thân phận địa vị. Tuy nhiên, Khổng Tử không cho rằng đây là sự khác biệt duy nhất. Điều càng quan trọng hơn chính là ở sự tu dưỡng và cảnh giới làm người.

Về điều này, người có rất nhiều giải thích như sau: “Quân tử trung dung; tiểu nhân phản trung dung. Quân Tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi phản trung dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã”. Nghĩa là: Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì phản trung dung. Người quân tử trung dung là người mà lúc nào cũng giữ được đức trung dung, tức tâm tính họ không bị thiên lệch hay đổi dời. Kẻ tiểu nhân phản trung dung là người làm những điều trái ngược với đức trung dung, tâm tính họ luôn thay đổi và chẳng kiêng nể điều chi cả.

Đây là cảnh giới cao nhất của tu dưỡng, đồng thời cũng là một phương pháp tu dưỡng có nội hàm vô cùng tinh thâm và phong phú.

Tu dưỡng của Khổng Tử bao gồm: Văn, Hành, Trung, Tín

“Văn” chỉ tri thức học vấn

Đương niên Khổng tử lấy Thi, Lễ, Nhạc cổ đại làm sách giáo khoa, truyền dạy cho đệ tử tri thức về chính trị, triết học, lịch sử, văn nghệ. Ông cho rằng, ba loại học vấn này có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong việc dưỡng thành tâm tính của con người.

Muốn tu tâm dưỡng tính phải học thi thư, muốn có ý chí kiên định phải học lễ nghĩa. Thi thơ có thể khơi gợi lòng hướng thiện, tránh xa rời cái ác. Lễ có thể khiến người ta biết tiến biết lùi đúng lúc, có thể lập thân trong thiên hạ. Nhạc có thể khiến người ta dưỡng thành nhân cách hoàn mỹ.

“Hành” chỉ sức làm của bản thân

Khổng Tử yêu cầu các đệ tử đem học vấn đạo đức mà ông đã truyền dạy áp dụng vào thực tiễn, đồng thời từ trong thực tiễn mà lĩnh hội, làm tăng trưởng học vấn. Bởi vì hạt nhân giáo dục của Khổng Tử là làm người.

Nhân đó Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh tác dụng của “hành”. Khổng Tử cho rằng học vấn chỉ có đầy đủ ở hành động của chính mình mới là học vấn chân chính. Điều mà gọi là: Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân, nghĩa là: Lời nói khéo léo, sắc mặt giả vờ niềm nở, loại người đó ít có lòng nhân.

“Trung” tức sự nghiêm túc, chân thật khi làm việc với người khác

“Trung” cũng là điều mà gọi là: “Dữ nhân mưu nhi bất trung hồ”. Nghĩa là: Cùng với người bàn tính công việc có thành thực nghiêm túc không?. Đối tượng mà “trung” nói ở đây, không chỉ bao gồm cấp trên mà bao gồm cả bạn bè. Khổng Tử giáo dục đệ tử cùng với người làm việc, chỉ có chân thành đối đãi với người. Khi ta dốc toàn lực ra làm mới có thể không hổ thẹn với lòng mình.

“Tín” là một phần quan trọng của tu dưỡng

“Tín”- chữ này trong Luận Ngữ xuất hiện hơn 16 lần. Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả”. Nghĩa là: “Người mà không có chữ tín, thì không biết làm sao làm được việc đây. Ý nói một người mà không có chữ tín, quả thật không biết phải dùng anh ta như thế nào mới tốt đây”.

Khổng Tử cho rằng, “tín” là nguyên tắc căn bản để làm người. Còn “văn” chỉ tri thức học vấn. Đương niên Khổng tử lấy Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu làm sách giáo khoa. Ông truyền dạy cho đệ tử tri thức về chính trị, triết học, lịch sử, văn nghệ.

Tư tưởng Nho gia cho tới ngày nay và quan niệm trung dung của Khổng Tử vẫn ảnh hưởng tới hậu thế và thế giới
Tư tưởng Nho gia cho tới ngày nay và quan niệm trung dung của Khổng Tử vẫn ảnh hưởng tới hậu thế và thế giới (ảnh: NTD).

Luận Ngữ của Khổng Tử chứa đựng đạo lý tu dưỡng

Khổng Tử từng tán thưởng Thi kinh như sau: “Tiểu tử, hà mạc học phu thi! Thi, khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức vu điểu thú thảo mộc chi danh”. Nghĩa là: “Các học trò sao chẳng học Thi Kinh? Thi Kinh có thể khơi dậy niềm yêu thích, có thể giúp ta nhận xét thấu triệt, có thể giúp ta biết lúc nào nên oán lúc nào không. Gần thì biết phục vụ cha, xa thì biết phục vụ vua, ghi nhớ được tên chim chóc, thú vật, cỏ cây”.

Thông qua tác phẩm Luận ngữ có thể thấy, những điều Đức Khổng Tử giáo hóa dạy dỗ đệ tử đều là giải đáp những vấn đề trong cuộc sống bình thường và giảng giải những điều cần thiết trong sinh hoạt để người với người có thể sống hòa thuận với nhau.

Tư tưởng Nho gia cho tới ngày nay và quan niệm trung dung của ông vẫn ảnh hưởng tới hậu thế. Nếu tu dưỡng bản thân thì sẽ khiến gia đình được hòa thuận. Nếu dùng trong đạo trị quốc sẽ khiến thiên hạ thái bình.

Theo Vision Times