Người không sợ gì mới là đáng sợ nhất
‘Kính thiên kính địa’ đã là văn hóa từ ngàn xưa của ông cha ta, nó cũng là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá đạo đức của một người. Người mà không sợ gì hết mới thật là đáng sợ.
- Khinh nhờn Thần Phật giảm phúc báo, tôn kính Thần Phật đắc bình an
- Lời khuyên của “Ông tiên ngủ”: hãy tôn kính Thần Phật
Nội dung chính
1. Làm người không thể không có lòng kính sợ
Khổng Tử nói: “Quân tử có 3 nỗi sợ: Sợ thiên mệnh, sợ bề trên, sợ lời của Thánh nhân”.
Hàn Dũ thời Đường có nói trong “Hạ thái dương bất khuy trạng” rằng: “Bệ hạ kính sợ thiên mệnh, tu thân dưỡng tính”.
Người xưa luôn giữ sự kính sợ ở trong tâm. Ví dụ như kính sợ trời cao, vì dù sao người dân cũng ‘lấy cái ăn làm trọng’, nên tất nhiên phải kính sợ ông trời. Ông trời công chính, xiển dương cái thiện và trừng phạt cái ác. Ông trời cũng rất nghiêm khắc, vì vậy mới có quan niệm: Người đang làm, trời đang nhìn; trên đầu ba thước có Thần linh; việc trái với lương tâm thì không thể làm…
Làm ăn thì phải minh bạch rõ ràng, già trẻ không gạt. Nghiên cứu học vấn, nói có sách mách có chứng. Làm quan thì không chiếm đoạt tiền tài của dân, không xử oan người vô tội, không bán đứng bạn bè, không làm việc táng tận lương tâm. Phải có tâm kính sợ thì chúng ta mới có thể câu thúc bản thân, không làm những việc quá phận.
Một khi con người không còn cảm giác sợ hãi thì họ sẽ trở nên không kiêng nể gì nữa; muốn làm gì thì làm, coi trời bằng vung; cuối cùng thì gieo gió gặt bão, phải chịu quả báo cho những gì bản thân đã gây ra.
2. Trong tâm kính sợ, học cách khiêm tốn
Sự kính sợ bắt nguồn từ niềm tin của con người. Trong tâm kính sợ thì lời nói và hành động mới có sự ước thúc. Những người biết kính sợ cũng vô cùng khiêm tốn.
Dương chấn vào thời Đông Hán là một người công chính, liêm khiết, không màng tư lợi, được mọi người khen ngợi. Một lần, ông từ Kinh Châu đi đến quận Đông Lai (nay là Yên Đài, Sơn Đông) làm thái thú. Trên đường đi qua huyện Xương Ấp. Huyện lệnh Vương Mật là do Dương Chấn đề bạt lên khi ông còn làm thứ sử Kinh Châu; vì vậy đã đi đến vùng ngoại ô để nghênh đón ân sư.
Buổi tối, Vương Mật liền đến bái kiến Dương Chấn, lúc cáo từ, Vương Mật đột nhiên lấy từ trong người ra một túi vàng để lên bàn và nói rằng: “Ân sư hạ cố đến đây, tiểu nhân chuẩn bị một chút quà mọn, xin được báo đền ân đức của ngài”.
Dương Chấn nói: “Trước đây bởi vì tôi thấy thực tài của anh nên mới đề bạt; hy vọng anh có thể làm một vị quan tốt. Báo ơn tốt nhất của anh đối với tôi chính là ra sức làm việc vì nước; chứ không phải là đưa cho tôi những thứ này”.
Người đang làm trời đang nhìn
Vương Mật kiên trì thuyết phục: “Nửa đêm không ai biết đâu, xin ngài nhận lấy cho!”
Dương Chấn lập tức nghiêm mặt nói: “Anh nói gì vậy, trời biết, đất biết, tôi biết, anh biết! Anh sao có thể nói là không ai biết được? Chẳng lẽ khi không có ai ở đây thì tôi và anh có thể làm những việc đánh mất lương tâm sao?” Vương Mật cảm thấy xấu hổ mà vội lui ra.
Chỉ khi con người có lòng kính sợ thì mới nói đến lương tâm, nghĩa vụ, đạo đức; mới có thể hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần dân tộc…
3. Không sợ gì mới là đáng sợ nhất
Vương Hy Phượng trong “Hồng Lâu Mộng” là một người thông minh, tài sắc, nhưng lại quá tinh ranh; kết cục bi thảm của nàng cũng là do quá thông minh.
Thực ra sự thông minh của Vương Hy Phượng cũng không có sai, chỉ là đa số trong đó đều là khôn vặt; nàng sai vì không biết sợ bất cứ điều gì. Người xưa có câu: “Trời muốn ai chết, tất sẽ để kẻ đó cuồng”, vì vậy Vương Hy Phượng có biểu hiện như vậy cũng là bình thường. Tất nhiên, việc này có mối liên hệ với sự giáo dục của nàng.
Khi Vương Hy Phượng còn nhỏ, cha mẹ luôn rất chiều chuộng nàng, không dạy dỗ gì nhiều; vậy nên lớn lên nàng mới ngang ngược như vậy; tính cách duy ngã độc tôn. Mặt khác, trong nhà không dạy nàng văn hóa truyền thống, đường đường là tiểu thư của vương gia Kim Lăng mà không biết chữ; không đọc sách Thánh hiền; lời giáo huấn của Thánh nhân cũng không biết. Đối với nhân lễ nghĩa trí tín thì cũng không hiểu bao nhiêu; khuyết thiếu chuẩn tắc đạo đức cơ bản trong đối nhân xử thế.
Nếu không có phẩm chất đạo đức cơ bản thì sẽ trở nên rất đáng sợ; giống như là mãnh hổ xổng chuồng, rất khó thuần dưỡng.
Không có đức tin thì rất khó có lòng kính sợ, không kính sợ thì không có gì không dám làm.
4. Tâm kính sợ thì không lo lắng
Tăng Quốc Phiên, nhà tư tưởng nổi tiếng triều đình Mãn Thanh, trong một bức thư gửi về gia đình đã nói rằng: “Tôn kính thì không kiêu ngạo, không lười biếng”.
Con người khi có lòng kính sợ thì hành sự mới thận trọng; mới có ý niệm dè chừng sợ hãi. Chỉ có như vậy thì mới không phân tâm, không xốc nổi trong xã hội đầy phức tạp; không bị tạp niệm can nhiễu; không vì danh lợi cá nhân mà bi lụy; vĩnh viễn khiêm tốn bình hòa; luôn giữ được sự an tĩnh trong tâm hồn.
Bạn càng mạnh mẽ thì càng phải khiêm tốn; bởi vì khiêm tốn là thể hiện của sự kính sợ.
Trong lòng có sự kính sợ thì không lo lắng ưu phiền. Chỉ khi có lòng kính sợ thì chúng ta mới có thể phán đoán sự việc một cách đúng đắn; mới có thể từ chỗ khó khăn chậm rãi tiến lên và đạt được thành tựu trong cuộc sống.
Theo Secret China