Làm thế nào để quản lý cảm xúc khi đối diện với sự khiêu khích ác ý?
Khi nói đến khả năng quản lý cảm xúc và đối diện với những khiêu khích ác ý, người ta thường nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử là Dương Chí và Hàn Tín.
Có lẽ nhiều người đã từng đọc những cuốn sách của Chicken Soup for the Soul – súp gà cho tâm hồn, cũng xem qua rất nhiều thước phim chia sẻ về cách quản lý cảm xúc, những lúc ấy chúng ta thường cảm thấy rất có đạo lý, nhưng khi thực sự gặp chuyện gì đó, vẫn là không khống chế được cảm xúc của mình.
Sở dĩ bạn biết nhưng không làm được có lẽ là do bạn chưa hiểu rõ bản chất của cảm xúc.
Nội dung chính
Một hoàn cảnh hai câu chuyện, khác nhau bởi cách quản lý cảm xúc
Câu chuyện về Dương Chí trong Thủy Hử
Dương Chí vốn là quan triều đình, nhưng sau này sa sút, có thời điểm vì nghèo khó mà phải bán đi bảo đao của tổ tiên để lại; nhưng không may gặp phải tên lưu manh Ngưu Nhị.
Ngưu Nhị không ngừng làm khó, khiêu khích khiến Dương Chí tức giận không kiềm chế được, trong cơn thịnh nộ đã giết chết Ngưu Nhị, kết quả là bị xăm chữ lên mặt và lưu đày.
Khai quốc công thần nhà Hán – Hàn Tín
Hàn Tín, bậc khai quốc công thần của nhà Hán cũng từng có trải nghiệm tương tự Dương Chí.
Thời trẻ Hàn Tín từng bị một tên lưu manh vũ nhục, hắn không ngừng khiêu khích, nói: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi phải chui háng ta”.
Tình huống này khá giống với cảnh mà Dương Chí gặp phải, nhưng điểm khác biệt là Hàn Tín không hề tức giận, ngược lại ông bình tĩnh cúi mình chui qua háng hắn. Nhưng kết quả thì sao? Hàn Tín sau này đã trở thành Sở Vương vạn người kính ngưỡng.
Hiểu rõ mục đích cuộc sống
Hàn Tín và Dương Chí đều cùng đối mặt với sự khiêu khích ác ý từ người khác, nhưng vì sao Dương Chí không khống chế được bản thân mà Hàn Tín lại có thể chịu nhục chui háng?
Trước hết, Hàn Tín biết rõ điều mình đang theo đuổi là gì, cũng rất rõ ràng mình muốn sống cuộc sống như thế nào.
Nói thẳng ra, Hàn Tín hiểu rõ bản thân sống không phải vì để cùng kẻ khác tức giận hay tranh đấu hơn thua. Vậy nên khi đối mặt với những kẻ cố tình gây sự, ông cảm thấy không cần thiết phải so đo.
Nhưng Dương Chí trong Thủy Hử thì hoàn toàn ngược lại. Mục đích bán đao là để cải thiện tình trạng khó khăn hiện tại và sau đó tìm cách phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi gặp phải Ngưu Nhị, ông đã hoàn toàn quên mất mục đích quan trọng nhất của mình. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ, đó là đối phó với Ngưu Nhị trước mặt.
Vì vậy, bất kể khi nào chúng ta gặp phải những sự việc khó khăn, những người cố ý gây sự; nhất định phải nhớ đến mục đích thực sự của mình, hãy xem nhẹ mâu thuẫn kia, bởi vì nó không quan trọng chút nào, dẫu là nhục nhã như Hàn Tín thì đã sao?
Hiểu rõ bản chất của cảm xúc
Trên thực tế, Trang Tử đã từng giảng về bản chất của cảm xúc từ rất sớm. Ông dẫn một câu chuyện về Lão Tử, có một kẻ cố ý sinh sự mắng chửi Lão Tử, nhưng Lão Tử lại làm như không nghe thấy những lời ấy. Sau khi mắng chửi đến mệt, tên kia liền hỏi: “Vì sao tôi chửi mắng ông, mà ông không để ý chút nào vậy?”
Lão Tử trả lời: “Dẫu anh có chửi mắng tôi thế nào tôi cũng không quan tâm, vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả. Chửi là việc của anh, nghe hay không là việc của tôi.”
Cảm xúc sẽ không biến mất, nên không cần phải cố dùng phương pháp nào đó để khống chế cảm xúc của chính mình, bởi vì cảm xúc bị khống chế thực ra sẽ tích tụ lại, miễn cưỡng đè nén xuống, nhưng sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. Vậy nên, chúng ta muốn tìm ra vấn đề căn bản, cần hiểu rõ bản thân mình muốn gì, theo đuổi điều gì.
Khi bạn luôn hiểu rõ mục đích mình sống trên đời này thì sẽ không dễ dàng sinh ra những cảm giác không cần thiết, lại càng không bị cảm xúc khống chế.
Theo Visiontimes