Chữ “Nhẫn” và những tấm gương nhẫn nại lưu danh hậu thế
Nhẫn là một loại tu dưỡng và có ý nghĩa vô cùng rộng lớn. Bình thường người ta cho rằng Nhẫn là nhẫn chịu. Đây chỉ là một phương diện, Nhẫn còn có rất nhiều hàm nghĩa như nhẫn nại, chịu khổ, chịu thiệt, nhận thức, tiếp nhận, kiên trì tiết thủ, trách nhiệm, thành tựu, cao quý mà không kiêu căng, công lớn mà không tự phụ, hiền tài mà khiêm hạ, cương trực mà nhẫn nại v.v.
Người ta thường nói: “phía trên chữ Nhẫn (忍) có một lưỡi dao (刀)”; cũng không phải như cách hiểu thông thường là trong tâm (心) cắm một lưỡi dao mà không làm gì; mà là dùng cái tâm ở dưới lưỡi dao để hóa giải mâu thuẫn, tức “nhẫn hóa”.
Người có tâm đại nhẫn gặp nguy mà không sợ; quyết đoán nắm bắt thời cơ; tránh nhuệ khí đối phương; dùng trí tuệ hóa giải; tránh xung đột trực diện; giảm thiểu những tổn thất không cần thiết; dùng biện pháp lợi ích cho người khác mà thiện hóa để giải quyết mâu thuẫn.
Nhẫn không phải là ấm ức trong lòng, che giấu tức giận. Bởi vì ấm ức trong lòng thì khí không lưu thông; u uất hóa kết; tổn thương gan và thận. Tổn thương gan thì dễ cáu giận, tổn thương thận thì trí tuệ tối tăm. Trí tuệ tối tăm thì dễ lỡ lời, kệch cỡm. Thế nên, nhẫn cần phải chủ động; tích cực gánh chịu; tìm cách hóa giải thì mới giải quyết được vấn đề thực chất.
Nội dung chính
Chịu nhục chui háng
Tô Thức thời Bắc Tống đã từng nói: “Thất phu bị nhục, rút kiếm đứng dậy, vươn mình chiến đấu”. Đây không phải là dũng cảm thực sự. Người dũng cảm thực sự là khi đột nhiên đối diện với sự xâm phạm cũng không tranh đấu với đối phương; dùng thái độ nhún nhường để hóa giải mâu thuẫn; để đối phương có đường lùi. Cho dù gặp phải sự hạ nhục vô cớ thì cũng có thể bình thản xử trí, thong dong đối đãi.
Cái tâm đại nhẫn của Hàn Tín, khai quốc công thần nhà Tây Hán, thật khiến cho mọi người kính phục. Thời trẻ Hàn Tín thích đeo trường kiếm. Một hôm, khi ông đang đi trên phố chợ thì một người trẻ tuổi hạ nhục ông trước đám đông rằng: “Ngươi thân thể cao lớn, thích mang đao đeo kiếm, thực ra trong nội tâm lại rất nhát gan”. “Nếu ngươi thực sự không sợ chết thì hãy lấy kiếm ra đâm ta đi. Nếu ngươi sợ chết thì hãy chui qua háng ta”.
Sau khi quan sát kỹ người thanh niên đó, Hàn Tín bèn cúi người chui qua háng anh ta. Mọi người trên phố đều cười giễu Hàn Tín, cho rằng ông nhát gan.
Nhẫn nại hơn người mới làm được việc lớn
Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Lưu Bang, ông cho triệu người thanh niên đã hạ nhục mình năm xưa đến. Đồng thời nói với mọi người rằng: “Đây là một tráng sĩ. Năm xưa khi hạ nhục ta, ta đã có thể giết chết anh ta. Nhưng giết chết anh ta mà không có danh nghĩa gì, thế nên ta đã nhẫn nại. Vì vậy mới có thành tựu ngày hôm nay”.
Người thanh niên đó xin được tha thứ. Hàn Tín đã tha tội cho anh ta; còn phong cho anh ta làm một chức quan nhỏ.
Nhẫn nại không phải là yếu nhược cúi đầu thần phục người khác. Nhẫn nại là tránh những phiền nhiễu không cần thiết; khiến hai người có thể chung sống hòa thuận; hiển hiện tấm lòng rộng lớn của người có lòng nhẫn.
Nếm mật nằm gai
Câu thành ngữ “Nếm mật nằm gai” ai ai cũng biết, ý nói là ngủ chiếu cỏ, nếm mật đắng. Đó là nói về Việt Vương Câu Tiễn sau khi chiến bại, trong suốt mấy chục năm, ngày nào ông cũng kiên trì nếm mật đắng trước mỗi bữa cơm. Chữ Nhẫn ở đây là một loại kiên trì, là một loại trách nhiệm.
Năm 498 TCN, Ngô Vương Hạp Lư dẫn quân tấn công nước Việt, nhưng bị nước Việt đánh bại. Hạp Lư bị trọng thương và tử vong. Hai năm sau, con trai của Hạp Lư là Phù Sai dẫn quân đánh bại nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn bị áp giải đến nước Ngô để hầu hạ Ngô Vương.
Một ngày nọ, Ngô Vương bị bệnh, Câu Tiễn chủ động đích thân nếm phân của Ngô Vương, nét mặt lộ ra niềm vui chúc mừng Ngô Vương Phù Sai rằng: “Từ màu sắc và mùi vị của phân có thể phán đoán ra được rằng thân thể Đại Vương không có vấn đề gì, có thể yên tâm điều trị”.
Chính việc làm này khiến Phù Sai rất cảm động và cho rằng Câu Tiễn đã thực lòng quy thuận mình. Ba năm sau, Ngô Vương Phù Sai cho Việt Vương Câu Tiễn trở về nước Việt. Sau khi trở về nước, Câu Tiễn vẫn sống cuộc sống khổ cực như thời còn ở nước Ngô, thậm chí càng cần kiệm hơn nữa; yêu thương bách tính; vỗ về bá quan; huấn luyện binh sĩ.
Nếm mật đắng chờ ngày báo thù
Câu Tiễn treo túi mật đắng ở bên chỗ ngồi; lúc ngồi hoặc lúc nằm đều chăm chú nhìn túi mật đắng; khi ăn cơm đều trước tiên nếm mật đắng.
Sau khi Việt Vương Câu Tiễn mưu tính hoạch định 22 năm, cuối cùng đã bình định được nước Ngô; được tôn làm bá chủ. Đồng thời đem những vùng đất mà nước Ngô đã chiếm được trả lại cho các nước Sở, Tống, Lỗ…
Từ xưa đến này, những người thành tựu đại nghiệp đều có ý chí vượt trên người thường; có tín niệm vững vàng như bàn thạch.
Tô Vũ chăn dê
Năm 100 TCN, Hung Nô bày tỏ tình hữu hảo với triều Hán, nguyện ý gây dựng lại mối giao hảo xưa. Hán Vũ Đế sai Tô Vũ dẫn hơn 100 người đi sứ Hung Nô để đáp tạ Thiền Vu (vua Hung Nô).
Khi nhóm Tô Vũ chuẩn bị quay trở về triều Hán thì gặp phải nội loạn của Hung Nô. Nhóm Tô Vũ bị Hung Nô bắt giữ, yêu cầu Tô Vũ và mọi người phải quy thuận Hung Nô. Đầu tiên, Thiền Vu sai Vệ Luật dùng tiền bạc và quan tước để khuyến dụ Tô Vũ, nhưng đều bị Tô Vũ nghiêm giọng cự tuyệt.
Thiền Vu bèn hạ lệnh giam Tô Vũ trong một cái hang lộ thiên; không cung cấp lương thực và nước uống. Bị giam cầm trong hang, Tô Vũ vẫn không thay đổi tiết tháo; khát thì uống nước tuyết tan; đói thì ăn tấm áo da khoác trên mình. Thiền Vu thấy Tô Vũ ý chí kiên cường thì rất khâm phục khí tiết của ông, không nỡ lòng sát hại ông; nhưng lại cũng không muốn thả ông trở về nhà Hán.
Cây cối xung quanh đâm chồi nảy lộc, trở về đất Hán vẫn xa vời không biết đến ngày nào. Tô Vũ không tránh khỏi có những thương cảm, vì thế mà rơi lệ. Ông dùng tay áo lau sạch lệ, khi đó, một con dê phía trước mặt hướng về Tô Vũ kêu be be; dường như là đang an ủi ông.
Nhẫn nại chăn dê để giữ trọn tiết tháo
Thế là Thiền Vu để Tô Vũ đến vùng Bắc Hải để chăn dê. Đồng thời nói với ông rằng khi nào dê sinh ra dê con thì mới có thể cho ông trở về đất Hán. Tô Vũ đến nơi lưu đày mới phát hiện ra tất cả đều là dê đực. Ngày ngày ông chống gậy mang theo phù tiết của triều đình Hán đi chăn dê.
Sau 19 năm, sứ thần triều Hán biết được tình cảnh của ông qua lời kể của người bạn của Tô Vũ, mới đón Tô Vũ từ Bắc Hải trở về Trường An. Lúc ra đi, Tô Vũ đang tuổi tráng niên, nhưng khi trở về thì đầu tóc đã bạc trắng hết cả rồi.
Người xưa coi những người vì lợi ích mà phản bội quốc quân là “mưu nghịch”; coi những kẻ sợ chết mà vứt bỏ khí tiết là “làm loạn”. Cái Nhẫn của Tô Vũ là lòng trung thành với nhà Hán; nhẫn nhịn chịu khổ cực; kiên trì giữ vững chính nghĩa và tiết tháo; không động lòng bởi tiền tài và quan tước. Đông đi xuân đến, hoa nở hoa tàn, mái đầu xanh đã bạc phơ mà vẫn không thay đổi khí tiết.
Theo Minh Huệ