“Bận rộn” là một liều thuốc đơn giản mà hiệu quả cho sức khỏe
Bận rộn một cách hợp lý sẽ khiến con người tràn đầy năng lượng và không bị lười biếng, đây là liều thuốc vô giá cho sức khỏe.
- Phòng ngừa bệnh tật bằng cách thanh trừ “tam độc” tham sân si
- Sinh mệnh vào lúc đường cùng, vẫn có thể là chỗ dựa cho người khác
Nội dung chính
Duy trì sự bận rộn một cách hợp lý
Mặc dù các yếu tố di truyền bẩm sinh có tác động nhất định đến sức khỏe và tuổi thọ, nhưng thói quen sinh hoạt mới là yếu tố quan trọng hơn. Có rất nhiều phương pháp giữ gìn sức khỏe trên thế giới, và một trong những liều thuốc trường sinh rẻ nhất chính là duy trì sự “bận rộn”.
Bận rộn là bí quyết dưỡng sinh của nhiều danh nhân sống trăm tuổi. Cố hoạ sĩ vẽ tranh Trung Quốc nổi tiếng Tề Bạch Thạch đã sống đến 93 tuổi và là một người luôn “bận rộn”. Ông yêu cầu bản thân phải vẽ mỗi ngày, “không để một ngày nào nhàn rỗi”. Cố Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Bối Duật Minh là người đã thiết kế kim tự tháp bằng kính của Louvre và Bảo tàng Tô Châu. Ở tuổi 90, ông vẫn làm việc chăm chỉ để thiết kế Bảo tàng Tô Châu, công việc là một loại niềm vui đối với ông.
Bận rộn chính là một liều thuốc quý giá. Nhiều người sống nhàn nhã thường than phiền đau chỗ này, khó chịu chỗ kia. Nhưng một khi người ấy có mục tiêu trong cuộc sống, có việc để làm và trở nên bận rộn, trạng thái tinh thần của họ sẽ tốt hơn và cơ thể sẽ càng khỏe mạnh hơn.
Làm thế nào để giữ cho mình bận rộn?
1. Dậy sớm
Những người sống trường thọ hầu như đều không ngủ nướng, lối sống của họ vô cùng quy củ, nên ngủ thì ngủ, nên dậy thì dậy. Công việc và cuộc sống của họ được sắp xếp một cách có trật tự.
Đừng lãng phí thời gian vào buổi sáng của bạn, cũng đừng ngủ nướng thêm trên giường. Bạn có thể dùng khoảng thời gian này để đọc một bài báo và uống một ấm trà ngon. Ăn sáng xong, hẹn bạn bè cùng nhau tán gẫu uống cà phê, tận hưởng khoảng thời gian thong thả tự tại.
2. Thường xuyên đi dạo
Mỗi ngày ở nhà buồn chán, trong lòng khó tránh khỏi có nhiều phiền não lo lắng. Nếu bạn muốn có một khoảng thời gian vui vẻ, bạn có thể ra ngoài đi dạo và hít thở không khí trong lành. Khi thời tiết tốt, bạn có thể chạy bộ, bơi lội, chơi bóng để rèn luyện cơ thể.
3. Kiên trì tập thể dục
Cơ thể khỏe mạnh mới là cơ sở bền vững của sức khỏe và tuổi thọ. Muốn có thể giữ được vẻ ngoài trẻ trung, vui vẻ thì nhất định phải duy trì thói quen tốt là tập thể dục điều độ. Như vậy, mới có thể tỏa ra sức sống từ trong ra ngoài, tràn đầy năng lượng.
4. Quan tâm đến vẻ ngoài của mình hàng ngày
Khi bạn ăn mặc đẹp, cả người sẽ tràn đầy sức sống, cũng sẽ càng tự tin hơn và trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của bạn. Vì vậy, hãy dành chút thời gian chăm sóc bản thân, ăn mặc gọn gàng và chỉn chu.
5. Giữ tâm hồn tươi trẻ
Người có tâm hồn tươi trẻ sẽ chủ động thử những điều mới lạ, luôn tìm hiểu mọi thứ với đôi mắt tò mò. Trên khuôn mặt của họ luôn rạng rỡ, trạng thái tinh thần luôn lạc quan, yêu đời. Những cảm xúc tích cực cũng có thể mang lại cho chúng ta sức khỏe.
6. Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn
Ngay cả sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi vẫn nên giữ cho bộ não của mình luôn hoạt động, cuộc sống tinh thần phong phú, đồng thời bạn cũng nên sống có mục tiêu và kế hoạch. Bạn có thể tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn, làm thiện nguyện cùng mọi người, quen biết nhiều người hơn, cũng có thể cùng bạn bè ra công viên tập thể dục buổi sáng, nghe tiếng chim hót và làm nhiều việc ý nghĩa hơn.
7. Kiên trì đọc sách và du lịch
Kiên trì “Sống đến già, học đến già” có thể khiến bạn trở nên trẻ trung và xinh đẹp hơn. Khi bạn đọc sách nhiều hơn, dung mạo của bạn tự nhiên sẽ thay đổi.
Đọc sách có thể mở mang đầu óc, du lịch có thể mở rộng tầm nhìn, những người thích đọc sách và du lịch đều có chính kiến riêng về mọi việc, tự tin, hồn nhiên, vẻ mặt hưng phấn, tinh thần tươi trẻ và không còn chú ý đến tuổi tác của bản thân.
Bạn có thể lựa chọn lối sống mà mình thích và tận hưởng sự bận rộn theo cách của riêng mình. Như vậy, bạn sẽ sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Theo Vision Times