Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Hai 2023

Bí mật đằng sau ngôi nhà được đền bù 1 tỷ NDT vẫn không chịu di dời

24/08/23, 07:30 Văn hóa truyền thống
Bí mật đằng sau ngôi nhà được đền bù 1 tỷ NDT vẫn không chịu di dời

Một ngôi nhà ở Trịnh Châu, Trung Quốc dù được chủ thầu công trình phát triển đô thị trả gần 1 tỷ NDT (hơn 3.400 tỷ đồng) nhưng chủ nhân vẫn không chịu dỡ bỏ. Điều đó dấy lên tin đồn, khu đất của ông chứa kho báu còn giá trị hơn cả thế.

Ngôi làng được quy hoạch thành khu đô thị mới và cụ già “ngang ngạnh”

Vào năm 2007, do nhu cầu phát triển đô thị ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, làng Đông Sử Mã cũng được ghi vào danh sách được quy hoạch và sẽ sớm được phá bỏ để tái thiết. Người dân địa phương đều rất vui mừng trước thông tin này. Bởi không chỉ được chuyển đến ở tại những ngôi nhà khang trang hơn mà họ còn nhận được một khoản tiền đền bù thỏa đáng.

Nhưng trường hợp ông cụ Nhậm Kim Lãnh, 60 tuổi là một ngoại lệ. Khi chủ đầu tư lần đầu tiên đến làng để thương lượng việc phá dỡ, chỉ mình ông không đồng ý. Ban đầu, người ta không mấy để ý đến việc này, bởi họ nghĩ rằng ông cụ không đồng ý hẳn là do số tiền đền bù chưa làm ông thoả mãn. Cho nên, chủ thầu cử người đến nhà cụ để tiếp tục thương lượng.

“Không phải tôi đã nói với cậu rồi sao? Tôi sẽ không cho cậu phá ngôi nhà này cho dù cậu có trả bao nhiêu tiền đi nữa!”, ông Nhậm đóng cửa lại, ra hiệu tiễn khách.

Bí mật đằng sau ngôi nhà được đền bù 1 tỷ NDT vẫn không chịu di dời
Ông Nhậm Kim Lãnh ngồi trước cổng ngôi nhà của mình (ảnh: Cafef)

Cứ như vậy trong một thời gian dài, chủ thầu xây dựng phải đến nhà cụ làm công tác tư tưởng rất nhiều lần. Đến khi tất cả những căn nhà khác đều đã ký thỏa thuận và chuyển đi, chỉ còn duy nhất căn nhà của ông Nhậm là hộ cuối cùng ở ngôi làng này. 

Mức tiền đền bù cao ngất ngưởng

Lúc này chủ đầu tư chỉ còn cách tăng giá đền bù, từ 5 triệu NTD lên 30 triệu NDT, 100 triệu NDT, thậm chí con số đã lên đến 1 tỷ NDT nhưng vẫn không lay động được quyết định của ông cụ.

Nhiều người trong thôn cũng đến thuyết phục ông Nhậm. Họ nói với ông cụ rằng: đó là một khoản tiền lớn, đủ cho gia đình ông sống sung túc lâu dài, không nên tham lam đòi hỏi số tiền bồi thường lớn hơn nữa.

Tất nhiên ông cụ vẫn trước sau như một.

Bí mật đằng sau ngôi nhà được đền bù 1 tỷ NDT vẫn không chịu di dời
Căn nhà lọt thỏm giữa khu đô thị mới xây (Ảnh: QQ)

Trên thực tế, nhà của ông Nhậm tọa lạc trên khu đất có vị trí rất đẹp: mặt tiền, giao thông bốn phía thuận lợi, ở trung tâm khu thương mại thịnh vượng. Nhà đầu tư nào cũng nuôi hy vọng nhận được sự đồng ý chuyển nhượng từ cụ.

Tuy nhiên 1 tỷ NDT để đổi lấy 3 mẫu đất mà ông cụ còn chưa ưng thuận thì quả thật quá đáng. Phản ứng ngày một kịch liệt của ông lão dấy lên nhiều sự tò mò. Người ta nghi ngờ rằng, phải chăng khu nhà cụ đang ở có chôn kho báu và giá trị của nó còn lớn gấp bội số tiền đền bù.

Thời gian trôi đi, những ngôi nhà hàng xóm đã tháo dỡ và dần hoàn thiện thành những cao ốc. Ngôi nhà cổ của ông cụ bị phủ kín bởi bụi và tiếng ồn thi công. Đừng nói đến nghỉ ngơi, ở lại đây thì ngay cả hít thở không khí trong lành cũng chẳng còn có.

nhà cổ tứ hợp viện
(ảnh: kênh 14)

Bất chấp mọi sự thuyết phục, mọi khó khăn sinh hoạt, ông vẫn cụ cương quyết sống trong căn nhà cũ rích của mình.

Từ trên cao nhìn xuống, hay từ tứ phía nhìn về, ngôi nhà của cụ đã phá vỡ một toàn cảnh vốn rất quy mô, hiện đại. Người ta cũng nhức đầu thay cho chủ thầu xây dựng.

Về phía cụ Nhậm Kim Lãnh, cụ thường giữ im lặng, nhìn bề ngoài có vẻ cụ bất cần, nhưng thực ra sâu trong tâm quả thực cụ cũng lo lắng. Cụ cũng đã xem tin tức trên TV nên cũng biết một số hộ gia đình vì không đồng ý với mức tiền đền bù đã bị cưỡng chế di dời. Sau một thời gian đắn đo, cụ quyết định nói ra sự thật. Nguyên nhân đằng sau sự “ương ngạnh” của cụ cuối cùng cũng được hé lộ. 

Bí mật của ngôi nhà

Sau chuỗi ngày dài suy nghĩ, ông cụ đã lên tiếng: “Tôi không phải là người tham lam, cũng không phải không nỡ rời khỏi ngôi nhà cũ của mình. Ngôi nhà này chính là một di tích văn hóa cấp quốc gia mang tính lịch sử, không thể phá huỷ. Ngay cả khi chủ đầu tư có được ngôi nhà này, họ cũng không được phép tháo dỡ nó”. 

Bí mật đằng sau ngôi nhà được đền bù 1 tỷ NDT vẫn không chịu di dời
Kết cấu mái nhà phức tạp với ngói và gỗ ghép mộng âm – dương (ảnh: Cafef)

Chủ đầu tư choáng váng khi biết được thông tin này. Ông báo cáo với chính quyền địa phương và đích thân mời các nhà chuyên môn đến tận ngôi nhà thẩm định. Từ đây người ta đã hiểu được lý do vì sao ông cụ nhất định không di dời.

Ngôi nhà có từ thời Hoàng đế Càn Long

Theo đề nghị, cơ quan quản lý di tích văn hoá thành phố Trịnh Châu mang theo một số chuyên gia đầu ngành đến nhà ông Nhậm Kim Lãnh để khảo sát. Nhóm chuyên gia vừa bước đến cửa, họ đã bị thu hút bởi tấm bảng gỗ đề 4 chữ: “Phụ Dực Quốc Chính” (tức là giúp đỡ việc quốc gia đại sự, tước hiệu thường chỉ được hoàng đế ban cho người có công với nước). 

Các chuyên gia nhìn nhau, địa vị của chủ nhân trong căn nhà không phải tầm thường. Đây là phủ của một vị quan có công lớn trong Hoàng triều. Khám phá đầu tiên này đã khiến các nhà nghiên cứu phấn khích. Và một câu hỏi được đặt ra: nguồn gốc của ngôi làng cổ này là gì và làm cách nào họ sở hữu được ngôi nhà cổ này?

Vua quan triều đại nhà Thanh
Hoàng đế Càn Long và quần thần (ảnh: Hinhanhlichsu)

Khi được hỏi, ông Nhậm lấy gia phả của nhà mình ra giải thích. Thì ra, ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1755 thời Hoàng đế Càn Long, chủ nhân ban đầu là Nhậm Quân Tuyển, một vị quan lớn trong triều đình Mãn Thanh. 

Tấm bảng trước cổng được đích thân Hoàng đế Đạo Quang ban tặng cho cụ Nhậm Đức Hinh, quan Bố Chính Sứ, cấp bậc Nhị phẩm. Truyền thừa con cháu đời sau đều làm quan lớn.

Gia trang của họ ban đầu rất đồ sộ và bề thế với diện tích hơn 30 mẫu, gồm 38 khu nhà có kết cấu tương tự. Vào cuối triều đại nhà Thanh, quân đế quốc xâm lược, các cuộc khởi nghĩa nổi lên, cuộc sống người dân lầm than, thiên hạ đại loạn. 

Cấu tạo những ngôi nhà “tứ hợp viện” truyền thống Trung Hoa (ảnh: angcovat)

Ông nội của ông Nhậm Kim Lãnh đã đứng ra chia đất của mình cho người dân nghèo xung quanh. Họ chỉ giữ lại duy nhất ngôi nhà này với diện tích 3 mẫu đủ cho người nhà tá túc. Ông nội của ông cũng dặn con cháu rằng, các thế hệ sau bằng giá nào cũng phải giữ lại ngôi nhà cổ này. Năm 2007, cha của ông qua đời, ông đã thề rằng dù có chuyện gì xảy ra cũng không để căn nhà này bị huỷ hoại. 

Nhưng chỉ 1 năm sau, tin tức về khu quy hoạch được đưa ra, các con của ông đã mua một ngôi nhà mới trên thành phố, họ muốn đón ông lên chung sống, nhưng vì nhớ lời cha dặn, ông không thể rời đi. 

Vậy là không nghi ngờ gì nữa, ông cụ chỉ là đang nỗ lực thực hiện di nguyện của tiên tổ.

Sau khi khảo sát một vòng ngôi nhà, các nhà sử học còn phát hiện ra tấm ván gỗ ghi “ân sủng muôn đời của Hoàng đế”. Thật may mắn khi ông cụ đã giữ lại ngôi nhà này bằng mọi giá. 

nhà cổ tứ hợp viện
Cụ Nhậm rất trân quý nâng niu đồ vật trong ngôi nhà của mình (ảnh: Cafef)

Các chuyên gia xúc động, họ nắm lấy bàn tay ông: “Thưa cụ! Ngôi nhà tứ hợp viện này có niên đại hơn 200 năm, chỉ với điều kiện này thì không ai được phép tháo dỡ nó cả”.

Có thể nhận thấy, ngôi nhà được xây bằng gạch xám thời nhà Thanh; mái nhà được cất hoàn toàn bằng gỗ theo lối ghép mộng âm- dương. Hoa văn được chạm trổ vô cùng cầu kỳ, tinh mỹ. Xung quanh ngôi nhà được trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật cổ đại nổi tiếng như tiên hạc vân hải, song lộc thực thảo, kỳ lân tống tử… chúng được lưu giữ gần như nguyên vẹn.

Cổ vật từ triều Mãn Thanh
Cổ vật từ triều đại nhà Thanh (ảnh tổng hợp trên Internet)

Xung quanh ngôi nhà, đâu đâu cũng là những di vật thiêng liêng (vật dụng thủ công, bình hoa, đĩa gốm sứ Thanh Hoa, bộ ấm chén bằng đồng đỏ, quan phục triều Thanh, nghiên mực, bàn ghế cổ,…) được bảo tồn, mang dấu ấn một thời hoàng kim, thịnh vượng của gia tộc. Dù mọi thứ đã cũ nhưng nhiêu đó cũng đủ khiến các nhà khảo cổ choáng ngợp.

Trước khi rời đi, các chuyên gia liên tục nhắc nhở nhà đầu tư: “Ngôi nhà cũ này tuyệt đối không thể bị phá bỏ”.

cổ vật truyền thừa từ thời nhà Thanh
(ảnh: tổng hơp trên Cafef/Kênh14)

Trải qua những biến cố lịch sử thăng trầm, ngôi nhà này đến bộ bàn ghế cũng được bài trí như hồi thế kỷ thứ XVI thì làm sao nó có thể bị phá bỏ chỉ vì lý do tiền bạc?

Hơn nữa, nền văn minh 5.000 năm của Trung Hoa, trải qua mỗi thời kỳ, mỗi triều đại đều mang những giá trị văn hóa thường thức vô cùng quan trọng. Việc những di tích cổ bị phá bỏ đồng nghĩa với việc lịch sử huy hoàng của một gia tộc, một triều đại sẽ biến mất.  

Vì vậy, sau những đánh giá và nhận định của các chuyên gia, người ta kết luận gia trang của gia đình họ Nhậm thực sự là một di tích lịch sử vô giá không thể phá bỏ. 

Ngôi nhà ở hiện tại 

Năm 2017, ngôi nhà cổ của ông Nhậm được các nhà khảo cổ và sử học giúp đỡ đệ đơn chuyển thành “Bảo tàng tư nhân Thiên Tường”. Ông và vợ của ông trở thành “hướng dẫn viên” cho bảo tàng nhỏ này. Và bảo tàng mở cửa hoàn toàn miễn phí cho công chúng tham quan. 

Mặc dù trở thành bảo tàng song gia tộc họ Nhậm vẫn sinh sống ở trong ngôi nhà này. Du khách sẽ không được phép đi vào khu vực sinh hoạt chung của gia đình.

Đồ gốm xứ cổ truyền thừa qua các triều đại (ảnh: Cafef)

Người ta nói rằng, nếu được vào ngôi nhà này, được tận mắt quan sát những di sản văn hoá cổ xưa truyền thừa, các  bạn sẽ hiểu được tại sao ông Nhậm lại kiên trì giữ gìn nó như vậy.

Đây không chỉ là một ngôi nhà, nó là biểu hiện sống động, chân thực nền văn hoá truyền thống Trung Hoa với những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ và kỹ thuật cao. Là dấu ấn khẳng định sự phát triển huy hoàng, rực rỡ của các triều đại quân chủ chuyên chế một thời và giá trị đó không thể quy đổi bằng tiền.

Theo Cafef

x