Buông bỏ không phải là mất mát là lại là đắc được; buông bỏ không phải là hèn kém mà lại là mạnh mẽ; buông bỏ là một cảnh giới thâm sâu của đời người.

“Người không vì mình trời tru đất diệt” có đúng không?

Ngày nay người ta hay nói “người không vì mình trời tru đất diệt” để bao biện cho sự ích kỷ của bản thân. Nhưng nguyên gốc câu này ở trong Kinh Phật lại không phải có nghĩa như vậy.

Nó là từ một câu ở trong “Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh”: “Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh đích nghĩa; nhân bất vi kỷ, thiên tru đích diệt”. Nghĩa là: “Đời người cần phải sửa mình, đó là Đạo lý của Trời Đất. Người không sửa mình thì Trời không dung đất không tha”. Không biết bằng cách nào mà người ta lại biến ‘sửa mình’ thành ‘vì mình’. 

Vì mình! Cho mình! Của mình! Chính là những ‘đạo lý’ mà con người thời nay vẫn luôn tâm niệm và giáo dục những lớp thế hệ tiếp nối. Những đứa trẻ được dạy phải biết giữ đồ “của mình” khi mà bậc phụ huynh thường viết tên của chúng vào những vật dụng trong nhà trẻ. những thanh niên được bảo là phải biết sống “vì mình” nên chúng luôn tranh thủ giành lấy mọi cơ hội trong học tập và công việc. 

Nắm giữ lại chính là mất đi

Dần dà, con người hình thành một thói quen rất kỳ lạ, đó là thích nắm chặt mọi thứ trong tay: từ tiền bạc, danh vọng cho đến quyền lực. Khi bạn cho một đứa trẻ viên kẹo, nó sẽ nắm chặt viên kẹo trong tay và vòi thêm 1 viên kẹo nữa còn ở trong túi của bạn. Khi bạn đạt được một phần thưởng danh dự trong công việc; đồng nghĩa với việc bạn cần phải đạt thêm nhiều giải thưởng hơn nữa. Khi bạn đã ngồi vào chiếc ghế phó phòng; tất nhiên bạn sẽ nghĩ đến cái ngày mình ngồi vào ghế trưởng phòng. Ai cũng hướng lên cao! Đó là ‘đạo lý’ rồi mà!

cảnh giới; buông bỏ chấp niệm; buông bỏ phiền não
Càng nắm giữ nhiều tâm càng mệt mỏi, buông bỏ cũng là một cảnh giới (ảnh Adobe Stock)

Thế nhưng trong cuộc sống, đôi khi buông bỏ mới lại là thành công. Có một câu chuyện cổ trong Phật giáo như sau: Có một người kia bị trượt chân ngã xuống vách núi; anh ta may mắn bám vào được một cành cây chìa ra khỏi sườn núi; nhưng không có cách nào có thể trèo lên được nữa. Trong lúc mệt mỏi và tuyệt vọng, anh ta cầu xin Đức Phật cứu giúp mình.

Đức Phật xuất hiện với ánh vàng kim rực rỡ, anh ta vui mừng quá đỗi và nói: “Đức Phật xin ngài hãy cứu con!”. Đức Phật điềm nhiên nói với anh ta: “Con hãy buông tay khỏi cành cây đó đi, rồi ta sẽ cứu con”.

Buông bỏ cũng là một cảnh giới

Anh này nghe vậy mới nghĩ: “Mình đang chơi vơi giữa vách núi thế này; buông tay ra thì chẳng phải là chết hay sao?” Anh liền nói với Đức Phật: “Con không dám buông, con sợ bị té xuống dưới tan xương nát thịt. Xin Ngài hãy cứu con!”. Đức Phật không nói gì mà từ từ biến mất trong không trung.

Ở đây có thể thấy ngộ tính của anh này quá thấp. Anh ta chỉ tin vào những gì mình có thể nắm giữ chứ không có niềm tin vào Đức Phật; như vậy thì Phật cũng không thể cứu anh ta được.

Con người trong xã hội chẳng phải cũng như thế sao? Cố gắng nắm giữ thật nhiều, nhưng đâu có biết đó là đang tự hủy hoại chính mình. Chẳng ai phát hiện ra rằng nắm chặt sẽ không thể khiến bạn thoải mái như khi buông bỏ. Buông bỏ chính là một cảnh giới khó khăn. 

Xem nhẹ danh lợi mới có thể nâng cao cảnh giới bản thân

buông bỏ cho nhẹ lòng; buông bỏ trong đạo Phật; buông bỏ quá khứ
Thuận theo tự nhiên, an nhiên tự tại (ảnh Adobe Stock)

Bạn cho rằng tôi đùa, nhưng thực tế chính là như thế! So với nắm giữ thì buông bỏ càng khó hơn ngàn lần; vì để buông bỏ bạn phải xem nhẹ tất cả mọi thứ từ tiền tài, danh vọng cho đến quyền lực. 

Để buông bỏ bạn phải có đủ sức mạnh của cái tâm trong sáng; con đường bạn đi phải thật chân chính. Trước mắt là những cơ hội đầy cám dỗ, sự thoải mái của cuộc sống kim tiền, quyền lực của chức vụ luôn có một sức mạnh vô hình khiến bạn khao khát. 

Miệng bạn nói “không cần” nhưng tâm bạn chưa phút nào không nghĩ về nó. Những móng vuốt sắc nhọn bấu lấy bạn, khiến bạn chật vật, vất vả ngược xuôi. Cơ thể bạn giống như một cái túi khí, nếu bạn cứ không ngừng bơm đầy bơm đầy thì một ngày nào đó nó sẽ nổ tung; tham vọng chính là thứ khí nặng nề ấy. 

Tôi hỏi bạn! Khi đua chen, tranh giành không còn khiến bạn mệt mỏi; tiền bạc không còn là ông chủ trong cuộc đời bạn. Vậy còn sức mạnh nào có thể khống chế bạn nữa? Cuộc sống như thế chẳng phải chính là miền tịnh thổ hay sao?

Buông bỏ để tìm về chân ngã

chân ngã là gì; Buông bỏ cũng là một cảnh giới; bụi trần phiêu phiêu
Phủi sạch phong trần, như hoa như ngọc (ảnh Adobe Stock)

Nói thì dễ nhưng làm là cả một quá trình nắm – buông đầy cam go. Nhưng tâm con người cũng rất kỳ diệu, khi ta hiểu thấu đạo lý của đất trời thì ta liền biết mình cần phải buông bỏ những gì. 

Ngay lập tức buông bỏ tất cả là điều không thể; nhưng chỉ cần ta tập quen dần với sự mất mát, dùng chính thiện tâm, chính niệm để nhìn nhận vấn đề thì chắc chắn mọi khống chế sẽ ngày càng nhẹ đi; rồi bỗng một ngày nó chợt trở thành hư không. 

Cơ thể con người, qua một thời gian ngụp lặn, dần đen bẩn và nặng nề; thế rồi sự buông bỏ như những giọt nước mát ngọt dần gột rửa sự xấu xa đen tối. Trả lại cho bản thể chúng ta một cơ thể thanh khiết và trong sạch. 

Buông bỏ là cách duy nhất để con người trở về với chân ngã; trở lại với đúng nơi mà đấng khai sáng đã tạo ra!