Cân bằng là chìa khóa của việc giữ gìn sức khỏe
Sức khỏe được hiểu là trạng thái cân bằng cả về thể chất và tinh thần chứ không phải không có bệnh tật, hoặc không bị chấn thương.
Trong cuộc sống của chúng ta cần có sự cân bằng. Trong Trung Y cho rằng, âm dương cân bằng là trạng thái sức khỏe tốt nhất. Nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh cần phải duy trì thói quen sống tốt để ngăn ngừa các bệnh tật. Trong “Hoàng Đế nội kinh” đã đề cập đến các nguyên tắc cần tuân thủ trong việc giữ gìn sức khỏe: Chế độ ăn uống điều độ, sinh hoạt điều độ và lao động điều độ, từ đó đạt được chế độ ăn uống cân bằng, cân bằng động và tĩnh, cân bằng tâm thái.
Chế độ ăn uống cân bằng
“Chế độ ăn uống điều độ” có hai nghĩa, một nghĩa là tránh ăn uống quá độ và nghĩa còn lại là chế độ ăn uống cân bằng. Khổng Tử chủ trương không ăn quá no, chỉ cần “ăn no đến 7 phần” để dạ dày làm việc vừa phải thì sẽ có sức khỏe tốt. Một chế độ ăn uống cân bằng chủ yếu bao gồm các loại thực phẩm cân đối, 1 ngày ăn 3 bữa cân đối và duy trì cân nặng cân đối.
Trong Trung Y cho rằng “ngũ cốc là dưỡng, ngũ quả là trợ, ngũ súc là lợi, ngũ rau là bổ”. Bạn cũng đừng quá kén ăn, cái gì cũng có thể ăn được, kết hợp giữa thịt với rau và nên chú trọng rau. Bệnh nhân cao huyết áp, mỡ máu cao, đường huyết cao chủ yếu nên ăn ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm giàu protein như các sản phẩm từ đậu nành nên ăn thường xuyên.
Chúng ta đều biết rằng nên ăn 1 ngày 3 bữa một cách cân bằng, nhưng để đạt được điều đó không phải là điều dễ dàng. Một số bạn trẻ thường xuyên bỏ bữa sáng sẽ gây hại cho sức khỏe. Phương pháp chủ yếu để duy trì cân nặng cân đối là điều chỉnh chế độ ăn uống.
Những người đang thừa cân, đặc biệt là tích mỡ bụng nên giảm lượng calo hấp thụ một cách hợp lý, chủ yếu hạn chế đường và chất béo, phải đảm bảo cung cấp đủ lượng protein, vitamin và các nguyên tố vi lượng. Những người hơi gầy nên cung cấp thêm lượng calo một cách thích hợp để duy trì cân nặng cân đối, giữ cho sự trao đổi chất của bạn cân bằng.
Cân bằng động và tĩnh
“Sinh hoạt có điều độ” tức là làm việc và nghỉ ngơi một cách lành mạnh, khoa học, đều đặn và có chừng mực. Những thói quen sinh hoạt không tốt như thức khuya, dậy muộn, nghỉ ngơi không đủ, làm việc quá sức sẽ dẫn đến mất cân bằng âm dương, dễ dẫn đến các loại bệnh tật.
Mọi người thường nói rằng “Sự sống là ở vận động”, và các cuộc thi như marathon và ba môn phối hợp (một loại hình thể thao mới kết hợp bơi lội, đạp xe và chạy) rất phổ biến trong giới trẻ. Dù là thể thao hay hoạt động trí óc đều phải chú ý đến sự cân bằng.
Ví dụ sau khi tập luyện bạn cần có đủ thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lực và duy trì sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa động và tĩnh. Nếu thiếu các hoạt động thể chất hoặc tinh thần trong thời gian dài chắc chắn sẽ gây ra sự suy giảm về thể chất hoặc tinh thần. Ngược lại, vận động quá mức hoặc thời gian nghỉ ngơi và phục hồi không đủ cũng sẽ đẩy nhanh sự lão hóa của cơ thể.
Tập luyện và tĩnh dưỡng không mâu thuẫn với nhau, mấu chốt là nắm vững mức độ, không quá nhiều cũng không quá ít, cần giữ cho chúng một mức độ cân bằng. Trong Trung Y cho rằng “nhìn lâu tổn thương huyết, nằm lâu tổn thương nguyên khí, ngồi lâu tổn thương thịt, đứng lâu tổn thương xương”, vì vậy bạn cần làm việc một cách điều độ. Thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán Hoa Đà chủ trương “thường ham muốn công việc ít”, như vậy sẽ làm việc không biết mệt mỏi, điều này rất đáng để phát huy.
Cân bằng tâm thái
Có một bí quyết trường thọ vô cùng đơn giản là giữ trạng thái vui vẻ. Tâm thái tốt là chìa khóa của trường thọ, những người thường xuyên tính toán chi li, mặt ủ mày chau dễ mắc các loại bệnh về cảm xúc. Ví như các bệnh khối u, huyết áp cao, tiểu đường cũng là “bệnh về cảm xúc” trong Trung Y. Nếu một người thường xuyên có tâm trạng không tốt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Vì vậy, duy trì một tâm thái tốt là bí quyết giữ sức khỏe tốt và sự trường thọ, trì hoãn tốc độ lão hóa.
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người cần phải cố gắng gấp bội để không thụt lùi. Do đó, chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nhân tố bên ngoài, tất yếu sẽ nóng nảy, căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc duy trì tâm trạng cân bằng, lạc quan là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Khi gặp một vấn đề, hãy nghĩ nhiều hơn về mặt tích cực của nó. Khi tiếp xúc với mọi người, hãy nghĩ nhiều hơn về những ưu điểm của họ. Tục ngữ có câu: “Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ.” Mọi chuyện cứ tùy kỳ tự nhiên, khi gặp chuyện không vừa ý thì ung dung bình tĩnh, khi gặp được việc đắc ý thì trầm tĩnh an nhiên, đây là liều thuốc tốt để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Theo Sound of hope