Trên chuyến xe đường đời, liệu sự kiên nhẫn có phải là tấm vé một chiều đến Hành tinh thất bại? Rất may, câu trả lời là “Không”.

Câu khẩu hiệu: “Sự kiên nhẫn dành cho những người thua cuộc”

Một ngày nọ, tôi đang xếp hàng chờ lên xe buýt ở London thì một cuộc chen lấn xảy ra. Một người phụ nữ đang cố gắng vượt lên phía trước, đẩy hai người lùi lại.

Ở Anh, chen chỗ xếp hàng là một tội ác ngang với xì hơi trong thang máy. Mặc dù vậy, khi ai đó bảo người phụ nữ chờ đến lượt, cô ấy đã phản pháo lại rằng: “Sự kiên nhẫn dành cho những người thua cuộc”.

Câu nói của cô ám ảnh tâm trí tôi; bởi vì nó thô lỗ chói tai và còn xuất hiện ở nhiều nơi khác. Bạn tưởng tượng được không, câu này được xem là khẩu hiệu, được ghim vào tường tại một công ty khởi nghiệp công nghệ. Thậm chí một chuyên gia năng suất đã từng nói ra câu ấy.

Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Trên chuyến xe đường đời, liệu sự kiên nhẫn có phải là tấm vé một chiều đến Hành tinh thất bại? Rất may, câu trả lời là “Không”.

Sự kiên nhẫn tốt cho bản thân

Mọi người đều thấy rằng người kiên nhẫn dễ gần hơn người thiếu kiên nhẫn. Ngoài ra, sự kiên nhẫn còn có nhiều lợi ích khác; từ việc tăng cường sức khỏe cho đến đạt thành tích để tạo nên một xã hội mạnh mẽ hơn.

Kiên nhẫn (hay nhẫn nại) là trạng thái của sự chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn,
Mọi bất hạnh đều bị khuất phục bởi sự kiên nhẫn (ảnh minh họa: Pixabay)

Ý tưởng cho rằng kiên nhẫn là một “siêu năng lực” không phải là mới. Từ lâu các triết gia đã khẳng định: nó giúp bạn đối phó với những khó chịu nhỏ nhặt trong cuộc sống; đồng thời xây dựng nhân cách đạo đức.

Người xưa ca ngợi tính kiên nhẫn

Nhà thơ La Mã Virgil cho rằng “mọi bất hạnh đều bị khuất phục bởi sự kiên nhẫn”. Bốn thế kỷ sau, Thánh Augustinô coi sự kiên nhẫn là “người bạn đồng hành của trí tuệ”.

Các tôn giáo dạy kiên nhẫn là một đức tính tốt. Kinh Cựu Ước nói rằng, “Một người kiên nhẫn tốt hơn một chiến binh; một người biết kiềm chế tính khí của mình tốt hơn là một người đi xâm chiếm”. Kinh Qur’an cảnh báo rằng “Chỉ những người kiên nhẫn mới nhận được đầy đủ phần thưởng của họ.”

Khoa học hiện đại chứng minh kiên nhẫn là tốt

Khoa học hiện đại đang minh chứng cho trí tuệ của người xưa. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những người kiên nhẫn có xu hướng biết ơn những gì họ có, họ hài lòng với cuộc sống và lạc quan hơn.

Họ cũng ít có nguy cơ bị trầm cảm. Họ không bị đè nặng bởi những cảm xúc tiêu cực. Tại sao? Có lẽ vì họ bình tĩnh khi gặp phải những chông gai trong cuộc sống hàng ngày như tắc đường, va chạm…

Sự kiên nhẫn cũng có thể được ví như một loại “dầu bôi trơn” cho cơ thể. Khi bạn gặp những chuyện khó chịu; cơ thể sẽ giải phóng các hormone căng thẳng, có thể dẫn đến bệnh tim. Điều đáng ngạc nhiên là những người kiên nhẫn có xu hướng ngủ ngon hơn và ít bị loét, đau đầu và các bệnh khác.

Điều gì tạo nên sự Kiên Nhẫn của mỗi người? — Kiên nhẫn, tính kiên nhẫn hay sự nhẫn nại, là một khái niệm dùng để chỉ một trạng thái của một người,
Chỉ những người kiên nhẫn mới nhận được đầy đủ phần thưởng của họ (ảnh minh họa: Pixabay).

Sự kiên nhẫn cũng có thể giúp bạn hoàn thành công việc. Một số nghiên cứu cho biết rằng những người kiên nhẫn phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu của họ. Michelangelo đã dồn 18 năm cuối đời để xây dựng Vương cung thánh đường St.Peter vinh quang ở Rome. Dù biết rằng mình sẽ chết trước khi kết thúc, ông cũng không vội vàng mà phá vỡ mọi thứ. Khẩu hiện của Michelangelo là: “Thiên tài có được nhờ sự kiên nhẫn vĩnh cửu.”

Một nghiên cứu trên Tạp chí Kinh doanh Harvard kết luận rằng những công ty thực hiện được tính kiên nhẫn có kết quả công việc tốt hơn những công ty không làm được điều này.

Kiên nhẫn cũng giúp ích cho người khác

Sự kiên nhẫn không chỉ có lợi cho bản thân mà cũng giúp ích cho những người khác. Sự kiên nhẫn cho phép chúng ta làm những việc tốt mà không đòi hỏi phần thưởng tức thì. 

Nghiên cứu cho thấy những người kiên nhẫn thường công bằng hơn; dễ tha thứ hơn; đồng cảm hơn; hợp tác hơn. Sự kiên nhẫn khiến một người trở thành người bạn, hàng xóm, đồng nghiệp, sếp, đối tác, cha mẹ tốt hơn. Thông thường mọi người tin tưởng những người kiên nhẫn.

Lòng kiên nhẫn được hiểu là sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, không bị khuất phục trước khó khăn, dù thế nào vẫn cố gắng vượt qua thử thách.
Sự kiên nhẫn không chỉ có lợi cho bản thân mà cũng giúp ích cho những người khác (ảnh minh họa: Pixabay).

Một số người không được trời phú cho sự kiên nhẫn bẩm sinh. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể học cách kiên nhẫn. Thay vì lo lắng khi nhìn thấy một dòng xe cộ đang di chuyển quá chậm, hãy coi những phút chờ đợi thêm đó như một cơ hội để đọc một chút hoặc quan sát mọi người.

Thực hành chánh niệm cũng có thể hữu ích. Khi sự thất vọng đột ngột tăng vọt, hãy hít thở sâu và chú ý đến cảm xúc của bạn. Hoặc nhẹ nhàng chuyển sự chú ý sang mùi vị hay âm thanh mà không liên quan đến nguồn gốc của sự khó chịu đó.

Học cách kiên nhẫn từ việc nhỏ

Khi học cách kiên nhẫn, bạn nên bắt đầu từ việc nhỏ. Đầu tiên, thực hiện các hành động kiên nhẫn ngẫu nhiên trong các tình huống nhỏ nhặt. Chẳng hạn như để ai đó hòa vào dòng xe cộ hoặc đi trước bạn trong cửa hàng thanh toán.

Một khi bạn có thể kiên nhẫn với những chuyện nhỏ, hãy thực hành những ‘sự vụ” lớn hơn. Chẳng hạn như một đứa trẻ ương ngạnh hoặc một đồng nghiệp bướng bỉnh. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn trong hành trình thực hành kiên nhẫn của mình; hãy nhắc mình rằng việc nổi cơn tam bành hiếm khi kết thúc tốt đẹp.

Mười phút sau khi nói với chúng tôi rằng tất cả chúng tôi đều thua cuộc vì kiên nhẫn, người phụ nữ đã nhảy xuống xe buýt đó ở London – chỉ để nhận ra rằng cô ấy đã đến nhầm bến. Sau đó cô ấy đập cửa, yêu cầu được lên xe lại. Người lái xe liếc nhìn cô, mỉm cười rồi lái xe đi.

Vội vàng có thể giúp chúng ta dẫn trước, nhưng cuộc sống không phải là một cuộc đua giành chiến thắng bằng tốc độ.

Sự kiên nhẫn như một ngọn đèn trong tâm giúp ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên vị tha, chu đáo hơn.

Nguồn: The Epoch Times