Trong xã hội cạnh tranh ngày nay, nhiều người cho rằng chiếm được lợi thì mới tốt, còn người chịu thiệt là kẻ hèn yếu, là người xuẩn ngốc. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rằng Phật đã giảng “chịu thiệt lại chính là phúc”.

Trong cuộc sống, rất nhiều khi gặp phải những điều không ưng ý; đối diện trước những nghịch cảnh, tận mắt thấy sự thay đổi của lòng người. Có nhiều khi không kiềm chế được cảm xúc, nước mắt vòng quanh. Đôi khi còn cảm thấy oán hận trong lòng.

Nếu có thể bình tâm lại và lắng nghe những gì Phật giảng, rằng “chịu thiệt là phúc”; rằng: “Họa phúc không tự nhiên đến. Việc thiện hay việc ác đều có quả báo như hình với bóng”.

Câu chuyện ông chủ cửa hàng gạo và chiếc cân

Có một câu chuyện cổ kể rằng: Loại cân mà người xưa sử dụng là 1 cân bằng 16 lạng. Do đó mới có câu ví “tám lạng nửa cân”. Trong một thị trấn có hai cửa hàng bán gạo là Vĩnh Xương và Phong Dụ. Vị chưởng quầy cửa hàng Phong Dụ vì thấy chiến tranh loạn lạc khó làm ăn, nên muốn tìm cách để kiếm được nhiều tiền hơn.

Ngày nọ, ông cho mời người làm cân tới nhà và nói với ông ta: “Xin ông hãy làm cho ta một cái cân, 1 cân được 15 lạng rưỡi. Ta sẽ biếu ông thêm một xâu tiền”.

Vì muốn có tiền, người thợ làm cân đồng ý làm. Sau đó, ông để người thợ làm cân lưu lại trong nhà để làm cân. Còn bản thân ông đi làm việc khác.

chiếc cân
Người thợ làm cân vì tiền nên đã đồng ý làm chiếc cân thiếu nửa lạng.(ảnh: vba.com)

Ông chưởng quầy có bốn người con trai. Cách đây hai tháng, người con trai út vừa lấy vợ. Vợ anh ta là con gái của một thầy dạy học.

Hôm đó, khi cô con dâu mới đang ở trong phòng may vá. Cô nghe thấy những lời bố chồng dặn dò người thợ làm cân. Khi cha rời đi, cô suy nghĩ hồi lâu rồi đi tới chỗ người thợ và nói: “Ông ơi, cha tôi có lẽ tuổi cao nên có chút hồ đồ, vừa nãy có lẽ đã nói nhầm.

“Xin ông hãy sửa cân thành một cân bằng mười sáu lạng rưỡi. Tôi sẽ biếu ông thêm hai xâu tiền. Tuy nhiên, xin ông đừng nói cho cha tôi biết”. Người thợ làm cân được nhiều tiền hơn nên đồng ý lời cô gái.

Chịu thiệt là tạo phúc báo

Một thời gian sau, quả nhiên tình hình kinh doanh của tiệm gạo Phong Dụ trở nên thịnh vượng. Những khách hàng cũ của cửa hàng gạo Vĩnh Xương, những người ở phố phía đông và phía tây của thị trấn bỏ gần tìm xa, cũng chuyển sang cửa hàng Phong Dụ.

Cuối năm đó, tiệm gạo Phong Dụ phát tài. Cửa hàng gạo kia không bán được hàng nên phải nhượng lại gạo.

Tối giao thừa, khi cả gia đình ông chủ cửa hàng Phong Dụ cùng ngồi ăn sủi cảo. Trong lúc cao hứng, ông chủ cửa hàng ra chủ đề đố bốn người con trai biết bí mật giúp gia đình ông phát tài. Có người nói là nhờ trời phật phù hộ. Có người nói do ông chủ quản lý giỏi, lại có người nói do vị trí tốt. Cũng có người cho rằng do cả gia đình đồng tâm hợp lực.

Ông chưởng quầy chỉ mỉm cười mà nói: “Các con nói đều sai. Chúng ta chính là dựa vào cái cân mà phát tài. Cân của chúng ta 1 cân bằng 15 lạng rưỡi. Mỗi khi bán được một cân gạo là ít hơn nửa lạng. Mỗi ngày bán ra mấy trăm, mấy nghìn cân sẽ kiếm được thêm mấy trăm mấy nghìn quan tiền. Lâu ngày tích lũy lại, nên chúng ta mới phát tài”.

Sự thật kinh ngạc về chiếc cân “chịu thiệt”

chịu thiệt
Nhờ chiếc cân “chịu thiệt” đi nửa lạng mà cửa hàng trở nên đông khách.(ảnh: NTD tổng hợp)

Ông chủ của hàng gạo kể lại câu chuyện phát tài của của hàng gạo thêm một lần nữa. Nhưng khi ông lão đang vô cùng vui mừng, đột nhiên cô con dâu mới đứng dậy, nói với ông: “Thưa cha, con có một việc muốn nói với cha. Trước khi nói, con xin cha đồng ý tha thứ cho lỗi lầm của con”.

Cô nói: “Cha nói rất đúng, chúng ta là dựa vào cái cân mà phát tài. Cái cân của chúng ta mỗi cân nhiều hơn nửa lạng. Khách hàng biết chúng ta làm ăn thật thà, ngay thẳng nên mới tới mua gạo. Từ đó cửa hàng mới phát tài. Chúng ta chính là dựa vào sự trung thực mà phát tài.”

Mọi người nghe xong lại được một phen kinh ngạc hơn. Người nào người đó ngẩn người không nói lên lời. Ông chủ cửa hàng gạo lại càng không tin, nên tự mình mang cân ra cân. Quả nhiên mỗi cân bằng mười sáu lạng rưỡi.

Ông chưởng quầy ngây người hồi lâu, rồi chầm chậm đi vào phòng ngủ không nói lời nào. Sáng hôm sau, ông cho gọi mọi người tới, lấy chìa khóa trong túi và nói: “Ta thực sự già rồi, không còn có ích. Tối qua ta đã suy xét cả đêm. Ta quyết định từ nay, trao lại vị trí chưởng quầy quản lý cho con dâu thứ tư. Sau này mọi người đều phải nghe cô ấy.”

Chịu thiệt là tạo phúc, là một loại mỹ đức

chịu thiệt đắc phúc báo
Chịu thiệt là một loại mỹ đức, một cách tạo phúc báo.(ảnh: dominoshop)

Trong quá khứ, những người già thường dạy: nhất thời chịu thiệt không sao cả bởi vì đó là điềm báo của phúc khí! Người có thể chịu thiệt nhất định là người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng. Do đó phúc phận sẽ không ở cách xa họ.

Câu chuyện này có ngụ ý sâu xa, cũng là chứng minh một sự thực bất biến “Thiện hữu thiện báo”. Mỗi người đều là cán cân, chỉ chênh lệch nửa lạng nhưng lòng người sáng tỏ rõ ràng như gương. Trong làm ăn, quan trọng nhất là thành thật.

Cổ ngữ có câu: “Họa phúc không tự nhiên đến, nó là do con người chiêu mời mà đến. Việc thiện hay việc ác đều có quả báo, như là hình với bóng vậy”. Người xưa tin rằng vì tài vật, lợi ích mà lừa gạt, hãm hại người khác thì chính là đánh mất đi “đức” “phúc báo” của mình.

Phật giáo giảng khi nghĩ được chịu thiệt là phúc thì tâm sẽ tịnh, cuộc đời sẽ an nhiên. Sống trên thế gian này, những chuyện thiệt thòi thường xảy đến với bất cứ ai. Và điều quan trọng là nó không ngẫu nhiên xảy ra.

Theo Secret China