Nhẫn nhịn và bao dung là cái gốc trong đối nhân xử thế; là cốt lõi trong hành trình tu dưỡng đạo đức của con người.

Nhẫn nhịn mang lại nhiều điều tốt lành

Phật dạy nhẫn nhịn cần thiết cho cuộc sống (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Người xưa nói ‘không nhẫn nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn‘. Ai làm nên việc lớn xưa nay đều có phẩm chất nhẫn nại. Bậc hiền nhân, minh triết thời xưa đều nhấn mạnh chữ ‘nhẫn’ trong đời sống. Những người tài đức đời sau cũng thường đặt chữ nhẫn lên hàng đầu trong triết lý sống của mình.

Trong đối nhân xử thế, nhẫn nhịn có thể hoá giải mâu thuẫn, xung đột. Nhưng nếu chỉ nhẫn trên bề mặt mà trong tâm còn uất hận, uỷ khuất thì vẫn chưa phải là cái nhẫn đích thực. Có thể làm được nhẫn chính là dựa vào tấm lòng bao dung, nhân ái vị tha. Người bao dung không so đo thiệt hơn, có thể đạt tới cảnh giới vô tư, vô ngã.

Trong nhân gian rất khó tìm được người mà trong thiên hạ không có kẻ thù; nhất là với những người giữ trọng trách lớn. Một người có phẩm chất cao thượng, không hẹp hòi mà luôn bao dung thì có thể đạt được sự nghiệp lẫy lừng. 

Phẩm chất nhẫn nhịn của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln

Có những câu chuyện người thật việc thật nhờ có sự nhẫn nhịn mà làm nên việc lớn. Ví dụ như câu chuyện về vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ – Abraham Lincoln.

Thời bấy giờ, xã hội Mỹ rất coi trọng yếu tố danh gia vọng tộc. Phần lớn Thượng nghị sĩ Mỹ xuất thân trong những gia đình quyền quý, thuộc giới thượng lưu. Còn Abraham Lincoln xuất thân trong một gia đình thợ giày. Họ thấy khó chấp nhận vị Tổng thống lại là con trai của một thợ giày tầm thường.

Một chuyện đã xảy ra trong lễ nhậm chức Tổng thống của Abraham Lincoln. Một nghị sĩ đã chen vào giữa bài diễn văn “Thưa ông Lincoln, đừng quên rằng cha ngài thường đóng giày cho gia đình tôi”. Các nghị sĩ cười ầm lên vì nghĩ rằng họ đã biến Lincoln thành trò hề.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln (ảnh: Gettyimages).

Thái độ nhẫn nhịn hoá giải xung đột

Tuy nhiên, khi tiếng cười vừa dứt, Tổng thống Lincoln không cao ngạo, cũng không tự ti mà chân thành nói “Thưa ngài, tôi biết rằng cha tôi đã đóng giày cho gia đình ngài, cũng như nhiều gia đình các nghị sĩ khác… bởi vì không người thợ nào có thể làm được như ông. Ông là một người sáng tạo. Giày của ông không chỉ là giày, ông đã đặt cả tâm hồn vào nó”.

Tôi muốn hỏi các ngài rằng, các ngài đã từng phàn nàn về giày của ông chưa? Bản thân tôi cũng biết cách đóng giày; nếu các ngài có phàn nàn gì, thì tôi có thể đóng cho các ngài một đôi giày khác. Nhưng theo tôi thấy thì chưa có ai phàn nàn về những đôi giày mà cha tôi đóng. Ông là một thiên tài, một nhà sáng tạo, và tôi tự hào vì cha tôi!

Cả khán phòng lúc đó trùm trong một không gian tĩnh lặng bất ngờ. Các nghị sĩ nhận ra họ chưa hiểu gì về vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Lincoln tự hào về người cha đóng giày, vì chưa ai từng phàn nàn về những “tác phẩm” của ông. Và mặc dù đã đắc cử Tổng thống, Lincoln vẫn sẵn sàng tự tay đóng một đôi giày.

Nhẫn nhịn thể hiện khả năng tĩnh lặng của mỗi người (Ảnh: Pixabay)

Nhẫn nhịn làm nên đức hạnh của con người

Người xưa quan niệm rằng tài phú, danh dự, địa vị… là những thứ bên ngoài, đức hạnh mới là căn bản, là cái gốc của một con người.

Đức dày có thể nâng đỡ vạn vật; nói cách khác, người có tài phú thường do đức dày. Tạo hóa ban cho một người hay một quốc gia bao nhiêu lợi ích là dựa vào việc họ có bao nhiêu đức hạnh. Một trong những nhân tố tạo nên sự đức hạnh cho con người, đó chính là lòng nhẫn nhịn, bao dung.