Người xưa muốn ly hôn phải đáp ứng được ‘7 rời bỏ’ và ‘3 không bỏ’
Trong nhiều bộ phim truyền hình cổ trang có thể thấy người chồng giận dữ mà viết một bức thư bỏ vợ, sau đó mang người vợ trả về nhà mẹ đẻ; các cuộc hôn nhân sẽ kết thúc theo cách này. Tuy nhiên, những người chồng thời xưa có quyền quyết định lớn như vậy sao? Trên thực tế, ly hôn thời xưa khác xa so với những gì chúng ta tưởng tượng.
- Hôn nhân hạnh phúc đến từ việc vợ chồng cùng ngủ chung giường
- Bí quyết hôn nhân hạnh phúc: Không đòi hỏi ‘luôn thấu hiểu’
Trong chế độ ly hôn thời Trung Quốc cổ đại, khi muốn ly hôn thì người chồng sẽ viết một lá thư bỏ vợ. Đối với loại ly hôn này thì nhà gái sẽ không có quyền nói bất cứ điều gì. Nhưng đàn ông muốn bỏ vợ cũng không phải đơn giản như vậy, chỉ khi có đủ 1 trong 7 điều kiện dưới đây thì đàn ông mới có lý do để bỏ vợ. Bảy điều kiện này còn được gọi là “7 rời bỏ”.
Nội dung chính
“7 rời bỏ”
1. Không hài lòng với cha mẹ
Trong các cuộc hôn nhân thời Trung Quốc cổ đại, nhiệm vụ hàng đầu của người phụ nữ khi làm vợ là phải sống hòa thuận với gia đình của người đàn ông và thuận theo họ. Nói cách khác, nếu cha mẹ của người đàn ông cho rằng con dâu không nghe lời, thì dù người chồng không muốn thì cuộc hôn nhân này cũng khó tránh khỏi tan vỡ.
2. Không có con cũng có thể ly hôn
Trong xã hội Trung Quốc xưa, “nối dõi tông đường” là một trong những mục đích chính của hôn nhân. Mặc dù y học hiện đại chứng minh rằng không có con sau khi kết hôn không nhất thiết là vấn đề của người vợ; nhưng vào thời xưa, việc không có con là do người vợ chưa làm tròn bổn phận. Theo ghi chép ở trong “Đường luật sơ nghị”, chỉ khi người vợ trên 50 tuổi mà chưa có con thì mới được cho là một nguyên nhân phù hợp để ly hôn.
3. Tà dâm
Vào thời xưa, bổn phận quan trọng nhất của phụ nữ là duy trì sự hòa thuận trong gia đình và sinh ra những đứa con thuần huyết; vì vậy, “tà dâm” là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
4. Ghen tuông
Nó xoay quanh hành vi của người phụ nữ trong hôn nhân. Các gia đình giàu có thời xưa thường nạp thêm thê thiếp; và người vợ thường không hài lòng với việc nạp thiếp của chồng. Trong mắt người xưa, sinh con là nối dõi tông đường; tính ghen tuông của người vợ là chướng ngại cho việc truyền thừa của gia tộc. Vì vậy ghen tuông đã trở thành một trong những nguyên nhân để ly hôn.
5. Nói nhiều cũng là nguyên nhân để ly hôn
Đây là nhằm vào lời nói và việc làm của người phụ nữ ở nhà chồng. Để giữ gìn trật tự gia đình và ngăn ngừa xung đột trong gia đình, người phụ nữ nên ít nói và không đàm luận thị phi. Phụ nữ nói nhiều được cho là tai họa của gia đình; vì vậy người chồng có thể coi đây là nguyên nhân để ly hôn.
6. Mắc bệnh hiểm nghèo
Vào thời xưa, bệnh hiểm nghèo thường chỉ có 2 loại bệnh: Một là bệnh nan y; hai là bệnh mà ngày nay mọi người hay gọi là bệnh truyền nhiễm. Cả hai loại bệnh này đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh sôi của gia tộc; điều này không thể được chấp nhận trong đạo lý của gia đình xưa.
7. Trộm cắp cũng là lý do để ly hôn
Trong các gia đình thời xưa, người vợ không có tài sản riêng; nếu người vợ tự tiện sử dụng tài sản trong nhà thì chính là ‘trộm cắp’; đây có thể là lý do cho người chồng ly hôn.
“3 không bỏ”
Nhưng chỉ cần thỏa mãn một trong ‘7 rời bỏ’ này thì người chồng nhất định có thể ly hôn sao? Không nhất định là như vậy. Người chồng muốn ly hôn thì còn một rào cản nữa phải vượt qua, đó chính là “3 không bỏ”. Chỉ cần người vợ phù hợp với 1 trong ‘3 không bỏ’ và không mắc tội ‘tà dâm’ hay bị bệnh hiểm nghèo thì người chồng không dễ dàng mà bỏ vợ.
Có thể gọi đây là “Luật bảo vệ quyền lợi của phụ nữ cổ đại”. “3 không bỏ” đó là: Người vợ để tang cha mẹ chồng 3 năm thì không được ly hôn; người chồng lấy vợ khi nghèo thì lúc giàu không được ly hôn; lúc lấy chồng thì còn có người nhà, nhưng hiện tại không còn nhà mẹ đẻ đề về nữa thì cũng không được ly hôn.
Từ ‘7 rời bỏ’ và ‘3 không bỏ’ có thể thấy rằng những quy tắc này về cơ bản đều là vì sự phát triển và ổn định của gia tộc; tình cảm cá nhân không được xem trọng. Vì vậy vào thời xưa, người chồng muốn ly dị người vợ chỉ vì không hòa hợp là không hề dễ dàng.
Theo Aboluowang