Bình an là hạnh phúc, là tài phú lớn nhất của đời người
Hạnh phúc không nằm ở những ước vọng xa xôi, nó nằm ngay ở tự tâm mỗi người. Tâm an thì cuộc sống ắt sẽ bình an, đó là hạnh phúc chân thực nhất.
Bình an là hạnh phúc, là điều quý giá nhất của nhân sinh
Có câu đối rằng: “Nhân hỉ phú quý tam xuân cảnh, ngã ái bình an lưỡng tự kim.”
Nghĩa là: “Người thích phú quý như mùa xuân, ta yêu hai chữ bình an như vàng.”
Phú quý được ví như cảnh đẹp ba tháng mùa xuân, kỳ thực công danh phú quý chỉ giống như một giấc mơ trên gối, tỉnh mộng rồi tất cả chỉ là hư không.
Giàu có thường đi cùng với thăng trầm, cũng chẳng có gì đáng ngưỡng vọng và theo đuổi. Hạnh phúc không phải dùng tiền bạc và địa vị để đo lường.
Bình an là “phú quý”. Người xưa có câu: “Bình an là lợi nhuận lớn nhất”. Nói cách khác, bình an chính là tài phú lớn nhất của nhân sinh. Cuộc đời chỉ khi bình an mới có thể có hạnh phúc, có bình an thì mới có hy vọng ở tương lai.
Bách tính thường dân “lấy đủ làm vui” để mà sống; bậc anh hùng hào kiệt chỉ mong “cởi giáp về vườn”; gã tiều phu trong núi chỉ mong “ba mươi mẫu ruộng một con trâu, có vợ có con ấm đầu giường”. Thế nhân thực ra cũng chỉ bởi tìm cầu hai chữ bình an.
Mạnh Tử nói: “Quân tử không đứng dưới tường hiểm”.
Làm người không nhất thiết cứ phải lao đầu vào chỗ nguy hiểm, giữ mình ở nơi an toàn để những người yêu thương bạn được an lòng. Người thương an lòng, thì lòng mình cũng được an.
Nhìn thấy gia đình hòa thuận, người nhà bình an, mới thực sự hiểu được hạnh phúc là gì.
Tâm an thì nơi đâu cũng là nhà
Chỉ khi tâm an thì mới thực sự có được bình an. Bạch Cư Dị từng nói: “Ta chẳng có quê hương, tâm an là chốn về”.
Hay cổ nhân cũng có câu: “Dẫu cùng trời cuối biển, tâm an tức là nhà”.
Bình yên là quê hương, là nơi trở về. Hãy giữ cho tâm mình được yên ả, thì không đâu không tự tại.
Tâm an rồi, dù ở nơi nhà tranh vách đất cũng cảm thấy an ổn vô cùng. Tâm an rồi, dẫu nhân sinh cực khổ đến mấy, cũng thấy thật nhẹ nhàng.
Nội tâm bất an, vừa không tự tại lại chẳng thể hạnh phúc. Vậy nên Đường Bá Hổ mới nói: “Tâm an là phúc”.
Cổ nhân nói: “Người lương thiện, ắt tâm định thân an”.
Người tốt thì cả đời bình an. Tâm an thì tất thoải mái, bình sinh không làm việc gì xấu, nửa đêm nghe tiếng gõ cửa cũng không sợ.
Trong tâm không vướng bụi, lòng tự an. Phiền não từ tâm mà sinh. Cùng là một chuyện, ít so đo thì ít ưu phiền, so đo nhiều thì ưu phiền lắm; cùng là một vấn đề, nhìn về phía ánh sáng thì nét mặt sẽ vui tươi, nhìn về nơi u ám thì ắt mang ưu sầu.
Niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, không nằm ở việc bạn gặp bao nhiêu chuyện, mà nằm ở chỗ bạn chất chứa bao nhiêu thứ trong lòng,
Xin chia sẻ một bài thơ của Thiệu Ung thời nhà Tống:
Tâm an ngâm
Tâm an thân tự an, thân an thất tự khoan.
Tâm dữ thân câu an, hà sự năng tương kiền.
Thùy vị nhất thân tiểu, tâm an nhược thái sơn.
Thùy vị nhất thất tiểu, khoan như thiên địa gian.
Dịch nghĩa:
Tâm an thì thân tự an, thân an nhà tự rộng.
Tâm và thân đều an, không có gì ưu phiền.
Ai nói thân bé nhỏ, tâm an tựa Thái Sơn.
Ai nói nhà chật chội, rộng lớn như trời đất.
Khi mắc kẹt trong cuộc sống khó khăn, chi bằng hãy hít một hơi thật sâu, thở ra những mây mù trong bụng, trở lại với trạng thái cân bằng. Có như vậy mới có thể tự tại, mới có thể bình an.
Theo Visiontimes