Tục ngữ có câu “hoạ từ miệng ra”, để nhắc nhở con người cần cẩn trọng trước ngôn từ, lời nói của mình. Ở đời này, nói thì dễ, học im lặng được mới khó. 

Đôi khi xảy ra mâu thuẫn, chúng ta đều rất khó chịu dẫn đến đôi co, hơn thua khẩu khí. Thật khó mà im lặng được. Nhưng tranh cãi với kẻ ít hiểu biết không khiến ta thông minh hơn, chỉ chứng minh rằng ta cũng “ngang tầm” với họ mà thôi. Người hiểu chuyện vốn không cần chứng minh!

“Sông sâu tĩnh lặng. Lúa chín cúi đầu”. Người càng xuất chúng, càng thông minh sẽ càng nói ít và tĩnh lặng. Sự im lặng không chỉ là tu khẩu, dưỡng “nhẫn” mà nó còn thể hiện chiều sâu của con người – sâu sắc về nội tâm, bản lĩnh.

Tôi cho rằng, người biết lúc nào cần im lặng không phải là họ yếu kém, ngu dốt. Bởi vì họ luôn biết rõ: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, xe bốn con ngựa cũng không đuổi theo kịp). Lời nói tựa như tên bắn vậy. Một khi đã bắn tên đi thì khó lòng vãn hồi. Hậu quả sẽ thật khôn lường nếu con người cứ lộng ngôn!

Nói thì dễ, im lặng mới khó
(ảnh minh họa Adobestock)

Trong đời sống, mọi người đều có nhu cầu được nói, chứ rất ít người muốn im lặng. Nhất là khi va chạm, mâu thuẫn. Người trong cuộc tranh cãi, người ngoài cuộc thì bàn luận. Thị phi đâu đâu cũng có. Lời nào cũng dám nói. Ngoài khen chê, phán xét nhau thì còn cả lời hằn học, chọc tức, mai mỉa, làm nhục nhau bằng ngôn từ. Bỗng chốc, lời nói như con dao sắc nhọn đâm thấu tim gan người nghe, đau đớn đến tận cùng. 

Vì thế hãy biết nói sao cho đủ, cho đúng và biết khi nào nên giữ im lặng. Nó là cả một quá trình rèn giũa mới làm được. Như vậy, học được cách im lặng cũng là tự tu dưỡng bản thân. 

Nói năng đúng lúc, im lặng đúng chỗ thể hiện vẻ đẹp của sâu thẳm nội tâm, cũng là một đức tính tốt. Tôi tin khi biết kiểm soát lời nói, học cách im lặng, chúng ta sẽ tìm thấy được bình yên trong xã hội vốn như “bản nhạc hỗn loạn và xô bồ” này.