Nếu có thể hiểu rõ bản chất và giá trị của đau khổ, thì không những chúng ta có thể vượt qua mọi nỗi đau trong cuộc sống, mà còn có thể trân trọng và coi nó như một cơ hội để rèn luyện bản thân.

Là con người, có lẽ chẳng ai muốn đón nhận bất kỳ sự đau đớn nào. Hầu hết chúng ta đều bài xích và né tránh các loại đau đớn từ thể xác tới tâm hồn. Dường như những đau khổ là một khái niệm thuộc về tinh thần và không thể dùng thiết bị y tế nào để khám ra được; nhưng cảm giác chịu đựng nó lại rất thực tế đối với bất kỳ ai từng trải qua.

Hiểu được bản chất và giá trị của đau khổ

Mọi nỗi đau đều có mục đích riêng của nó. Mục đích cơ bản nhất của nỗi đau là đóng vai trò như một lời cảnh báo. Khi tiếp xúc với bất kỳ tình huống nguy hiểm nào, chẳng hạn như khi tiếp xúc với lửa, mảnh thủy tinh vỡ,… cảm giác đau đớn sẽ đến ngay lập tức khiến bạn rụt tay lại, bằng cách này nó giúp cơ thể tránh bị thương tích nghiêm trọng hơn. Nhưng không chỉ có vậy, sự đau đớn còn có nhiều mục đích khác nữa.

Cuộc đời, ai cũng đều phải trải qua các loại đau đớn, khổ sở, đó là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi. Nhiều tín ngưỡng, tôn giáo cho rằng nỗi đau xác thịt và sự đau khổ tinh thần là chìa khóa cho sự phát triển tâm linh.

Phật gia giảng rằng, con người gặp phải đau khổ là do nhân quả, nợ nghiệp từ những lỗi lầm trong quá khứ; và việc trả những món nợ này là một bước cần thiết để trở về bản chất thuần khiết ban đầu.

Vượt qua mọi nỗi đau; Vượt qua mọi nỗi đau khổ trong cuộc sống
Phật giáo cho rằng, khi con người gặp phải chuyện thống khổ hay bất hạnh nào đó, thì chính là để hoàn trả nợ nghiệp trong quá khứ (ảnh minh họa: Flickr)

Cơ Đốc giáo cho rằng thử thách và hoạn nạn hun đúc đức tin và củng cố nhân cách của một người, đưa bạn đến gần với Chúa hơn.

Do Thái giáo coi đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống. Xét về một phương diện nào đó thì đau khổ không hẳn là xấu. Với đức tin mạnh mẽ, người ta có thể coi nó như một cơ hội để đạt được đề cao cảnh giới tâm linh.

Đau khổ giúp đột phá bản thân và thăng hoa cảnh giới

Một người đã trải qua những thử thách khắc nghiệt sẽ nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau. Họ có được nhận thức vượt ra khỏi giới hạn của bản thân và ít bị lay động trước những vấn đề nhỏ nhặt.

Nỗi đau không chỉ rèn luyện và thành tựu một người, mà nó còn khiến chúng ta nhận ra sức mạnh tiềm ẩn của bản thân. Trước những khó khăn, trí tuệ và tinh thần trở nên vững vàng và mạnh mẽ; nuôi dưỡng và thuần thục khả năng chịu đựng; đồng thời, nó còn trau dồi đức tính khiêm tốn.

Có lẽ quan trọng nhất là nỗi đau có thể nuôi dưỡng sự đồng cảm. Sự đau khổ của bản thân giúp người ta hiểu được sự đau khổ của người khác. Biến cái tôi ích kỷ trở thành một con người vị tha và giàu lòng nhân ái. 

Thay đổi nhận thức và kiểm soát cảm xúc trước nghịch cảnh

Khi có thể hiểu được bản chất và giá trị của đau khổ, dường như người ta sẽ sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng nó mà không còn cảm thấy quá khó chịu. 

Có một sự thật là, mức độ của đau đớn hay tổn thương của chúng ta phụ thuộc vào thái độ khi chúng ta đối mặt với nó. Nếu không muốn bị nó chi phối và giam hãm trong cảm giác bi thương, khốn khổ, chúng ta cần phải biết cách điều chỉnh tâm thái khi nhìn nhận nó. 

Khi gặp bất kỳ nỗi đau nào, chúng ta thường có tâm lý bài xích nó. Nhưng càng tránh né, đau đớn sẽ càng dữ dội và kéo dài hơn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã minh họa cho đạo lý này với các đệ tử của Ngài bằng một ví dụ:

“Giả sử con bị trúng một mũi tên, vết thương đó dù rất đau đớn nhưng con vẫn có thể vượt qua được; nó cũng chỉ như bao vết thương khác con từng trải qua trong đời mà thôi. Nhưng khi con không ngừng suy nghĩ tiêu cực, oán hận và cố thoát khỏi cơn đau; điều này chẳng khác nào con đang tự bắn mình bằng mũi tên thứ hai”.

vượt qua nghịch cảnh; đối mặt khó khăn; thoát khỏi đau khổ
Cố gắng bài xích và chống lại những đau khổ, chẳng khác nào tự bắn thêm mũi tên thứ hai đè lên mũi tên thứ nhất, đã đau lại càng đau thêm (ảnh minh họa: Vision Times)

Chính những phản ứng tâm lý của chúng ta trước nỗi đau là tác nhân gây ra đau khổ. Khi chúng ta bị cảm xúc chi phối, chạy theo những thứ mình thích và né tránh những thứ mình không thích; đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống không hòa hợp với tự nhiên.

Nếu chúng ta có thể học cách chấp nhận nỗi đau như một phần thiết yếu cho sự trưởng thành về nhận thức và tâm linh, thì nỗi đau sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều.

“Tâm thái biết chấp nhận khổ đau là nền tảng để chuyển khổ đau thành con đường giác ngộ” – Tôn Giả Shantideva (thế kỷ thứ VIII)

Buông bỏ những ràng buộc trong tâm

Chúng ta thường nghĩ rằng những thứ mình yêu thích, gắn bó với mình là tốt. Nhưng thực ra, bất kỳ sự gắn bó, ràng buộc mạnh mẽ nào cũng đi kèm với nỗi sợ hãi; bởi chúng ta thường sống trong nỗi lo sợ sẽ mất đi những thứ ấy.

Tương tự, khi chúng ta ưa thích một cuộc sống thoải mái; sẽ sinh ra nỗi sợ hãi về sự vất vả, nhọc nhằn; điều này làm tăng thêm sự đau đớn và khổ sở khi gặp khó khăn, vấp ngã. 

Học cách buông bỏ, xem nhẹ mọi ràng buộc. Chúng ta không thể hạnh phúc hay mãn nguyện khi bám víu vào những ham muốn vật chất. Khi tách mình ra khỏi những ham muốn và sợ hãi, thì khi nỗi đau đến sẽ không còn khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng nữa.

Nếu bạn chú ý đến những gì diễn ra trong tâm trí mình, bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ tác động lên cảm xúc của bạn; hầu hết đều xoay quanh việc muốn kiểm soát kết quả của những việc không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. 

Giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc này, là một bước tiến lớn trong hành trình tâm linh và cuối cùng sẽ giúp bạn vượt qua mọi đau khổ.

Buông bỏ các sự ràng buộc, không có nghĩa là vứt bỏ mọi thứ, mà chỉ đơn giản là sự nhận biết được rằng hạnh phúc của bạn không phụ thuộc vào những thứ đó. 

Bằng cách buông bỏ sợ hãi và truy cầu, đau khổ sẽ không còn kiểm soát được bạn và cuối cùng bạn có thể vượt qua nó.

Vượt qua nỗi đau bằng chính niệm

Bạn không cần phải trở thành một tu sĩ để vượt qua nỗi đau, nhưng bạn sẽ cần rèn luyện sự kiên nhẫn và nghị lực trong việc quan sát tâm trí mình, để tìm ra động cơ đằng sau mọi suy nghĩ.

Bằng cách rèn luyện tâm thức, dần dần chúng ta có thể học được cách nhận ra những suy nghĩ và chấp trước không có ích cho mình và tìm cách xử lý chúng.

Chúng ta có thói quen nuối tiếc khi nghĩ về quá khứ hoặc ảo vọng về tương lai. Chính niệm là sự kiểm soát ý niệm, hành vi trong cuộc sống hiện tại; quan sát suy nghĩ của bạn một cách khách quan khi chúng xuất hiện.

Để vượt qua nỗi đau cần có thời gian và nỗ lực không ngừng. Để giúp bạn thêm bền bỉ, hãy nhớ những lợi ích của nỗi đau mang lại “giống như mọi thứ khác trong cuộc sống – nỗi đau chỉ là tạm thời“.

Thông qua thiền định và chính niệm, chúng ta có thể xem xét nỗi đau của mình và học hỏi từ nó. Đây cũng là cơ hội tốt để khám phá mọi khía cạnh tốt đẹp trong cuộc sống của bạn và tìm thấy sự hài lòng với những gì hiện có; thay vì cố theo đuổi sự thỏa mãn từ những thứ không hiện thực.

Hãy thử ngồi tĩnh lặng nhìn nỗi đau của bạn. Dù đó là nỗi đau thể xác, hay nỗi đau tinh thần, giận dữ, sợ hãi hay buồn bã; hãy quan sát nó và dần dần bạn có thể thấy được nguyên nhân gốc rễ của nó.

Trong khi khám phá những chấp trước, ràng buộc khiến bạn đau khổ, hãy cố gắng chấp nhận và chịu đựng đau khổ như một phần tự nhiên của cuộc sống; thay vì coi mình là nạn nhân, cố chống cự lại sự vô thường và bài xích những gì bạn không thích. Hãy thư giãn, thả lỏng để tìm thấy sự hòa hợp khi bạn trở thành một thể với vũ trụ.

Thông qua cộng hưởng tâm linh sâu sắc, con người có thể đạt được trạng thái cảm xúc cân bằng; không chỉ giúp vượt qua mọi nỗi đau, mà còn khiến mọi trải nghiệm dù là đau khổ hay phấn khích dường như không có sự khác biệt.

Theo Vision Times