Cố Thiệu là con trai của Cố Ung – thừa tướng Đông Ngô, từ nhỏ đã thông minh hiếu học, kiến thức uyên bác; là anh tài trong đám quần hùng. Ông là một vị quan tài năng và được rất nhiều người mến mộ, nhưng chỉ vì ông bất kính với Thần linh mà phải sớm rời khỏi nhân gian.

Tuổi trẻ tài cao, được nhiều người mến mộ

Cố Thiệu tuổi trẻ tài cao, danh tiếng vang xa, người ngưỡng mộ khắp nơi nườm nượp kéo đến để xin bái kiến; có nhiều người kết bằng hữu với ông còn lưu luyến mãi mới chịu rời đi. Tôn Quyền – Hoàng đế Đông Ngô rất quý Cố Thiệu, mới gả cháu gái (con gái của Tôn Sách) của mình cho ông. 

Năm Kiến An thứ 15 (năm 210), Chu Du bị bệnh qua đời ở Ba Khâu (nay là Nhạc Dương, Hồ Nam), lúc ấy Bàng Thống – thủ hạ của Chu Du đang giữ chức Công Tào đã giúp đưa linh cữu của Chu Du về Đông Ngô. Khi đến nơi thì Bàng Thống cũng gặp được danh sĩ của Đông Ngô là Cố Thiệu.    

Cố Thiệu và Bàng Thống vừa gặp đã thân thiết. Hai người đốt đuốc mà nói chuyện trong đêm; kê gối nằm cạnh nhau nói chuyện; không giấu diếm nhau điều gì. Cố Thiệu hỏi Bàng Thống: “Nghe nói ngài giỏi nhìn người mà nổi tiếng; vậy thì ngài thấy hai chúng ta ai giỏi hơn?”

Bàng Thống vuốt râu rồi nói: “Nếu như nói về quản lý châu quận, thuận theo thủy triều, thay đổi phong tục, về điểm này thì tôi kém ngài; nếu như nói về sách lược thống trị của bậc đế vương qua các thời đại, chỗ trọng yếu trong nắm giữ thiên hạ, sự biến hóa của nhân quả, về mặt này thì dường như tôi nhỉnh hơn ngài một chút”. Cố Thiệu cũng cho rằng lời này nói rất thỏa đáng, mới vỗ tay mà tán thưởng Bàng Thống. Cả hai người cứ như vậy mà nói chuyện cho tới tận lúc trời sáng.

Vị quan tài năng

Cố Thiệu là một vì quan tài năng và được rất nhiều người mến mộ vào thời Đông Ngô
Cố Thiệu là một vì quan tài năng và được rất nhiều người mến mộ vào thời Đông Ngô (ảnh SOH)

Về sau Tôn Quyền bổ nhiệm Cố Thiệu làm thái thú Dự Chương. Lúc ông đi có hơn 100 danh sĩ đến đưa tiễn. Duy chỉ có người bạn thân Trương Bỉnh vì bị bệnh mà không thể đến tiễn ông. Cố Thiệu nói với mọi người rằng: “Trương Bỉnh bị bệnh, các vị xin chờ một lát. Tôi đến thăm ông ấy trước”. 

Cố Thiệu đối đãi với người cấp dưới cũng rất tử tế, không phân biệt sang hèn. Cố Thiệu cũng có tài nhìn người. Ông đã đề bạt Trương Bỉnh và Ân Lễ – cả hai đều có xuất thân bình dân nhưng sau này đều làm đến chức thái thú.

Sau khi Cố Thiệu đến Dự Chương (nay là Nam Xương, Giang Tây), việc đầu tiên là đi cúng tế mộ của tiên hiền Từ Trĩ; cũng đi động viên con cháu của ông. Cố Thiệu còn chọn những nhân tài ưu tú từ các quan chức cấp thấp và đề bạt lên những vị trí cao hơn. Đặc biệt là lựa người giỏi làm trong lĩnh vực giáo dục. Bằng cách này, hoàn cảnh xã hội ở Dự Chương cũng dần dần khởi sắc lên.

Bất kính với Thần linh

Mặc dù Cố Thiệu rất có tài năng nhưng lại bất kính với Thần linh. Trong thời gian chưởng quản Dự Chương, ông cấm chỉ người dân cúng tế quỷ thần. Ông còn dần dần phá hủy hết các miếu thờ ở địa phương. 

Lúc phá hủy miếu Lư Sơn, hầu như người của toàn quận từ trên xuống dưới đều không đồng ý; ra sức khuyên nhủ ông không nên phá hủy ngôi miếu này. Bởi vì vị Thần ở trong miếu có uy lực vô biên; có thể nổi gió điều hướng; khiến thuyền bè thuận buồm xuôi gió; vô cùng linh nghiệm. Người dân địa phương đều đến nơi này để cầu phúc. Mặt khác, họ cũng sợ Cố Thiệu phá miếu như vậy sẽ gặp phải điều không may. Thế nhưng Cố Thiệu rất cố chấp, cuối cùng vẫn sai người phá bỏ miếu Lư Sơn.

vị quan tài năng nhưng đoản mệnh
Không tôn kính Thần linh sẽ mang lại bất hạnh (ảnh Sohu).

Thần linh muốn cấp cơ hội sửa sai cho vị quan tài năng

Vào đêm ngôi miếu bị phá bỏ, Cố Thiệu ngồi dưới ánh đèn đọc sách. Đột nhiên nghe thấy tiếng gõ cửa, cảm thấy rất kỳ quái. Vừa định đứng dậy ra mở cửa thì cánh cửa đang đóng chặt bỗng tự mở ra. Một người thân hình cao lớn, dáng vẻ hung ác đi thẳng về hướng của ông; tự xưng là Thần Quân của miếu Lư Sơn. 

Cố Thiệu cũng không hề sợ hãi, tựa như tiếp đãi khách và mời ông ta ngồi. Vị Thần Quân này cũng không khách khí cứ thế ngồi xuống. Thần Quân Lư Sơn và ông bắt đầu nói chuyện. Hai người nói chuyện vui vẻ cả đêm không ngủ. Ngọn đèn cũng đã cạn dầu, Cố Thiệu không thêm dầu mà lấy cuốn sách “Tả truyện”, rút từng thẻ tre ra mà đốt; vừa đốt vừa tiếp tục nói chuyện.

Lúc này, con gà trống đã gáy to, trời sắp sáng, Thần Quân Lư Sơn liền xin cáo lui. Lúc rời đi còn khẩn khoản xin Cố Thiệu hãy khôi phục lại ngôi miếu đã phá bỏ. Cố Thiệu nghe mà không để tâm, chỉ cười cười cho qua. 

vị quan tài năng nhưng đoản mệnh
Các vị Thần thường cấp cơ hội cho con người sửa chữa sai lầm (ảnh Kknews).

Cố chấp không tỉnh ngộ

Thần Quân Lư Sơn vô cùng tức giận, trước khi đi còn nói với Cố Thiệu rằng: “Cho ngươi thời hạn 3 năm. Nội trong 3 năm mà không khôi phục lại ngôi miếu, ngươi sẽ bị bạo bệnh mà chết”. Cố Thiệu lại cười nhạo mà nói: “Sao vội đi thế, nói chuyện thêm một chút nữa đi!”. Lời còn chưa dứt thì Thần Quân Lư Sơn đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Cố Thiệu nhìn ra cửa thì thấy tất cả đã được đóng kín như lúc ban đầu.

Đáng lý ra, lúc này Cố Thiệu cũng nên suy nghĩ một chút, tại sao vừa phá hủy miếu Lư Sơn xong thì Thần Quân lại tìm đến nhà ông. Không những thế còn cho ông thời hạn 3 năm để sửa lại miếu. Thế nhưng Cố Thiệu vẫn dựa theo quan niệm cố chấp của mình mà làm, không tin Thần Phật. 

Ba năm trôi qua trong nháy mắt, Cố Thiệu từ lâu đã quên lời nói của Thần Quân Lư Sơn; cũng không cảm thấy có gì bất thường. Chỉ mấy hôm trước thời hạn 3 năm mà ông phá bỏ ngôi miếu, ông đột nhiên bị bệnh nặng, không lâu sau thì qua đời.

Cố Thiệu thông minh từ nhỏ, thanh danh vang xa, đúng là tài tử nhân gian. Đáng tiếc là khư khư cố chấp, bất kính Thần linh, phá hủy miếu thờ mà bị quả báo phải sớm rời khỏi nhân gian.

Theo Sound of hope