Làm người thì ai cũng sẽ mắc sai lầm, nhưng quý ở chỗ là biết hồi tâm chuyển ý, sửa chữa sai lầm. Người quyết tâm tu thân dưỡng tính, hành thiện tích đức thì nhất định sẽ có phúc báo; từ đó có thể thay đổi vận mệnh của bản thân.

Quá khứ ngang tàng vì chưa gặp được lời thiện ý

Vào thời nhà Minh, có một người tên là Ngũ Thiên Cân, thân hình lực lưỡng và thường ngày vẫn luyện tập múa thương. Tính tình anh ta có phần nóng nảy, chỉ cần ai nói một câu trái ý thì liền ra tay đánh người. Anh ta cũng thường giành giật tài sản với người khác mà không trả lại hoặc vay tiền người khác mà không làm giấy ghi nợ. Bởi vậy mọi người đều rất sợ anh ta.

Một hôm trời rất nóng, anh đi lên lầu để hóng mát, nhưng có mấy người đã đứng ở đó từ trước. Vừa nhìn thấy anh ta đến thì đã sợ hãi tránh đi chỗ khác. Lúc này chỉ còn một ông lão vẫn ngồi im tại chỗ. 

Ngũ Thiên Cân hung hăng nói rằng: “Tất cả mọi người đều chạy rồi, ông còn ngồi ở đó; hay là ông cho rằng quyền cước của ta không lợi hại?” Ông lão nói: “Anh chấp mê bất ngộ. Cha mẹ dưỡng dục anh thành người; hy vọng anh trở thành người có ích với đất nước. Anh giỏi võ nghệ, vậy mà không nghĩ tới việc đền đáp quốc gia; lại cam tâm đi làm một tên vô lại như vậy. Thật là khiến cho quốc gia mất đi một nhân tài. Cha mẹ anh chắc cũng phải ôm hận nơi suối vàng. Đáng tiếc! Đáng tiếc!”

Hồi tâm chuyển ý, thay đổi vận mệnh

Con người quý ở chỗ là biết sửa chữa sai lầm
Con người quý ở chỗ là biết sửa chữa sai lầm (ảnh Epoch Times)

Sau khi nghe những lời giáo huấn của ông lão, Ngũ Thiên Cân rất xấu hổ. Anh rơm rớm nước mắt mà nói rằng: “Mọi người xung quanh nói tôi là một người xấu đáng ghét. Vì vậy tôi đã tự coi mình như là một người xấu. Hôm nay nghe được ông lão nói những lời phải trái; thật giống như nghe được tiếng chuông sáng, tiếng trống chiều. Nó làm cho tôi đột nhiên tỉnh ngộ. Chỉ là tôi làm việc xấu quá nhiều rồi, tựa như ánh trăng đã khuyết khó có thể tròn. Mặc dù cũng muốn sửa đổi, nhưng không biết có thể trở thành một bậc chính nhân quân tử được nữa hay không?”

Ông lão nói: “Nếu anh quả thật hồi tâm chuyển ý, tu thân hướng thiện, chẳng lẽ lại không trở thành một bậc chính nhân quân tử được hay sao?”

Ngũ Thiên Cân từ đó về sau cải tà quy chính; tòng quân báo quốc. Về sau làm đến chức Phó Nguyên soái. Ông trị quân nghiêm minh, yêu dân như con, được mọi người tán thưởng.

Người viết văn quý ở ‘tâm bình khí hòa’

Vào thời nhà Minh, ở huyện Giang Âm có một người tên là Trương Úy Nham, học vấn uyên bác, giỏi văn chương. Anh là một học giả rất có tiếng tăm. Năm 1594, anh tham gia cuộc thi hương ở Nam Kinh. Lúc yết bảng, không nhìn thấy tên mình ở trên bảng, anh tức giận chửi quan chấm thi không nhìn thấy nhân tài. Ngay lúc đó ở bên đường có một đạo sĩ đi ngang qua, mỉm cười nhìn anh. Trương Úy Nham tự nhiên mà tức giận lây sang vị đạo sĩ này.

Đạo sĩ nói: “Văn chương tướng công nhất định là không hay”. Trương Úy Nham cả giận nói: “Ông chưa đọc văn của tôi thì làm sao mà biết nó không hay?”

Đạo sĩ trả lời: “Tôi nghe nói viết văn thì quý tại tâm bình khí hòa. Giờ nghe anh mắng chửi thô bạo như vậy, tâm bất bình đến như thế! Có thể nào mà viết ra văn hay được không?” Trương Úy Nham nghe xong cũng cảm thấy có lý, lập tức khuất phục và xin được thỉnh giáo vị đạo sĩ.

Đạo sĩ nói: “Muốn thi đỗ đạt công danh thì còn do mệnh của anh; trong mệnh đã định là thi không đỗ thì văn hay đến mấy cũng vô dụng”.

Trương Úy Nham hỏi: “Nếu là mệnh thì làm sao để cải biến?”

Đạo sĩ nói: “Ông trời tạo ra sinh mệnh, nhưng vận mệnh là do bản thân tự dựng lập nên. Nỗ lực hành thiện, tích âm đức, có phúc đức rồi thì có gì mà không được?”

Chỉ cần luôn giữ sự thiện lương ở trong tâm là đã tích được phúc đức
Chỉ cần luôn giữ sự thiện lương ở trong tâm là đã tích được phúc đức (ảnh Sohu)

Khiêm tốn sửa đổi, thay đổi vận mệnh

Trương Úy Nham nói: “Tôi chỉ biết đọc sách, giờ có thể làm việc gì được?”

Đạo sĩ nói: “Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo ra. Thường giữ thiện tâm thì công đức vô lượng. Giống như khiêm tốn là một loại tiết tháo, cũng không tốn tiền. Anh sao có thể mắng quan chấm thi chỉ vì mình bị rớt được?”

Trương Úy Nham lập tức tỉnh ngộ, từ đó về sau luôn giữ sự khiêm tốn. Anh bắt đầu tự kiềm chế bản thân mình, hàng ngày tu thiện, tiến bộ rất nhanh.

Năm 1597, vào một đêm, anh nằm mơ nhìn thấy một quyển sổ ghi những người trúng tuyển; bên trong có rất nhiều chỗ bị khuyết thiếu. Thấy có người ở gần đó nói: “Đây là danh sách trúng tuyển năm nay”. Trương Úy Nham hỏi: “Vì sao trong danh sách thiếu nhiều tên như vậy?”

Có người nói: “Danh sách trúng tuyển được đánh giá ba năm một lần; chỉ những người không có lỗi về đạo đức mới được chọn. Các dòng trống ở trên đều là do những người đã được chọn, nhưng vì bị lỗi về đạo đức trong vòng ba năm nên đã bị loại”. 

Sau đó người này chỉ vào một dòng trống và nói với Trương Úy Nham nói rằng: “Ba năm qua, anh thận trọng cả lời nói và hành động, tu thân dưỡng tính, chắc là nên được bổ sung vào chỗ khuyết này. Mong anh bảo trọng”.

Trong kỳ thi năm đó, Trương Úy Nham quả nhiên đã trúng tuyển. Thật đúng là hành thiện tích đức, phúc lộc đầy đủ thì không gì là không thể làm được.

Theo Secret China